Connect with us

Vì sao Microsoft muốn “đi đêm” với Nokia?

Tình huống thương hiệu

Vì sao Microsoft muốn “đi đêm” với Nokia?

Trên Twitter đã xuất hiện nguồn tin có cơ sở rằng, Stephen Elop, CEO của Nokia sẽ hội kiến với Steve Ballmer tại nơi diễn ra CES 2012 trong tuần tới để thảo luận về việc Microsoft có thể mua lại "1 hoặc vài" chi nhánh sản xuất thiết bị của Nokia.

Thông tin về việc Microsoft mua lại Nokia không hề mới, tuy nhiên mỗi lần giới mộ đạo xôn xao về chuyện này thì lãnh đạo của cả 2 công ty đều phủ nhận mọi đồn đoán 1 cách rất nhiệt tình. Tuy nhiên với những thông tin vừa tiết lộ, dường như lời đồn rằng gã khổng lồ phần mềm sẽ mua lại Nokia lại càng thêm có cơ sở. Và câu hỏi đặt ra ở đây là: liệu nếu thương vụ mua bán giữa Nokia và Microsoft thành công, nó sẽ ảnh hưởng ra sao tới bộ mặt của ngành công nghiệp smartphone khi mà 2 cái tên rất lớn “đi đêm” với nhau?

Đối với Microsoft: “Rất cần, rất muốn Nokia”

Sau khi thương vụ Google mua lại Motorola hồi giữa năm 2011 được công khai, một câu hỏi dấy lên trong cộng đồng công nghệ rằng: “Để 1 nền tảng smartphone hiện đại thành công, liệu phần cứng và phần mềm có cần ở chung 1 nhà?”. Một trong những lý do thành công của iOS là sự đồng bộ giữa phần cứng và phần mềm: Apple là hãng duy nhất sản xuất các thiết bị chạy iOS đồng thời cũng là hãng nắm quyền phát triển HĐH này. Đơn cử 1 lợi ích cho việc này là iCloud của Apple. Ở iOS 5.x người ta có thể đồng hóa tất cả dữ liệu chéo giữa các thiết bị như iPad, iPhone, iPod thông qua iCloud, thậm chí cả các file save game. Điều đó có nghĩa là nếu bạn chơi 1 game có hỗ trợ iCloud trên iPhone thì sau đó khi về nhà bạn lại có thể lấy iPad ra và chơi lại đúng phần saved game trên iPhone, hoặc nội dung nhạc, ảnh ebook đều có thể đồng hóa chéo giữa các thiết bị với nhau.

Ngược lại bạn không thể làm thế nếu dùng 1 chiếc smartphone chạy Android của HTC trong khi lại dùng Galaxy Tab của Samsung. Hoặc như việc iPhone 3GS, 1 thiết bị đã 2,5 năm tuổi vẫn nhận được cập nhật iOS 5 trong khi những thiết bị Android mới chỉ ra đời cách đây chưa tới 1 năm như Arc S còn đang phấp phỏng không biết mình có nhận được bản cập nhật ICS hay không.

Từ góc nhìn ấy, việc 1 công ty nắm cả “hồn lẫn xác” của 1 nền tảng di động sẽ giúp tạo ra những thiết bị ổn định với những tính năng hoàn hảo, phần nào giống như iDevices của Apple.

Google nói rằng hãng mua lại Motorola vì 17000 bằng sáng chế của hãng này, nhưng chúng ta đều hiểu rằng sâu xa đằng sau thương vụ này, Google vẫn khao khát có được sự kiểm soát đối với phần cứng của Android và đảm bảo 1 tương lai vững chắc hơn cho đứa con cưng của mình.

Và khi Google mua lại Motorola, Windows Phone của Microsoft dường như bị ra rìa và trở thành kẻ duy nhất không có được sự đảm bảo chắc chắn về mặt thiết bị vì Microsoft không hề nắm giữ khâu sản xuất phần cứng. Nguy cơ lớn nhất của Android khi giao cho nhiều nhà sản xuất phần cứng như HTC, Samsung, Sony… là việc HĐH này bị các nhà sản xuất chỉnh sửa quá nhiều và cuối cùng sẽ “vỡ” thành hàng chục distro hoàn toàn riêng biệt và không còn tương thích với nhau nữa giống như điều đã xảy ra với 1 HĐH nguồn mở khác là Linux.

Để ngăn chặn điều này xảy ra với Windows Phone, Microsoft có 1 cách tiếp cận khác: Microsoft phát triển Windows Phone là nguồn đóng và không cho phép các nhà sản xuất thiết bị như HTC, Samsung chỉnh sửa giao diện gốc cũng như bất kỳ tính năng nào của HĐH này đồng thời bắt buộc các nhà sản xuất phải cập nhật phiên bản mới của Windows Phone cho các thiết bị cũ theo 1 lộ trình đã được qui định sẵn. Ở 1 góc độ nào đó, cách làm này là thành công vì cho tới hiện tại nền tảng Windows Phone nhìn chung khá thống nhất và các thiết bị thế hệ cũ đều đã được các hãng cập nhật lên WP 7.5 chỉ sau vài tháng.

