Connect with us

Ai có thể đánh bại Apple?

Tình huống thương hiệu

Ai có thể đánh bại Apple?

Apple kiểm soát chặt chẽ mọi lĩnh vực: phần cứng, phần mềm, dịch vụ đám mây, đem lại trải nghiệm sử dụng dễ dàng. Liệu công ty nào có thể xây dựng một hệ sinh thái như vậy để cạnh tranh với Apple?

Những khách hàng trung thành của Apple dành tình yêu cho hệ sinh thái của công ty, thứ gắn kết thiết bị và phần mềm cùng với nội dung của người dùng gần như liên tục. Hệ sinh thái này trở thành mối ghen tị của một số doanh nghiệp đối thủ vốn có doanh số bán hàng lớn hơn và thị phần lớn hơn của Apple. Ví dụ như Samsung từng đánh bại Apple hồi tháng 10/2011 để trở thành nhà sản xuất smartphone lớn nhất thế giới, theo thời báo phố Wall, hay hệ điều hành Android của Google hiện là nền tảng smartphone phổ biến nhất nước Mỹ, với gần 47% thị phần, theo số liệu mới nhất từ hãng nghiên cứu thị trường comScore.

Tại Mỹ, thị phần máy tính cá nhân (PC) của Apple chỉ chiếm khoảng 11%, theo hai hãng nghiên cứu Gartner và IDC, và trên toàn thế giới, con số này nhỏ tới nỗi nhà sản xuất máy tính Mac bị nhập vào trong slice “other” (khác) trong biểu đồ. (Năm 2007, Apple bỏ chữ “Computer” (máy tính) trong tên “Apple Computer”, đại diện cho công ty hướng tới điện tử tiêu dùng, hơn là nhà sản xuất PC thông thường). Tuy nhiên, việc Apple sở hữu hệ sinh thái vô cùng đặc biệt làm dấy lên câu hỏi: Liệu có một ai trong số các đối thủ của hãng có thể đánh bại Apple?

 

Apple có thể là người dẫn đầu

1. CES: Bóng ma Apple hiện diện

Apple không tham dự triển lãm công nghệ lớn nhất nước Mỹ, được tổ chức thường niên vào tháng 1 tại Las Vegas; công ty thậm chí còn không tham dự MacWorld|iWorld (trước đây là MacWorld Expo) sẽ bắt đầu vào cuối tuần tới tại San Francisco. Tuy nhiên, ảnh hưởng của Apple có thể thấy rõ mỗi năm trong sự ra mắt sản phẩm của nhiều công ty như Acer, Asus, Lenovo, Samsung và Sony.

CES năm nay không có sự khác biệt nào. CES 2012 chỉ là cuộc diễu hành của những kẻ muốn thách thức Apple trong địa hạt máy tính bảng và dòng laptop siêu di động. Một số công ty không ngần ngại tập trung vào Apple: hành vi bắt chước Apple của Samsung gần với nguyên bản tới mức Apple đáp trả bằng cách kiện công ty Hàn Quốc vì tạo ra sản phẩm vay mượn nặng nề từ thiết kế của Apple.

Trong khi đó, tháng 11/2011, theo Thời báo phố Wall, Tổng giám đốc Sony thừa nhận công ty đã dành 5 năm qua để xây dựng nền tảng đủ sức cạnh tranh với Apple. Trong suốt tuần diễn ra CES 2012, các công ty khác như Acer, Lenovo và Samsung đã thảo luận chiến lược tạo ra hệ sinh thái thiết bị tương tự Apple bao gồm các nội dung liền mạch và chia sẻ dữ liệu cá nhân. Lenovo thậm chí còn đi xa hơn khi tự gọi mình là “nhà cung cấp giải pháp đám mây cá nhân” thay vì nhàn sản xuất PC thông thường.

 

2. Bắt chước: Bình thường hay tâng bốc?

Không có gì bất ngờ khi các hãng công nghệ muốn bắt chước thành công của Apple. Công ty có trụ sở tại Cupertino (Mỹ) đã tạo ra các thiết bị điện tử tiêu dùng thú vị nhất hiện có trên thị trường, như iPad, iPhone, MacBook Air. Tất cả chức năng thiết bị đều nằm trong một hệ sinh thái phát triển theo thời gian. Kể từ năm 2001, thiết bị của Apple được gắn kết với nhau thông qua iTunes và PC trở thành trung tâm cho mọi dữ liệu số của người dùng.

