Connect with us

Quyền lực kép ở NutiFood

Tình huống thương hiệu

Quyền lực kép ở NutiFood

Đặt mục tiêu 1 tỉ USD doanh thu vào năm 2020, bắt tay với tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai, con đường dẫn đến “giấc mơ” của NutiFood đang dần rộng mở.

Khi Nguyễn Công Phượng, tuyển thủ số 10 của đội bóng U19 Việt Nam ghi bàn mang về chiến thắng trước U19 ÚC, cả sân vận động Mỹ Đình như vỡ òa trong niềm vui khôn tả. 

Không náo nhiệt như các cổ động viên, nhưng ở góc khán đài danh dự, Chủ tịch Đoàn Nguyên Đức của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) cũng nở nụ cười sảng khoái. Ngồi cạnh ông Đức, Chủ tịch Trần Thanh Hải của Công ty NutiFood dù ít bộc lộ cảm xúc nhưng đã thể hiện sự mãn nguyện khi đứng vỗ tay liên tục. 

Sau một giải đấu thành công cho U19 Việt Nam, báo chí lại nói nhiều về bầu Đức, người đặt những viên gạch đầu tiên dẫn đến thành công của lứa cầu thủ này. Ít được nhắc đến hơn, nhưng với tư cách là nhà tài trợ chính, rõ ràng hiệu ứng truyền thông mà NutiFood nhận được không chỉ dừng lại ở những tấm pano có logo Công ty đặt chật kín sân Mỹ Đình và thu hút hàng triệu khán giả xem truyền hình. Có thể nói, quyết định đồng hành cùng U19 Việt Nam từ khá sớm đã giúp NutiFood ghi điểm trong mắt người tiêu dùng cả nước.

Và đó lại là một chiến dịch làm thương hiệu thành công của ông Trần Thanh Hải, Chủ tịch NutiFood.

Đường đến doanh chủ

“Ở nhà không biết làm gì nên vợ kêu lên làm Chủ tịch Hội đồng Quản trị”, ông Hải nói nửa đùa nửa thật về chức vụ của mình. Vợ ông Hải, bà Trần Thị Lệ, hiện là Tổng Giám đốc của NutiFood. 

Bà Lệ tốt nghiệp Đại học Y (Tây Nguyên) rồi vào TP.HCM làm Trợ lý Giám đốc Điều hành của Cơ sở Thực phẩm Đồng Tâm. Đến năm 2000, cơ sở này phát triển thành Công ty Cổ phần Thực phẩm Dinh dưỡng Đồng Tâm (NutiFood) và bà được cất nhắc lên làm Giám đốc. Năm 2004, một sự cố diễn ra ở NutiFood đã khiến nhiều cổ đông bán tháo cổ phần. Thế là trong khi các cổ đông cũ bán đi, bà Lệ lại mua vào và bắt đầu trở thành bà chủ từ đó.

Còn ông Hải lại là một cái tên khá mới ở ngành sữa. Tuy nhiên, trong giới kinh doanh bất động sản, tên tuổi của ông đã được không ít người biết đến ở vai trò Chủ tịch Công ty Cổ phần Đầu tư Đất Thắng, một doanh nghiệp bất động sản với nhiều dự án tại khu vực quận Tân Bình và quận 10, TP.HCM.

Sự khó khăn của thị trường trong mấy năm qua đã khiến nhiều khu đất của Đất Thắng không thể triển khai thành dự án. Tuy nhiên, chiến lược xây nhà hàng trên những khu đất này đã mang lại thành công hơn mong đợi cho ông Hải. Chuỗi nhà hàng sân vườn Mùa Vàng là một ví dụ.

Hiện tại, dù Đất Thắng đã được ông Hải giao cho người em là Trần Thanh Sơn quản lý, nhưng theo báo cáo tài chính của NutiFood thì Đất Thắng vẫn được xem là một công ty liên quan. Ngoài lĩnh vực bất động sản, ông Hải từng cho biết mình đang nắm phần lớn cổ phần ở Công ty Đầu tư Thiết bị Y tế Vimec.

Không có thông tin cụ thể nào về thời điểm ông Hải trở thành Chủ tịch NutiFood. Chỉ biết rằng ông Hải nắm vị trí hiện tại sau khi ông Trần Kim Thành, Tổng Giám đốc Kinh Đô, từ nhiệm ở NutiFood khi Kinh Đô thoái hết vốn khỏi công ty này vào đầu năm 2012. Đó cũng là thời điểm bắt đầu nhiệm kỳ mới ở NutiFood, giai đoạn 2012-2016. Thực tế, ông Hải và gia đình cũng chỉ mới bắt đầu mua vào và nắm cổ phần chi phối NutiFood từ đầu năm 2012 đến 2013. 

