Connect with us

Cốc Cốc và thương vụ 14 triệu USD

Tình huống thương hiệu

Cốc Cốc và thương vụ 14 triệu USD

Lưu lượng người dùng hằng ngày của Cốc Cốc là 8 triệu, chiếm 25% tổng số người dùng internet Việt Nam, theo số liệu từ ComScore (Mỹ).

Sau Flappy Bird, ngành công nghệ của Việt Nam tiếp tục nhận được cú hích lớn khi công ty khởi nghiệp (start-up) Cốc Cốc huy động thành công thêm 14 triệu USD vốn đầu tư, đưa tổng số vốn mà công ty này nhận được kể từ khi ra đời cách đây 2 năm lên đến con số 34 triệu USD.

Nhà đầu tư rót vốn chủ yếu lần này cho Cốc Cốc là một doanh nghiệp truyền thông nổi tiếng của Đức, Tập đoàn Hubert Burda Media (HBM), hiện quản lý hơn 400 sản phẩm dưới dạng kỹ thuật số và báo in trên toàn cầu. Bên cạnh HBM, Cốc Cốc cũng đã nhận được các khoản góp vốn từ nhiều cá nhân và công ty nổi tiếng khác như Yandex, Mail.ru Group hay Digital Sky Technologies.

Chiến lược “du kích” Nga

Năm 2013, ba chàng trai từng học Đại học Tổng hợp Moscow (Nga) là Nguyễn Thanh Bình, Lê Văn Thanh và Nguyễn Đức Ngọc đã cùng sáng lập ra Cốc Cốc, một sản phẩm công nghệ được họ kỳ vọng sẽ vượt qua cái bóng của người khổng lồ về tìm kiếm là Google.

Nhưng cũng giống như khá nhiều start-up khác, những trở ngại ban đầu về kỹ thuật và tài chính là những bài toán hóc búa nhất đối với các sáng lập viên của Cốc Cốc. May mắn thay, nhờ những mối quan hệ ở Nga trước đó, họ đã mời được Victor Lavrenko trở thành Tổng Giám đốc của Cốc Cốc, phụ trách mảng chiến lược phát triển và gây quỹ cho Công ty. Lavrenko chính là một trong những chuyên gia đã tạo nên công cụ tìm kiếm nổi tiếng ở Nga mang tên Nigma.ru.

Việc cạnh tranh với công cụ tìm kiếm của Google hay Yahoo! là điều không hề dễ dàng. Ở khía cạnh này, những nhà sáng lập Cốc Cốc đã chọn chiến lược “du kích” là tận dụng lợi thế hiểu biết về ngôn ngữ bản địa để tối ưu hóa kết quả tìm kiếm trên Cốc Cốc, đồng thời hỗ trợ người dùng bằng cách tự động gợi ý các từ khóa gần gũi nhất mỗi khi họ gõ vào một ký tự tìm kiếm. Ðây cũng chính là cách Nigma.ru giành chiến thắng trước Google tại Nga hay Baidu.com ở Trung Quốc.

Nhờ vậy, chỉ 2 năm sau khi ra đời, Cốc Cốc đã ghi nhận những kết quả ấn tượng. Theo công bố của Công ty, lượng người sử dụng công cụ tìm kiếm Cốc Cốc đã chạm đến con số 24 triệu, tức chiếm khoảng 1/3 lượng người sử dụng internet ở Việt Nam.

Một thống kê khác của ComScore (Mỹ) ghi nhận lưu lượng người dùng hằng ngày của Cốc Cốc là 8 triệu, chiếm 25% tổng số người dùng internet Việt Nam.

Thực tế, ý tưởng của Cốc Cốc là không mới. Trước đây, thị trường từng xuất hiện một công cụ tìm kiếm thuần Việt là Baamboo của VCCorp. Tuy nhiên, việc thiếu một chiến lược cạnh tranh và marketing sắc nét đã khiến công cụ này dần tụt hậu. Ðây cũng là bài học cho những nhà sáng lập Cốc Cốc.

Bên cạnh công cụ tìm kiếm, một sản phẩm khác của Công ty là trình duyệt internet Cốc Cốc cũng đạt dấu ấn khá tích cực. Theo trang tin điện tử DealStreetAsia, trình duyệt Cốc Cốc đang chiếm vị trí thứ 2 tại thị trường Việt Nam, sau Google Chrome. Nghĩa là sản phẩm này đã vượt qua Internet Explorer của Microsoft và trình duyệt mã nguồn mở Firefox nổi tiếng. Còn thống kê của ComScore thì ghi nhận lượng người dùng hằng ngày của trình duyệt Cốc Cốc là khoảng 4,2 triệu, đứng thứ 2 ở Việt Nam.