Năm 2011, Apple tuyên bố bước đi tiếp theo từ iTunes và máy tính lên máy chủ điều khiển từ xa iCloud được thiết kế để truy cập dữ liệu cá nhân, âm nhạc, phim ảnh, ứng dụng bất cứ lúc nào, ở bất cứ đâu. Để truy cập, tất cả những gì người dùng cần là kết nối Internet và thiết bị được Apple phê duyệt như iPod Touch, iPhone, iPad hay PC chạy hệ điều hành OS X hoặc Windows.

Các công ty công nghệ cạnh tranh đã nghĩ ra chiến lược tập trung vào bốn lĩnh vực riêng biệt: ứng dụng, đám mây, nội dung và thiết bị. Đối thủ của Apple chỉ gần đây mới tìm ra “công thức ma thuật”, và đang cố gắng tạo ra phiên bản của riêng mình.

Điểm mặt 5 đối thủ sừng sỏ của Apple

1. Amazon

Ứng dụng: Kho ứng dụng Appstore cho Android

Đám mây: Amazon Cloud Drive

Nội dung: Amazon MP3 Store, Amazon Video on Demand, Kindle Books

Thiết bị: máy đọc sách Kindle và máy tính bảng Kindle Fire

Rõ ràng, Amazon là người chạy ngay kế tiếp Apple, nhờ vào mảng dữ liệu trải rộng của hãng, bao gồm âm nhạc, phim ảnh, chương trình truyền hình. Điểm yếu nhất của nhà bán lẻ trực tuyến có lẽ là thiết bị. Kindle Fire nhận được nhiều đánh giá trái chiều, thậm chí vài nhà phê bình gọi nó là sản phẩm chưa hoàn thiện. Amazon cần nhiều hơn một thiết bị để thúc đẩy nền tảng nội dung, và việc bổ sung tiếp theo có lẽ sẽ xuất hiện sớm khi gần đây có tin đồn, hãng đang phát triển smartphone Amazon.

 

2. Google

Ứng dụng: Android Market cho smartphone, máy tính bảng, tivi; Chrome Web Store

Đám mây: Google Web Apps

Nội dung: Google Music; kho phim cho thuê trên Android Market; YouTube; Google TV

Thiết bị: Sony NSZ-GT1; Motorola Droid 4; Samsung Galaxy Nexus; Asus Transformer Prime; Samsung Series 5 Chromebook.

Vấn đề lớn nhất của Google là dòng sản phẩm “đá” lẫn nhau. Bạn có thể thuê và tải phim về thiết bị Android thông qua Android Market, nhưng YouTube cũng duy trì là một kênh cho thuê phim (đối với thị trường Mỹ). Chromebook, smartphone, máy tính bảng trong khi đó lại chạy “nồi lẩu thập cẩm” Gingerbread, Honeycomb, Ice Cream Sandwich. Google TV còn bỏ ngỏ: gã khổng lồ gần đây khởi động lại nền tảng Web TV nhưng trang web chia sẻ video nổi tiếng Hulu vẫn chưa hiện diện trên Google TV. Dự định mua lại Motorola của Google (đang chờ phê duyệt) cũng là một điểm nghi vấn. Một câu hỏi lớn khác là liệu các đối tác Android của Google có gắn bó với nền tảng nữa không nếu điều này đồng nghĩa với việc phải cạnh tranh với hãng sản xuất thiết bị khác nằm trong tay Google.

