Connect with us

Amazon có cạnh tranh nổi với Google trong cuộc đua tablet?

Tình huống thương hiệu

Amazon có cạnh tranh nổi với Google trong cuộc đua tablet?

Chiến lược kinh doanh chịu lỗ từ việc bán sản phẩm để thu lợi nhuận từ nội dung số đã mang lại thành công cho chiếc máy tính bảng Kindle Fire của Amazon. 

Tuy nhiên, khi Google chính thức bước chân vào thị trường máy tính bảng giá rẻ thì liệu Amazon có thắng nổi Google trong cuộc cạnh tranh về giá?

Khi mua hàng trên Amazon, người mua sẽ nhận được hàng gói trong một chiếc hộp giấy của Amazon. Hộp giấy cũng là một nhân tố quan trọng trong chiến lược kinh doanh của hãng. Amazon sẵn sàng chi trả một khoản tiền nhỏ vào chi phí hộp giấy, để thu lợi nhuận từ những món hàng chứa trong hộp giấy

Với Amazon thì chiếc máy tính bảng Kindle Fire cũng là một dạng như hộp giấy. Hãng chấp nhận lỗ vốn trên mỗi chiếc máy tính bảng bán ra, với mục tiêu thu được nhiều lợi nhuận từ việc kinh doanh các nội dung số (nhạc, sách, phim,…) phục vụ cho chiếc máy tính bảng đó.

Hiện tại có thể phân chia các nhà sản xuất máy tính bảng ra ba nhóm

+ Nhóm 1 gồm các công ty vừa kiếm lời từ việc sản xuất phần cứng vừa cung cấp nội dung số cho máy tính bảng. Điển hình là Apple và Sony, cả hai đều sản xuất máy tính bảng và cung cấp nội dung số. Apple bán nội dung qua iTunes, còn Sony có Sony Entertainment Network.

+ Nhóm 2 gồm các công ty chỉ kiếm lời từ việc cung cấp nội dung và dịch vụ trực tuyến. Các công ty thuộc nhóm này chấp nhận lỗ vốn hay bán với giá gốc nhằm thu lợi nhuận từ nội dung mà họ cung cấp. Tiêu biểu trong nhóm 2 là Amazon, Google và Barnes & Noble.

+ Nhóm 3 gồm các công ty chỉ cung cấp phần cứng. Có nhiều công ty thuộc nhóm này như Samsung, Asus, Research In Motion, Acer, Motorola, Toshiba, Archos,…

Các nhóm này vẫn tồn tại song song và sẽ xảy ra các “cuộc chiến” giữa các thành viên trong nhóm.

Vì sao Apple vẫn luôn thống trị nhóm 1?

Trong mọi vấn đề của cuộc sống và trong kinh doanh cũng vậy, luôn luôn có xu hướng “người giàu sẽ ngày càng giàu hơn”. Apple cũng thể, hiện iPad đang là chiếc máy tính bảng có số lượng người dùng đông đảo nhất. Những khách hàng của Apple luôn hài lòng và theo đuổi những dịch vụ tiêu chuẩn của hãng như iCloud hay iTunes. Chẳng hạn, những người đã từng tải dữ liệu lên iCloud hay mua nội dung trên iTunes chắc chắn sẽ chọn mua máy tính bảng của Apple trong tương lai, vì chỉ có những thiết bị của Apple mới có những dịch vụ tiêu chuẩn đó. Apple cũng rất có lợi thế về khả năng tạo ra mạng lưới người dùng đông đảo với hai ứng dụng iMessage và FaceTime.

Kích thước và thiết kế iPad luôn ở chuẩn nhất định nên việc sản xuất phụ kiện dễ dàng, thu hút thêm nhiều công ty tham gia vào kinh doanh phụ kiện cho iPad.