Trả lời câu hỏi của NCĐT liên quan đến vấn đề này, ông Hải xác nhận rằng mình đã mua lại số cổ phần của Kinh Đô tại NutiFood. Ông cũng xác nhận rằng 2 người khác trong gia đình là bà Trần Thị Hằng và Trần Thị Minh Nguyệt đã mua lại cổ phần của quỹ đầu tư DI (Nhật) ở NutiFood khi quỹ này thoái vốn đầu năm 2013.

Không có con số cụ thể về tỉ lệ sở hữu của gia đình ông Trần Thanh Hải và bà Trần Thị Lệ ở NutiFood, nhưng nếu như ông Hải mua hết số cổ phần của Kinh Đô (tương đương 18% vốn), cộng với 25% số cổ phần mua lại từ quỹ DI của Nhật và cổ phần của bà Lệ (gần 7%) thì ít nhất gia đình này cũng đã nắm hơn 50% vốn ở NutiFood.

Và mục tiêu 1 tỉ USD

Còn nhớ thời điểm cuối năm ngoái, khi trả lời câu hỏi liệu NutiFood có thể thay đổi được cục diện ở ngành sữa, ông Trần Thanh Hải, khi đó vừa lên nắm chức Chủ tịch Hội đồng Quản trị NutiFood, từng nói rằng: “NutiFood đã để vuột mất cơ hội. Với sức mạnh của Vinamilk, TH True Milk hay Friesland Campina hiện tại, NutiFood chắc chắn không thể theo kịp”.

Tuy nhiên, sau khi bắt tay với HAGL, cơ hội mới đã lại mở ra cho NutiFood. Thậm chí, theo nhiều chuyên gia đánh giá, NutiFood có thể trở thành một đối thủ mới đáng gờm ở ngành sữa trong thời gian sắp tới. 

Cơ hội khác đó chính là việc NutiFood được HAGL chọn làm đơn vị bao tiêu toàn bộ lượng sữa bò do tập đoàn này sản xuất ra trong thời gian tới. Cụ thể là dự án chăn nuôi bò sữa và bò thịt do HAGL làm chủ đầu tư với số vốn 6.300 tỉ đồng. Dự kiến, tổng đàn bò thịt và bò sữa là 236.000 con; trong đó gồm 120.000 con bò sữa và 116.000 con bò thịt. Diện tích đất sử dụng ban đầu khoảng 4.000 ha, trong đó diện tích trồng cỏ là 3.400 ha và 600 ha xây dựng hạ tầng phục vụ chăn nuôi.

Theo ông Hải, trong chăn nuôi bò thì thức ăn chiếm tỉ trọng rất lớn trên giá thành, trong khi HAGL đang nắm trong tay lợi thế này từ nguồn phụ phẩm nông nghiệp mía đường, bắp hoặc cọ dầu do Tập đoàn trồng được. Thế nên, việc hình thành một trang trại bò sữa có quy mô lớn hoàn toàn nằm trong khả năng của HAGL.

“Kinh nghiệm lâu năm trong ngành sữa của NutiFood kết hợp với thế mạnh sẵn có của HAGL sẽ đảm bảo khả năng thành công cho dự án này. Chúng tôi tự tin trước viễn cảnh hợp tác của đôi bên”, ông Hải khẳng định.

Người ta thường hay dùng hình tượng “đứng trên vai người khổng lồ” để chỉ việc mượn sức mạnh của ai đó nhằm phát triển nhanh hơn. Trong trường hợp của NutiFood, câu chuyện này rõ ràng hơn bao giờ hết. Với sự trợ giúp của người khổng lồ HAGL, Trần Thanh Hải đang đưa NutiFood tự tin bước vào cuộc chơi lớn. 

Theo đó, một nhà máy chế biến sữa tươi 100% với công nghệ, máy móc thiết bị hiện đại nhập khẩu từ Đức, Thụy Điển với tổng vốn đầu tư 5.000 tỉ đồng đang được NutiFood gấp rút triển khai trong 2 giai đoạn. 

Giai đoạn 1 được thực hiện trong 2 năm 2014-2015 với số vốn đầu tư gần 3.500 tỉ đồng, quy mô sản xuất khoảng 290 triệu lít sữa tươi. Giai đoạn 2 sẽ được thực hiện trong các năm tiếp theo với số vốn đầu tư 1.500 tỉ đồng để nâng công suất nhà máy sữa lên 500 triệu lít sữa tươi/năm. Dự kiến giữa năm 2015, nhà máy này sẽ cho ra những sản phẩm sữa tươi đầu tiên.

