Connect with us

Một thập kỷ ‘lạc lối’ của Microsoft

Tình huống thương hiệu

Một thập kỷ ‘lạc lối’ của Microsoft

Dựa trên một loạt cuộc phỏng vấn riêng và hồ sơ nội bộ như e-mail giữa các nhà lãnh đạo Microsoft, tạp chí Vanity Fair đã chỉ ra những "quyết định quản lý ngớ ngẩn một cách kinh ngạc" của công ty phần mềm lớn nhất thế giới.

Trước tiên, cần nhấn mạnh rằng Microsoft không phải một công ty thất bại. Trong 10 năm qua, họ có Windows chiếm tới 90% thị phần hệ điều hành máy tính, Xbox 360 là một trong những máy chơi game thành công nhất thế giới, Kinect giữ kỷ lục Guinness là thiết bị điện tử có tốc độ tiêu thụ nhanh nhất mọi thời đại, Office thống trị trong văn phòng… Nhưng những gì họ đang có được gán cho cái tên “sản phẩm truyền thống” trong khi ở các thị trường mới, Microsoft đang tụt hậu.

Cũng trong 10 năm đó, Apple tạo ra iPod, iPhone, iPad và đưa họ trở thành hãng công nghệ có giá trị nhất thế giới. Google vươn mình từ một dịch vụ tìm kiếm trực tuyến thành công ty có tầm ảnh hưởng lớn nhất trên Internet và còn sở hữu hệ điều hành di động Android phổ biến nhất hiện nay. Amazon “độc cô cầu bại” trong lĩnh vực thương mại điện tử, đi đầu trong xu hướng điện toán đám mây, sách điện tử Kindle và máy tính bảng Kindle Fire cũng đang rất thành công.

Tại sao Microsoft – công ty phần mềm số một và có mối quan hệ thân thiết với một loạt đối tác phần cứng trên khắp toàn cầu – lại để vuột khỏi tay hàng chục tỷ USD từ những “món ngon” trên thị trường điện toán như vậy?

Bài viết của tác giả Kurt Eichenwald cho thấy hãng phần mềm này quá phụ thuộc vào Windows và Office nên bỏ lỡ nhiều cơ hội mới. Tại Microsoft tồn tại hệ thống quản lý kiểu “ngăn xếp” – buộc mọi bộ phận phải xếp hạng nhân viện theo tiêu chí xuất sắc, tốt, trung bình và kém nhưng theo tỷ lệ phần trăm nhất định. Điều này đã ảnh hưởng lớn đến sự sáng tạo của Microsoft.

“Hệ thống ngăn xếp hủy diệt Microsoft từ bên trong. Nếu bạn quản lý một nhóm 10 người, ngay từ ngày đầu bạn đã biết rằng sẽ có 2 người đạt được nhận xét tốt, 7 người được đánh giá trung bình và một người bị xếp vào hàng quá tệ, không cần biết là họ giỏi như thế nào. Nó khiến các nhân viên tập trung vào việc ganh đua với nhau hơn là cạnh tranh với những công ty khác”, một cựu nhân viên của Microsoft chía sẻ.

Khi Eichenwald hỏi cựu kỹ sư Microsoft Brian Cody rằng bản đánh giá có dựa trên chất lượng công việc của ông không, người này cho hay: “Nó liên quan rất ít đến quá trình tôi đã tiến bộ như thế nào và liên quan nhiều đến việc tôi phải làm thế nào để các nhà quản lý biết đến nhiều hơn”.

Ed McCahill, từng làm quản lý marketing cho Microsoft trong 16 năm, kể một câu chuyện khác: “Bạn nhìn Windows Phone và sẽ tự hỏi tại sao Microsoft lãng phí vị thế dẫn đầu mà họ từng có với các thiết bị Windows CE? Họ đã dẫn đầu nhiều năm. Và họ vứt chúng đi”.

Năm 1998, Microsoft phát triển thiết bị đọc sách điện tử (e-reader) nhưng khi nhóm công nghệ trình bày với Bill Gates, ông đã nhanh chóng gạt sang một bên và nói rằng nó không phù hợp với Microsoft, nói cách khác là “giao diện người dùng của e-reader trông không giống Windows”.

Một kỹ sư khác tham gia dự án này cho hay: “Chúng tôi không tập trung vào phát triển những công nghệ có tác động đến người tiêu dùng. Thay vào đó, câu hỏi đặt ra là Chúng ta sẽ dùng thứ này để kiếm tiền như thế nào?”.

Một người thuộc bộ phận Office bổ sung rằng “cái chết” của e-reader không đơn giản là hậu quả của mong muốn kiếm lợi nhuận ngay lập tức. Vấn đề thực sự ở đây là sản phẩm đó có màn hình cảm ứng, trong khi gói ứng dụng văn phòng Office vốn được thiết kế để nhập liệu từ bàn phím chứ không phải bút và ngón tay. Sự trung thành của công ty với Windows và Office liên tục ngăn họ đón nhận các công nghệ mới. “Windows như là Chúa vậy. Mọi thứ phải liên quan đến Windows. Ý tưởng điện toán di động với trải nghiệm người dùng thuận tiện bị một vài người có quyền lực trong bộ phận đó nhìn nhận là không quan trọng”, người này giải thích.

Tương tự, một trong các kỹ sư của dịch vụ chat MSN Messenger nhận thấy nhiều người sử dụng trẻ tuổi đăng status qua AIM (của AOL) – tính năng mà sản phẩm của Microsoft còn thiếu. “Đó chính là sự khởi đầu cho xu hướng cập nhật trạng thái lên Facebook sau này. Mọi người muốn chia sẻ điều mà họ nghĩ và thấy ngay lúc ấy”, anh này nói với tác giả Eichenwald. “Mục đích của AIM không đơn giản là chat mà là mang đến cho bạn cơ hội đăng nhập bất cứ đâu và biết bạn bè đang làm gì”. Khi anh phản ánh nhận định này với một cấp trên, ông ta đã nói rằng ông không thấy có bất cứ lý do gì để giới trẻ lại quan tâm đến việc đưa vài từ ngắn ngủi lên mạng.

“Microsoft thường nói chuyện phiếm về IBM và cười”, Bill Hill, cựu quản lý của tập đoàn phần mềm Mỹ, nói. “Giờ họ đang trở thành công ty mà họ vẫn hay chế nhạo”.

Bài viết dài 10 trang Microsoft’s Lost Decade của Kurt Eichenwald sẽ được đăng đầy đủ trên tạp chí Vanity Fair tháng 8/2012, nội dung đề cập đến các cơ hội bị bỏ lỡ và sự lãnh đạo của Steve Ballmer tại Microsoft chứ chưa bàn về Windows 8 và Surface – bước đi tương lai của hãng này.

Theo vnexpress

Click để bình luận

Nhập bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

4 × two =

To Top