Connect with us

iPad, “kẻ hủy diệt” PC

Tình huống thương hiệu

iPad, “kẻ hủy diệt” PC

Sau khi giới thiệu chiếc máy tính bảng iPad đầu tiên tại một trung tâm hội nghị ở San Francisco hồi đầu năm 2010, huyền thoại công nghệ Steve Jobs dành vài phút để hỏi những người đang lần đầu cầm trên tay thiết bị này rằng, họ nghĩ gì về iPad. 

Một nhà báo khi đó đã trả lời rằng, iPad có thể khiến người sử dụng quên mất vì sao họ cần một chiếc máy tính xách tay (laptop). Jobs nhún vai đáp lại: “Rồi chúng ta sẽ thấy”.

Theo tờ Business Week, Jobs không chỉ là một “ông trùm” công nghệ có khả năng nhìn thấy trước những xu hướng mới, mà còn là người tạo ra xu hướng. Nếu như máy tính bảng rốt cục sẽ đến lúc hạ gục laptop và máy để bàn (desktop), thì chính Jobs đã hạ quyết tâm rằng Apple sẽ hưởng lợi từ sự đổi ngôi này.

Và ngày đó có vẻ như đã đến. Vào ngày 19/3 – cùng ngày mà người kế nhiệm Jobs, CEO Tim Cook, tuyên bố Apple sẽ dùng một phần trong 98 tỷ USD dự trữ tiền mặt của hãng để trả cổ tức cho cổ đông – “quả táo” thông báo đã bán được 3 triệu chiếc iPad thế hệ mới ngay trong tuần đầu tiên ra mắt. Theo dự kiến của một số nhà phân tích, iPad sẽ đem về cho Apple mức doanh thu 38 tỷ USD trong năm 2012.

Trong quý 4/2011, Apple đã bán được 15,4 triệu chiếc iPad, nhiều hơn doanh số máy tính cá nhân (PC) mà hãng HP đạt được trong cùng khoảng thời gian. Nếu coi mỗi chiếc iPad là một thiết bị thay thế cho máy tính cá nhân, điều mà nhiều người tiêu dùng chắc chắn đang hướng tới, thì Apple hiện đang là nhà sản xuất máy tính cá nhân lớn nhất thế giới. Ngoài iPad, Apple còn sản xuất máy tính iMac và MacBook.

Câu chuyện gây ngạc nhiên nhiều nhất trong kỷ nguyên iPad là việc Apple vẫn kiểm soát hoàn toàn thị trường máy tính bảng. Khi chiếc iPhone xuất hiện lần đầu vào năm 2007, trên thị trường đã có rất nhiều chiếc điện thoại thông minh khác. Sau đó, iPhone cũng có thêm rất nhiều đối thủ cạnh tranh mới, chủ yếu là các thiết bị chạy hệ điều hành Android.

Nhưng đối với iPad lại khác. Bất chấp sự xuất hiện của hàng loạt máy tính bảng mới từ Samsung, HTC, Motorola Mobility, HP, Dell… iPad vẫn đang chiếm thị phần 66% – theo số liệu của Gartner. “Toàn bộ ngành công nghiệp máy tính bảng đang rơi vào thế bế tắc trong cuộc cạnh tranh với Apple. Có thể nhận thấy nỗi lo sợ trong đôi mắt họ”, ông Robert Brunner, cựu Giám đốc thiết kế của Apple, người đang điều hành công ty thiết kế có tên Ammunition Group, nhận xét.

Ngôi vị thống lĩnh của Apple trên thị trường máy tính bảng chắc chắn là một “đòn tử” đối với tất cả các nhà sản xuất máy tính cá nhân truyền thống. Nhưng chiếc iPad – sự kết hợp giữa đỉnh cao công nghệ và sức hút thị trường lớn – không chỉ đơn giản xói mòn lợi nhuận của những hãng sản xuất máy tính thành công nhất thế giới.