Tuy nhiên chẳng 1 hãng sản xuất nào mặn mà với sự “ngược đãi” của Microsoft. Điều này giải thích lý do vì sao đến tận thời điểm này sức cạnh tranh của các thiết bị chạy WP chưa cao và HĐH này cũng chưa đem lại được thành công nào đáng kể.

Sự thành công của 1 HĐH phụ thuộc vào sự làm việc nhịp nhàng giữa 3 bên: Bên sản xuất HĐH, bên sản xuất thiết bị và người tiêu dùng. iOS thành công là nhờ Apple đảm nhiệm cả 2 vị trí sản xuất cùng 1 lúc,khiến hoạt động giữa 2 mảng rất trôi chảy, không vướng mắc. Android giảm mâu thuẫn giữa các bên bằng cách “thả lỏng” việc quản lý Android và để các hãng sản xuất phần cứng tự tung tự tác. Windows Phone gặp nhiều khó khăn là do cách làm việc của Microsoft làm mếch lòng các hãng sản xuất. Như vậy sẽ là rất logic nếu Microsoft muốn học tập Apple, tự mình sản xuất thiết bị chạy Windows Phone để triệt tiêu mâu thuẫn giữa hãng với phía sản xuất thiết bị. Bên cạnh đó vị thế của Nokia trong làng sản xuất smartphone vẫn còn rất lớn (Nokia là hãng sản xuất điện thoại lớn thứ 3 thế giới sau Samsung và Apple) vì thế mua lại Nokia sẽ là cú huých giúp Windows Phone có được một vị trí đứng thuận lợi hơn, bù đắp cho khởi đầu không suôn sẻ của HĐH này.

Đối với Nokia: “Kết cục đắng cay”

Hiện tại doanh thu chủ yếu của Nokia đến từ dòng feature phone và dumbphone mà Microsoft rõ ràng không hứng thú gì với những dòng thiết bị này. Điều ấy có nghĩa là nếu Microsoft mua lại Nokia, rất có thể hãng sẽ chỉ để mắt tới mảng sản xuất smartphone của gã khổng lồ Phần Lan. Nếu cắt bỏ smartphone và chỉ còn tập trung vào dumbphone và feature phone trong khi thế giới đang dần chuyển mình vào hậu-PC với sự lên ngôi của điện thoại thông minh có nghĩa là Nokia đã tự tay đặt dấu chấm hết cho đế chế của mình và tự đóng lại cánh cửa tiến vào tương lai.

Rời bỏ smartphone có nghĩa là Nokia vẫn sẽ tiếp tục thống trị ở các thị trường đang phát triển và các nước nghèo với các model thấp cấp và xa rời “miếng mỡ” béo bở ở các thị trường phát triển. Cái tên Nokia sẽ mỗi ngày 1 lụi tàn và có thể một ngày nào đó sẽ chỉ còn được nhắc đến khi người ta cần ví dụ về sự thất bại của 1 thế lực từng thống trị cả ngành công nghiệp.

Với Nokia mà nói, thương vụ này sẽ là thương vụ xóa sổ, đặc biệt nếu như Microsoft quyết tâm loại bỏ cái tên Nokia trong các sản phẩm tương lai sau khi sát nhập. Tuy nhiên nói cho cùng, đây cũng là 1 tương lai được dự đoán trước khi Nokia tuyên bố rằng mình toàn tâm toàn ý phát triển 1 HĐH khép kín như Windows Phone. Và với vị thế của Nokia hiện giờ, được Microsoft mua lại có thể sẽ trở thành chiếc phao cứu sinh dành cho 1 công ty đang gặp trắc trở. Với tiềm lực tài chính của Microsoft, các kỹ sư của Nokia sẽ có thêm tài nguyên để thể hiện khả năng sáng tạo cũng như tha hồ vẽ vời cho Windows Phone. Chúng ta chỉ còn có thể hi vọng rằng Microsoft sẽ đánh giá đúng trọng lượng của thương hiệu Nokia vô cùng uy tín để không vứt bỏ cái tên này.

Đối với Windows Phone: Nokia có hại cho “sức khỏe”

Mặc dù Microsoft có thể cho rằng việc mua lại Nokia là cần thiết đối với Windows Phone, nhưng đây có thể là con dao hai lưỡi đối với đứa con bị hắt hủi của hãng. Có thể Nokia sẽ giúp Microsoft nắm cả phần hồn và phần xác của Windows Phone và giúp các smartphone hoạt động trên nền tảng này trở nên thống nhất và tốt hơn.