Vì thế, có lý do để tin rằng tiềm năng của Cốc Cốc là khá tươi sáng. “Chúng tôi tin rằng Cốc Cốc có khả năng phát triển các sản phẩm có tính hấp dẫn cao đối với người Việt và chúng tôi rất hào hứng khi thêm Cốc Cốc vào danh mục đầu tư của mình ở châu Á”, ông Peter Kennedy, Giám đốc phụ trách khu vực châu Á của HBM, chia sẻ.

Bên cạnh công cụ tìm kiếm và trình duyệt internet, mảng di động cũng là một đích nhắm của Cốc Cốc. Năm ngoái, ứng dụng tìm kiếm địa điểm trên điện thoại di động mang tên Nhà Nhà của Công ty đã lọt vào danh sách 19 start-up tiềm năng nhất châu Á, theo đánh giá của trang tin TechInAsia. Trong danh sách này còn có Appota của Việt Nam, một nền tảng di động cho phép các nhà phát triển trò chơi ở Ðông Nam Á quảng bá sản phẩm của mình.

Tương lai của Cốc Cốc

Theo hãng tư vấn truyền thông toàn cầu We Are Social, Việt Nam là một trong những thị trường internet phát triển nhanh nhất ở châu Á. Tính đến đầu năm nay, Việt Nam có gần 40 triệu người dùng internet, bao gồm 28 triệu người sử dụng các mạng xã hội như Facebook hay Twitter. Thị trường này cũng có tới 128,3 triệu kết nối mạng di động, trong đó có 26% số người dùng di động sử dụng các dịch vụ 3G và 4G. Lượng mua sắm trực tuyến cũng ngày càng tăng nhanh. Đây thật sự là mảnh đất màu mỡ để các công ty công nghệ khai thác.

Đặt trong bối cảnh như vậy, việc các tập đoàn hàng đầu thế giới chú ý đến Việt Nam và khu vực châu Á là điều không thể tránh khỏi. Và sức ép cạnh tranh đối với các công ty mới nổi như Cốc Cốc sẽ ngày càng khắc nghiệt hơn. Tương lai, vì thế, là điều không thể xác định dễ dàng.

“Tương lai có nhiều rủi ro. Có thể không thành công, nhưng chúng  tôi vẫn muốn đi đến cùng để hiểu được đâu là lý do của sự thất bại. Thất bại là mẹ của thành công và luôn luôn tốt hơn sự bỏ cuộc”, nhà đồng sáng lập Cốc Cốc Nguyễn Thanh Bình nói một cách thẳng thắn.

Để trụ vững trên thị trường, những nhà lãnh đạo của Cốc Cốc đang hướng tới nhiều mục tiêu mới. “Hiện tại Cốc Cốc mới giành được một phần nhỏ trên thị trường tìm kiếm ở Việt Nam. Các sản phẩm của Cốc Cốc đã đem đến cho người dùng những tiện ích nhất định, nhưng vẫn chưa đủ nhiều. Chúng tôi vẫn có thể nâng cao hơn nữa chất lượng các sản phẩm hiện có. Nhiều ý tưởng phát triển khả thi vẫn chưa được hiện thực hóa”, ông Bình nói thêm.

Những mục tiêu đó bao gồm ra mắt phiên bản trình duyệt internet trên điện thoại di động vào cuối năm 2015 và phát triển chất lượng dịch vụ quảng cáo của Cốc Cốc. Một mục tiêu tham vọng khác là Công ty sẽ đem sản phẩm của mình sang các thị trường khác ở Đông Nam Á, vốn có nhiều nét tương đồng với Việt Nam. Theo ông Bình, điều này không những giúp Cốc Cốc mở rộng thị trường mà còn mở thêm cơ hội phát triển nhiều sản phẩm mới.

Dĩ nhiên, cũng có thể đến một thời điểm nào đó, Cốc Cốc cảm thấy “mệt mỏi” thì việc bán lại cho các tập đoàn khác cũng là bước đi hợp lý. Với vị thế trên thị trường hiện nay, chắc chắc giá trị của Cốc Cốc sẽ là một con số không hề nhỏ. Năm ngoái, gã khổng lồ Facebook đã chi ra 19,5 tỉ USD để mua lại ứng dụng nhắn tin trên di động WhatsApp, trong khi Google cũng chi ra hàng chục tỉ USD để thâu tóm trong mấy năm gần đây. Ðiển hình là các vụ mua lại YouTube, Nest Labs, Titan Aerospace hay DeepMind Technologies.

Theo DNSG

Có thể bạn quan tâm...
Click để bình luận

Nhập bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

twenty + 2 =

To Top