Ý tưởng về máy tính bảng đã có từ nhiều thập kỷ trước. Vào năm 2000, Microsoft đã thúc đẩy mạnh mẽ ý tưởng này. Nhưng những thiết bị máy tính bảng trước iPad đều bị đánh giá là “không ra gì”, và chẳng ai tin là những thiết bị này sẽ được sử dụng rộng rãi. Nhưng iPad đã làm được điều ngược lại, chứng minh rằng có một thị trường khổng lồ va béo bở cho thiết bị này. Nguyên nhân nằm ở đâu?

Một phần của vấn đề mà các đối thủ của Apple gặp phải thuộc về lịch sử. Những hãng sản xuất điện thoại lớn như HTC và Samsung không phải là chuyên gia về điện toán. Còn đối với các hãng sản xuất máy tính cá nhân, vào những năm 1980 và 1990, khi Intel và Microsoft thống trị, họ không có nhiều lựa chọn ngoài việc cắt giảm chi phí tối đa để có thể có lợi nhuận sau khi trừ chi phí cho chip Pentium và giấy phép Windows.

Ông Kerry Chrapliwy, một người từng làm cho mảng PC của HP cho biết, nếu không gây được tiếng vang ngay lập tức, một sản phẩm thường bị loại ngay. “Tại HP, chúng tôi luôn đi theo phương châm làm thế nào để đưa sản phẩm này đến nhiều khách hàng nhất với mức giá thấp nhất có thể. Chúng tôi không tập trung nhiều vào mục tiêu đem đến trải nghiệm tốt nhất cho người sử dụng”, ông Chrapliwy nhớ lại.

Ngược lại, Apple “có quan điểm sẵn sàng nghiên cứu một vấn đề 3-4 năm để đem đến trải nghiệm tuyệt vời nhất cho khách hàng”, ông Roger McNamee, người đồng sáng lập công ty đầu tư công nghệ Elevation Partners nhận xét.

Trên thực tế, Apple đã bắt đầu nghĩ về máy tính bảng từ 9 năm trước, khi Jobs nhận thấy những tiến bộ mà các kỹ sư của mình đạt được với màn hình cảm ứng đa chạm. Những tiến bộ này cho phép người sử dụng có thể thực hiện nhiều thao tác như đọc báo, kiểm tra giá chứng khoán mà không cần phải gõ phím. Tuy nhiên, dự án máy tính bảng đã được gác lại khi Jobs chọn tập trung vào chiếc iPhone trước. Khi trở lại với dự án máy tính bảng, Apple đã có bước đi thông minh thể hiện qua việc sử dụng cùng phần mềm hệ điều hành iOS và cơ sở hạ tầng App Store đã dùng cho iPhone. Kết hợp giữa những tiến bộ về tuổi thọ pin và chất lượng màn hình đem tới chiếc iPad cùng lúc vừa quen thuộc vừa mới lạ đối với người tiêu dùng, và ngay lập tức tạo ra một cơn sốt mới.

Đến nay, mới chỉ lộ diện một vài đối thủ tiềm năng của iPad. Amazon.com đã khá thành công với chiếc máy tính bảng Kindle Fire giá chỉ 200 USD, bằng một nửa chiếc iPad rẻ nhất. Nhưng Kindle Fire mới chỉ được xem như một công cụ để truyền tải các dịch vụ của Amazon, thay vì một đối thủ thực sự của iPad. Trong trường hợp vụ sáp nhập giữa Google và Motorola Mobility được thông qua, “người khổng lồ tìm kiếm” có thể kết hợp giữa phần mềm hệ điều hành Android và các dịch vụ như YouTube hay Google Máp với phần cứng Motorola, tạo ra sự kiểm soát toàn bộ hệ thống kiểu như Apple đang có.

