Connect with us

Vì sao Google không thể ngóc nổi đầu ở Nga?

Tình huống thương hiệu

Vì sao Google không thể ngóc nổi đầu ở Nga?

Cũng giống như ở Trung Quốc, Google vẫn đang mỏi mòn tìm cách thống trị thị trường tìm kiếm tại Nga.

Yandex là số 1

Google hiện đang thống trị mảng tìm kiếm internet trên toàn thế giới nhưng vẫn có vài nơi là trường hợp ngoại lệ. Không chỉ “sa lầy” ở Trung Quốc mà hãng tìm kiếm số 1 thế giới cũng đang chật vật tìm chỗ đứng tại Nga, thị trường công nghệ được đánh giá là màu mỡ hàng đầu hiện nay.

Ở thời điểm hiện tại, thị trường tìm kiếm Nga đang bị chi phối mạnh mẽ bởi Yandex, công ty công nghệ này có hầu hết các dịch vụ chủ lực mà Google hiện có, từ tìm kiếm, mua sắm online, mạng xã hội và cả dịch vụ đám mây.

Mặc dù Yandex không phải là cái tên quen thuộc ngoài biên giới Nga và các nước thuộc liên bang Xô Viết cũ nhưng với việc thống trị thị trường này cũng đồng nghĩa với việc Yandex đang là “vua” của thị trường internet lớn nhất châu Âu nếu xét về lượng người sử dụng.

Hiện nay, Yandex đang tỏ ra không hề kém cạnh so với Google khi hãng sở hữu một trình duyệt nhằm đối chọi với Chrome và kho ứng dụng Android riêng biệt. 

Không những thế Yandex còn hợp tác với kẻ “tử thù” của Google là Apple trong lĩnh vực bản đồ trực tuyến.

Nga đồng nghĩa với khác biệt

Tại quốc gia này, các trang web được truy cập nhiều nhất không phải là Facebook, Google, YouTube, Yahoo hay Wikipedia mà chỉ có duy nhất một cái tên bản địa là Yandex. Với việc đứng đầu mảng tìm kiếm tại Nga đã giúp Yandex gần như thống lĩnh toàn bộ các mảng trực tuyến khác tại đất nước này.

Nếu như hiện tại Google đang chiếm tới 3/4 thị trường tìm kiếm trên toàn thế giới thì tại Nga tình thế lại hoàn toàn đảo ngược. Google chỉ có được 27% thị phần trong khi đó ngôi vị số 1 lại thuộc về Yandex với 68%. 

Tuy nhiên để đạt được con số trên, Google đã phải nhờ tới sự trợ giúp đáng kể của Chrome, một trong số những trình duyệt hiện được ưa chuộng hàng đầu tại đây.

Để hiểu rõ hơn về bước đường thành công của Yandex, cần quay lại năm 1990, thời điểm mà 2 nhà toán học Arkady Volozh và Arkady Borkovsky đặt nền móng đầu tiên cho dịch vụ tìm kiếm số 1 nước Nga ngày nay.

Việc tham gia mảng tìm kiếm cũng khá tình cờ khi ban đầu 2 “chàng” Arkady chỉ có ý định tạo ra một phần mềm dạng MS-DOS giúp phân loại bằng sáng chế và các loại hàng hóa. Tuy nhiên phần mềm lại có nhiều đặc trưng của một công cụ tìm kiếm hỗ trợ rất tốt ngôn ngữ của Nga và đây cũng chính là nền tảng đã tạo nền một Yandex hùng mạnh hiện nay.

Sau một thời gian dài nghiên cứu và phát triển, tới năm 1997, dưới sự bảo trợ của Comptek, nơi mà Arkady Volozh đang là giám đốc điều hành, cổng thông tin tìm kiếm yandex.ru đã chính thức ra đời. Đến năm 2000, nhận thấy tiềm năng lớn của Yandex, Arkady Volozh đã rời bỏ Comptek và mang theo dịch vụ này để phát triển thành công ty riêng.

Như vậy, nếu xét về thời điểm ra đời, Yandex còn xuất hiện trước cả Google và cũng tại lúc đó Yahoo mới chỉ là kẻ “ăn bám” khi là nơi hiển thị các kết quả tìm kiếm cho AltaVista.