Tuy nhiên khi mua lại Nokia, Microsoft sẽ phải đối mặt với 1 nguy cơ khác: sự sụp đổ của mối quan hệ với các hãng sản xuất Windows Phone. Nếu bạn còn nhớ sự lo ngại của HTC, Samsung khi biết tin Google mua lại Motorola thì hãy nhân sự lo ngại ấy lên 10 lần, bạn sẽ hiểu HTC, Samsung cảm thấy thế nào về thương vụ Nokia-Microsoft. Về bản chất Android rất cởi mở và Google chưa 1 lần thể hiện tham vọng muốn gò bó các hãng sản xuất vậy mà khi nghe tin Google có thể sẽ sản xuất Android, chính phủ Hàn Quốc đã vội vàng ép Samsung tìm 1 “phương án B” thay cho Android để tránh tình trạng phải cạnh tranh với 1 Google “vừa đá bóng vừa thổi còi”.

Giờ hãy nhìn lại Windows Phone và Microsoft. Trên thực thế Windows Phone chưa bao giờ được lòng các hãng sản xuất như HTC, Samsung, lợi nhuận từ Windows Phone của các hãng này cũng hầu như không đáng kể khi mà số lượng thiết bị bán ra quá ít. Nếu như HTC, Samsung “đánh hơi” thấy khả năng phải cạnh tranh với Microsoft thì hầu như chắc chắn các hãng này sẽ nói lời chia tay với Windows Phone 1 cách không hề nuối tiếc.

Điều này khiến hãng duy nhất còn sản xuất Windows Phone là Microsoft và đẩy Microsoft vào thế “lưỡng đầu thọ địch” hoàn toàn đơn thương độc mã. Và trong khi Windows Phone còn quá non yếu, chưa có gì đảm bảo thành công thì việc “trở mặt” sớm với các đồng minh như HTC, Samsung có thể đem lại những hậu quả không tính toán hết được.

Mua lại Nokia, Microsoft muốn biến mình thành 1 Apple thứ 2, nhưng liệu chiến lược này có thành công hay không thì còn phải xem các thế hệ Windows Phone sau có thoát được cái “dớp”đen đủi của các bậc tiền bối hay không?

Bên cạnh đó, một trong những lý do khiến tới tận giờ Windows Phone vẫn chưa thực sự “tung cánh” là do so về tương quan giữa 3 HĐH iOS, Android và Windows Phone thì Windows Phone với đặc trưng nguồn đóng và sự kiểm soát chặt chẽ của Microsoft, yêu cầu sync dữ liệu với máy tính qua Zune dường như cạnh tranh trực tiếp với iOS hơn là với Android.

Lượng fan trung thành bị Apple trói buộc vào iOS thông qua AppStore và iTunes Store là rất lớn và rất khó lay chuyển. Nếu như Windows Phone cởi mở và tranh giành khách hàng với Android có lẽ HĐH này đã thành công, vì thị phần người dùng có nhu cầu hướng tới Android lớn hơn và ít trung thành hơn.

Và giờ đây khi nắm được khâu sản xuất phần cứng, Microsoft sẽ càng thắt chặt việc quản lý Windows Phone hơn và HĐH này sẽ bị đặt vào vị thế đối đầu trực tiếp với iOS. Và cho tới hiện tại, chưa 1 hãng sản xuất nào đủ sức chọi lại 1 đối 1 với Apple, chưa 1 smartphone nào, kể cả các smartphone số 1 của Android thuyết phục được người dùng iPhone “cải đạo”. Vậy thì điều gì sẽ đảm bảo cho thành công của 1 Windows Phone vốn đang thất thế khi “mặt đối mặt” với iOS?

Kết

Dự đoán tương lai luôn là điều khó khăn và tôi cũng không có tham vọng “chốt hạ” về tương lai của Windows Phone sau thương vụ Nokia-Microsoft ngay từ bây giờ. Tuy nhiên qua những phân tích như ở trên, rõ ràng vụ mua lại Nokia tiềm ẩn cả cơ hội lẫn thách thức dành cho Microsoft.

Tuy nhiên, cách tiếp cận thị trường hiện tại của Microsoft đang chứng tỏ rằng mình không hiệu quả sau gần 2 năm trời nỗ lực mà thành quả vẫn gần như dậm chân tại chỗ. Windows Phone đang trên đà thất bại, và Microsoft cần 1 chiến lược khác để tạo ra cú huých cho đứa con của mình. Mua lại Nokia là 1 bước đi có thể tạo nên sự khác biệt.

Nói cho cùng hiện tại Microsoft đã chẳng còn gì để mất, và vài tỉ USD mua lại Nokia có lẽ chỉ như “muỗi đốt inox” với đại gia này. Nếu không mua lại Nokia, Microsoft có thể đứng 1 bên và nhìn Windows Phone thoi thóp rồi chết. Mua lại Nokia thì Microsoft có quyền hi vọng vào 1 tương lai sáng lạn hơn.

Dù Microsoft chọn cách nào thì năm 2012 cũng là năm quyết định với số phận của Windows Phone. Và nếu Microsoft quyết định thay đổi thì sự thay đổi ấy đáng ra đã phải được bắt đầu từ ngày hôm qua.

Theo VTC

Click để bình luận

Nhập bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

seven − 1 =

To Top