 

3. Microsoft

Ứng dụng: Windows Phone Marketplace; Windows Store cho PC và máy tính bảng Windows 8

Đám mây: SkyDrive; Windows Live

Nội dung: Zune Marketplace; Xbox Live Marketplace

Thiết bị: Nokia Lumia 900; HTC Titan II; Xbox 360; gần như mọi PC được bán ra hiện nay

Người ta có thể kì vọng Microsoft là đối thủ sừng sỏ nhất của Apple hiện nay, bởi phần lớn máy tính bán ra đều cài đặt Windows, và Xbox 360 là nền tảng chơi game và giải trí mới phát triển mạnh; ngoài ra công ty cho phép đồng bộ hóa thông qua Windows Live Mesh và 25GB lưu trữ miễn phí thông qua SkyDrive. Tuy nhiên, Microsoft yếu trong lĩnh vực di động và nền tảng smartphone gần đây, Windows Phone 7 vấp phải doanh số bán hàng trì trệ kể từ khi ra mắt cuối năm 2010. Microsoft hi vọng sẽ thay đổi vận may smartphone trong năm 2012 bằng mối hợp tác với Nokia, một trong những nhà sản xuất thiết bị cầm tay lớn nhất thế giới. Một câu hỏi lớn khác là dự định cài đặt Windows 8 trên máy tính bảng có thể thuyết phục người mua quên đi iPad và lựa chọn “WinTab” hay không.

 

4. Samsung

Apps: Android Market; Samsung Apps cho smartphone; Samsung App Store cho tivi

Đám mây: Samsung AllShare

Nội dung: Samsung Media Hub

Thiết bị: Galaxy Tab 10.1; Galaxy Note; Galaxy S II; Galaxy Nexus; UNES8000 Smart LED HDTV; Series 9 laptop

Tại CES 2012, Samsung tập trung giới thiệu kết nối smartphone, tablet và HDTV trong hệ sinh thái duy nhất cho phép chuyển dịch tin nhắn, dữ liệu và chia sẻ nội dung giữa các thiết bị. Thách thức cốt lõi của Samsung là đảm bảo dải nội dung dữ liệu đủ rộng so với thứ đối thủ cung cấp.

 

5. Sony

Ứng dụng: Android Market

Đám mây: PlayMemories; 50GB Box.net lưu trữ miễn phí cho người dùng Xperia; PlayStation Plus Game Saves

Nội dung: Sony Entertainment Network (PlayStation Network; Music Unlimited; Video Unlimited), Crackle; Reader Store

Thiết bị: Xperia Play 4G; Xperia Ion; Tablet S; VAIO F Series; PlayStation 3; Sony Bravia HX Series

Năm 2011, Sony nắm trọn vẹn quyền kiểm soát toàn bộ dòng sản phẩm sau thương vụ mua đứt cổ phần của Ericsson. Trong năm 2012, Sony dự định bổ sung chiến lược cho phép truy cập game, nhạc, phim trong Sony Entertainment Network từ bất kì thiết bị Sony nào (PC, tablet, smartphone và tivi). Dường như Sony tập trung chủ yếu vào nội dung giải trí, tuy nhiên, không có cấu trúc kết nối đồng bộ dữ liệu người dùng tạo ra như hình ảnh và văn bản. Thay vào đó, hãng dựa trên loạt các nhà cung cấp như PlayMemories – dịch vụ chia sẻ ảnh và phim; lưu trữ Box.net cho người dùng smartphone Xperia.

 

Kiểm soát toàn bộ

Tất cả 5 công ty kể trên đều thiếu thành phần quan trọng nhất của Apple: kiểm soát toàn bộ phần cứng và phần mềm. Gắn kết thiết bị với phần mềm cho phép Apple kiểm soát các yếu tố phần cứng quan trọng như thời lượng pin và tính đáp ứng phản xạ mà nhà sản xuất Windows hay Android không thể làm được. Amazon gần như loại bỏ giao diện Android trên thiết bị, nhưng bản thân không tạo ra được phần mềm máy tính bảng. Thương vụ mua lại Motorola của Google có thể giúp tạo ra mô hình phần mềm-phần cứng đầy đủ hơn nhưng có nguy cơ khiến đối tác xa lánh. Điều tương tự cũng xảy ra với mối quan hệ Microsoft – Nokia. Trong khi đó, Sony và Samsung lại dùng hệ điều hành của Google và Microsoft cho thiết bị của mình.

Theo PCW

Click để bình luận

Nhập bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

20 − ten =

To Top