Điểm mạnh lớn nhất của Apple là đánh vào thị trường cao cấp. Với thương hiệu của mình, Apple thu hút được số lượng lớn người dùng sẵn sàng móc hầu bao để chi trả cho việc mua thiết bị, cũng như mua các nội dung số mà công ty cung cấp. Hay nói cách khác, Apple thu hút nhiều khách hàng, mà khách hàng nào cũng có “chất lượng”.

Do vậy, có thể nhận định rằng Apple sẽ luôn dẫn đầu nhóm 1, vì đối thủ duy nhất của Apple ở nhóm này là Sony có tình hình kinh doanh thiết bị lẫn nội dung số không mấy khả quan cho lắm.

 

Lợi thế lâu dài của Google

Theo định luật Moore, quy mô sản xuất làm giảm chi phí sản xuất máy tính bảng, làm gia tăng khoảng cách giữa máy tính bảng cao cấp như iPad và các dòng giá rẻ. Các dòng máy tính bảng giá rẻ càng hạ giá, càng có nhiều người mua. Dù vậy, Apple vẫn là người thu lợi nhuận nhiều nhất trên mỗi thiết bị bán ra.

Lợi thế lớn nhất của Google là không sản xuất và bán phần cứng mà hợp tác với công ty sản xuất phần cứng khác. Hiện đang chờ sự chấp thuận của Trung Quốc để có được Motorola, song cả hai công ty vẫn hoạt động độc lập với nhau. Nguyên do mua Motorola của Google là để sở hữu số lượng bằng sáng chế khổng lồ mà Motorola đang sở hữu, nhằm bảo vệ nền tảng Android tốt hơn trước các mối đe dọa từ Apple, Microsoft,…

Theo báo cáo của Wall Street Journal, Google đang có kế hoạch hợp tác với các công ty chuyên sản xuất phần cứng ở nhóm 3 để phát hành máy tính bảng. Do vậy, ở nhóm 2, Google là công ty duy nhất không phải lo ngại về chi phí sản xuất phần cứng, có lợi thế hơn nhiều so với Amazon và Barnes & Noble.

Chiến lược kinh doanh của Amazon liệu có bền vững?

Với giá bán 199 USD, Kindle Fire đứng vị trí thứ 2 trong danh sách máy tính bảng bán ra nhiều nhất. Để có được mức giá “mềm” nhất, Amazon phải chấp nhận bán lỗ tablet của mình. Mô hình kinh doanh của Amazon tương tự như máy in, bán máy in ở mức giá thấp để thu lợi nhuận từ mực in.

Amazon cạnh tranh với Google không phải ở mảng kinh doanh phần cứng mà ở mảng kinh doanh nội dung và dịch vụ số. Khi giá đi xuống, đối tác của Google vẫn có thể sản xuất và bán máy tính bảng ở mức giá tương tự của Amazon mà không bị lỗ. Để có thể cạnh tranh và thu hút khách hàng, Amazon phải tiếp tục hạ giá sản phẩm. Chẳng hạn, Asus và Google bán với 149 USD, Amazon phải bán ở giá 99 USD. Khi Asus và Google giảm xuống 99 USD, Amazon lại tiếp tục hạ giá còn 69 USD,…

Đó là sự đánh đổi mà Amazon phải thực hiện để thu hút khách hàng. Tuy nhiên, có thể việc đánh đổi này cũng không mang lại lợi nhuận cho công ty. Khi hạ giá xuống thấp, sẽ có nhiều khách hàng chọn mua Kindle Fire hơn. Tuy nhiên, nếu chọn mua thiết bị chỉ đơn thuần vì giá nó rẻ thì liệu họ có sẵn sàng chi tiền ra để mua các nội dung số mà Amazon cung cấp?

Do vậy, Amazon nên có chiến lược kinh doanh khác mới hòng cạnh tranh được với Google trong cuộc chiến về giá máy tính bảng.

Theo Genk/PC World

Click để bình luận

Nhập bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

13 − 3 =

To Top