Một đối thủ khác của iPad có thể đến từ “kẻ thù” lâu năm nhất của Apple – hãng Microsoft. Mùa thu năm nay, “đế chế” phần mềm dự kiến sẽ tung ra phần mềm hệ điều hành Windows 8 với những đổi mới ngoạn mục, có thể dùng cho cả PC và máy tính bảng. Có vẻ như Microsoft vẫn trung thành với lối đi PC, thể hiện qua việc cấp phép Windows 8 cho các nhà sản xuất phần cứng. Tuy nhiên, hãng này đã tìm thấy thành công khi làm cả phần cứng lẫn phần mềm của riêng mình để tạo ra chiếc máy chơi trò chơi Xbox. Mảng Xbox sau khi thua lỗ nhiều năm đến nay đã làm ăn có lãi. Rất có thể, Microsoft sẽ áp dụng mô hình tương tự như Xbox để tạo ra một chiếc máy tính bảng có thể cạnh tranh với iPad.

Tuy nhiên, đối với phần còn lại của ngành công nghiệp máy tính cá nhân, kỷ nguyên máy tính bảng có thể là một thảm họa. Trong mấy năm gần đây, các hãng sản xuất máy tính cá nhân phụ thuộc quá nhiều vào các khách hàng doanh nghiệp để cầm cự trong bối cảnh thị phần co hẹp. Nhưng đến nay, thậm chí phân khúc khách hàng doanh nghiệp cũng đang chịu sức ép. Nhiều công ty lớn đã mở cửa cho Apple, chẳng hạn hãng hàng không United Airlines của Mỹ đã sắm iPad cho phi công. Apple còn sử dụng kho dự trữ tiền mặt của mình để “khóa” nguồn cung những linh kiện máy tính bảng chủ chốt và chiếm ưu thế về quy mô sản xuất lớn.

Tệ hơn cho các đối thủ, cạnh tranh với Apple bằng giá bán sản phẩm gần như là chuyện không thể. Theo ông Anand Srinivasan, một chuyên gia phân tích công nghệ thuộc Bloomberg Industries, tỷ suất lợi nhuận ròng tính trên mỗi chiếc iPad mà Apple đạt được là 20%. Mặc dù các nhà sản xuất điện thoại thông minh có thể đưa ra mức giá bán thấp để cạnh tranh với iPhone, chiếc điện thoại có tỷ suất lợi nhuận ròng 56%, nhưng một khi giảm giá, các đối thủ iPad sẽ không thể đạt tới sự xa xỉ mà chiếc máy tính bảng của Apple có được. Còn nếu có một chiếc máy tính bảng cao cấp hơn iPad, thì lợi nhuận sẽ không đến dễ dàng với nhà sản xuất.

“Đối thủ của Apple khó có thể lấy mức giá tương đương và kỳ vọng bán được nhiều hàng”, nhà phân tích Shaw Wu thuộc công ty Sterne Agee & Leach nhận xét.

Những người sở hữu iPad đều hiểu rõ được những ưu thế của thiết bị này so với máy tính cá nhân truyền thống. Với tốc độ phát triển mạnh hiện nay của công nghệ điện toán đám mây, trong đó âm nhạc và hình ảnh được lưu trữ trên các máy chủ ảo, máy tính bảng có thể chấm dứt kỷ nguyên ở “trung tâm thế giới” của máy tính cá nhân truyền thống. Xét tới sức mạnh marketing của Apple cùng hệ thống ứng dụng khổng lồ của hãng này, không phải là quá khi cho rằng, rào cản lớn nhất để Apple đạt tới “quyền lực tối thượng” trên thị trường máy tính chính là năng lực sản xuất tại các nhà máy của hãng.

Có thể sẽ đến lúc, một công ty nào đó sẽ tung ra được một sản phẩm mang tính đột phá để thay thế cho chiếc máy tính bảng, cũng giống như việc mà Steve Jobs vẫn thường làm vài năm một lần. Nhưng chuyên gia tư vấn thiết kế Brunner cho biết, ông chưa nhận thấy những dấu hiệu về một sự chuyển biến như thế. “Chưa một ai cho thấy sẽ học theo được Apple. Tôi vẫn tiếp xúc với nhiều lãnh đạo của các hãng công nghệ và thấy họ chưa thể học được cách làm của Apple. Họ vẫn giữ lối tư duy cũ”, ông Brunner cho hay.

Theo vneconomy

Click để bình luận

Nhập bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

three × five =

To Top