Với dự án này, Nutifood đặt ra mục tiêu đầy tham vọng là đến năm 2020, doanh thu của Công ty sẽ đạt hơn 1 tỉ USD. Theo Chủ tịch Công ty, tham vọng này là hoàn toàn có cơ sở vì trong 3 năm gần đây, doanh thu của NutiFood luôn đạt mức tăng trưởng bình quân trên 80%/năm. Dự kiến năm 2014, doanh thu sẽ đạt khoảng 4.500 tỉ đồng. 

“Khi dự án đi vào hoạt động, chúng tôi có nguồn nguyên liệu tốt nên sẽ dễ dàng đa dạng hóa mặt hàng vì ngoài những sản phẩm chủ lực, NutiFood còn có sữa tươi 100%, sữa chua, sữa chua nước, sữa bột… Sản phẩm có sức cạnh tranh cao thì tốc độ tăng trưởng sẽ tốt hơn”, ông Hải bổ sung.

Kỳ vọng tăng trưởng nhanh hay mục tiêu tỉ USD của NutiFood là điều bình thường của doanh nghiệp, nhưng với Trần Thanh Hải, tham gia sản xuất sữa tươi còn là để hướng tới viễn cảnh mọi trẻ em Việt Nam đều được uống sữa tươi. 

Rõ ràng, kỳ vọng của ông chủ NutiFood là không hề nhỏ. Thế nhưng cần nhớ rằng, tham vọng lớn hay tầm nhìn lớn chính là chìa khóa giúp nhiều doanh nhân lớn thành công. Henry Ford tin rằng nước Mỹ sẽ trở nên tốt đẹp hơn nếu mỗi gia đình Mỹ đều có một chiếc ôtô. Hay như Bill Gates tin rằng thế giới sẽ trở nên tốt đẹp hơn nếu như mỗi người đều có một chiếc máy tính.

Tuy nhiên, tham vọng mà thiếu khả năng thực hiện thì cũng vô ích. Nhìn lại lịch sử phát triển của NutiFood, công ty này từng lọt vào tốp 4 nhà sản xuất sữa hàng đầu tại Việt Nam, theo Nielsen. Thế nhưng, nhiều chiến lược không hợp lý sau đó đã khiến NutiFood hụt chân và tụt lại phía sau. 

Tháng 6.2008, theo yêu cầu của Hội đồng Quản trị, bà Trần Thị Lệ quay lại điều hành NutiFood trước muôn vàn khó khăn. “Tôi bắt tay tái cấu trúc các phòng ban, bộ phận theo thứ tự ưu tiên từ việc lớn đến việc nhỏ. Đây là thời điểm thử thách nhất đối với NutiFood. Chiến lược tái cấu trúc của dần phát huy tác dụng và sang năm 2009, Công ty có lãi 51 tỉ đồng”, bà Lệ chia sẻ với NCĐT cách đây không lâu.

Đến khi về ông Trần Thanh Hải về làm Chủ tịch Hội đồng Quản trị NutiFood, Công ty tiếp tục bắt đà tăng trưởng nhanh trở lại. Năm ngoái, doanh thu của NutiFood đạt 2.700 tỉ đồng, tăng gần 100% so với năm 2012. Còn theo kế hoạch 4.500 tỉ đồng doanh thu của năm 2014, báo cáo mới nhất từ NutiFood cho biết Công ty đã thu về 2.400 tỉ đồng trong 6 tháng đầu năm nay.

“Việc nắm cổ phần chi phối và tập trung giúp cho ban lãnh đạo NutiFood có thể nhanh chóng đưa ra các quyết định”, ông Hải lý giải về mức tăng trưởng của Công ty trong mấy năm vừa qua. Theo ông, hiện NutiFood không còn chức danh Phó Tổng Giám đốc như trước mà chỉ có các Trưởng phòng. Những người này sẽ trực tiếp làm việc với bà Lệ hoặc ông Hải. 

Tuy chỉ là “người đến sau” ở NutiFood, nhưng ông Hải lại là người đưa ra những quyết định quan trọng giúp thương hiệu NutiFood được biết đến nhiều hơn. Đặc biệt là chiến lược “chơi thân” với HAGL. Ví dụ như việc tài trợ 20 tỉ đồng cho Học viện Bóng đá HAGL, hay cùng bầu Đức đứng ra tổ chức giải Bóng đá Tứ hùng (NutiFood Cup) và mới đây là Giải U19 Đông Nam Á – Cúp NutiFood 2014.

Kết thúc buổi nói chuyện với NCĐT đúng vào giờ trưa, người viết được mời dùng cơm tại văn phòng với hai vợ chồng. “Cơm bà già nấu bắt mang theo. Không mang bà giận”, ông Hải lý giải về 2 phần cơm được mẹ ông chuẩn bị tươm tất.

Theo NCĐT

Click để bình luận

Nhập bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

one × one =

To Top