Điểm mạnh nhất của Yandex là dịch vụ này thực hiện cực kỳ tốt khả năng tìm kiếm trong phạm vi tiếng Nga, thứ ngôn ngữ được giới công nghệ đánh giá là rất phức tạp. Các thuật toán tìm kiếm của Yandex có thể nói là vượt trội so với Google.

Cách sắp xếp các kết quả tìm kiếm của Yandex cũng khá ưu việt với công nghệ có tên gọi MatrixNet. Theo đó các kết quả trả lại cho người dùng sẽ được dựa trên nhiều yếu tố, từ tầm quan trọng hoặc thứ tự ưu tiên của thông tin cho đến thói quen của người dùng.

Vào năm 2010, Yandex cũng đưa ra khả năng tìm kiếm thời gian thực khi dữ liệu trên báo điện tử, mạng xã hội … được cập nhật liên tục nhằm cung cấp cho người dùng thông tin nhanh chóng và đầy đủ hơn. Xét về tính năng này,  Yandex được cho là hơn hẳn Google một bậc trong phạm vi ngôn ngữ Nga.

Vị thế thống trị của Yandex tại thị trường Nga có thể thấy rõ nét nhất qua khía cạnh doanh thu, năm 2012, công ty này đạt 955 triệu USD, tăng 44% so với năm 2011. Qua đó đưa Yandex trở thành doanh nghiệp internet thành công nhất tại Nga trong năm qua.

Trên bình diện quốc tế, trong năm 2012, theo thống kê của comScore, Yandex đã chính thức vượt qua Bing của Microsoft để trở thành dịch vụ tìm kiếm đứng thứ 4 trên thế giới.

“Chèn ép” Google trên mọi phương diện

Không chỉ vượt trội so với Google trong lĩnh vực tìm kiếm, Yandex còn tỏ ra nổi bật hơn hẳn trong các mảng trực tuyến khác trên sân nhà.

Nếu Google sử dụng trình duyệt Chrome như một công cụ chính nhằm đánh chiếm thị trường Nga thì Yandex cũng có “lá chắn” hữu hiệu là Yandex.Browser. Đáng ngạc nhiên là mặc dù được xây dựng trên nền mã nguồn mở Chromium của Google nhưng hiện Yandex.Browser lại là chương trình duyệt web được ưa chuộng nhất tại Nga.

Không những thế trình duyệt này được tích hợp rất sâu chức năng tìm kiếm của Yandex cùng độ bảo mật cao được đảm bảo bởi Kaspserksy, công ty bảo mật Nga hàng đầu thế giới.

Mặt khác nếu kho ứng dụng GooglePlay là một điểm cộng lớn của Google trên thị trường điện thoại di động thì Yandex cũng có kho ứng dụng Android của riêng mình nhằm đáp trả. Yandex.Store hiện có hơn 50.000 ứng dụng, hầu hết trong số này đều kết nối hoặc hỗ trợ trực tiếp các dịch vụ mà Yandex sở hữu.

Không chỉ có thế Yandex còn lên kế bắt tay với đối thủ chính của Google hiện nay là Apple nhằm đẩy mạnh dịch vụ bản đồ đến với người dùng của hãng này. Theo đó Yandex sẽ cung cấp dữ liệu bản đồ của Nga cũng như một số nước khác mà mình có để Apple đưa vào hệ điều hành iOS trong tương lai của mình.

Đây thực sự là một đòn giáng mạnh vào tham vọng của Google nếu biết cách đây không lâu Apple đã loại bỏ GoogleMaps khỏi danh sách những dịch vụ  mặc định trên các thiết bị của mình như iphone, ipad.

Chưa dừng lại trong biên giới nước Nga, Yandex còn tấn công vào những thị trường mà Google hiện đang bỏ ngỏ như Belarus, Kazakhstan hay Ukraine hoặc những nơi mà Google hiện đang là số 1 như Thổ Nhĩ Kỳ vào năm 2011.

Trên toàn cầu, Yandex có thể chưa là mối đe dọa thực sự dành cho Google, nhưng những gì đã diễn ra ở Nga hiện là một bài học đắt giá cho hãng này. Hiện Google vẫn là số 1 trong lĩnh vực tìm kiếm nhưng ở các thị trường riêng biệt sẽ không thiếu những câu chuyện thần kỳ như Yandex, Baidu của Trung Quốc hay Naver của Hàn Quốc.

Theo VTC

Click để bình luận

Nhập bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

17 − 16 =

To Top