Connect with us

Rủ nhau chống lại Google

Tin quốc tế

Rủ nhau chống lại Google

Tầm ảnh hưởng tăng lên nhanh chóng của cỗ máy tìm kiếm khổng lồ Google đã khiến các đối thủ và chính phủ nhiều quốc gia cảm thấy bất an.

Ngày 21/5, Ủy viên phụ trách cạnh tranh của Liên minh Châu Âu (EU) là Joaquin Almunia đã đưa ra đề xuất dàn xếp vụ điều tra Google với cáo buộc lạm dụng vị thế thống trị trên thị trường tìm kiếm.

Về vụ việc này, cơ quan chống độc quyền của EU đã dành 1,5 năm để điều tra Google đã dùng vị thế số 1 trên thị trường tìm kiếm toàn cầu để cạnh tranh không công bằng với các công ty nhỏ hơn. Google bị chỉ trích là đã lũng đoạn cả thị trường tìm kiếm và quảng cáo, đang sử dụng sức mạnh thị trường và vung hàng tỷ USD để làm hại đối thủ.

Mười tám tháng trước, Hội đồng Cạnh tranh của EU bắt đầu điều tra chính thức về nghi vấn Google không minh bạch khi xếp hạng kết quả tìm kiếm và quảng cáo sau khi có một số khiếu nại của các doanh nghiệp châu Âu như Foundem (trang web chuyên về so sánh giá cả) và Ciao (trang web so sánh giá cả khác của Microsoft). Những doanh nghiệp này khiếu nại Google đã áp đặt trang web của họ trong các kết quả tìm kiếm dưới năng lực cạnh tranh vốn có của họ.

Tiếp theo đó, Microsoft đã chính thức nộp đơn khiếu nại với Ủy ban Châu Âu (EC) cáo buộc Google đã không cạnh tranh công bằng trong thị trường châu Âu bằng cách gian lận các thuật toán tìm kiếm, xếp hạng các sản phẩm của mình cao hơn sản phẩm đối thủ, và cản trở việc truy cập vào nội dung YouTube, gây khó khăn hơn trong việc thay thế công cụ tìm kiếm video khác…

Đây không phải là lần đầu tiên Google phải đối mặt với các cáo buộc liên quan. Gã khổng lồ lĩnh vực tìm kiếm này từng phải đối mặt với vụ kiện độc quyền khi bỏ ra tới 3,1 tỷ USD để mua lại công ty dịch vụ quảng cáo trực tuyến DoubleClick vào năm 2007. Trong năm 2009, Bộ Tư pháp Mỹ cũng sờ gáy Google về việc hãng tiến hành một thỏa thuận với các nhà xuất bản về quyền phát hành sách kỹ thuật số trên một số đầu sách nhất định.

Trên thực tế, cho đến nay, nếu so sánh với các đối thủ khác như Microsoft, Apple thì Google nắm sức mạnh lớn nhất trong thế giới công nghệ khi có khả năng chi phối gần như 100% người sử dụng internet trên toàn thế giới. Hay nói một cách khác, người dùng công nghệ hiện nay có thể không cần Microsoft, Yahoo, Amazon, ebay, Apple…, nhưng không thể không cần Google. Google hiện là công cụ tìm kiếm lớn nhất của châu Âu, chiếm khoảng 85% thị phần; tại Mỹ, Google cũng chiếm hai phần ba thị phần tìm kiếm.

Trước sức mạnh chi phối của Google, nhiều quốc gia như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản… đã tìm cách đánh bại người khổng lồ tìm kiếm này. Quy mô nhất là kế hoạch của Bộ Thương mại Nhật, duyệt chi 14-15 tỷ yên (khoảng 89-95 triệu USD) cho dự án xây dựng một công cụ tìm kiếm mạnh hơn Google.

Dự án này có 10 đối tác, trong đó có các tên tuổi lớn như: Toyota, NTT Data, NEC, Hitachi và Sony, mỗi đối tác chịu trách nhiệm về một chức năng tìm kiếm riêng. Còn giới chức Trung Quốc thì dùng các rào cản chính trị để loại bỏ Google tại thị trường đại lục. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa có bất kỳ một công cụ tìm kiếm nào đủ khả năng thay thế được Google.

Quay trở lại các cáo buộc Google độc quyền, theo các chuyên gia chống độc quyền, cách dàn xếp của Hội đồng Cạnh tranh của EU cho thấy có rất ít tính pháp lý để “buộc tội” được Google. Về lý thuyết, không ai bị ép dùng Google để xuất hiện trên kết quả tìm kiếm nếu họ không muốn. 

Trong khi đó, trên lĩnh vực tìm kiếm, vị trí thống trị của Google phát sinh từ khả năng cung cấp dịch vụ có số lượng tốt hơn và thị trường hầu như không có rào cản nào đối với các đối thủ khác. Và như thế mọi nỗ lực chống lại sức mạnh của Google có thể sẽ chỉ tốn thời gian và tiền bạc vô ích.

Theo DNSG

Click để bình luận

Nhập bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

one + twelve =

To Top