Connect with us

Quảng cáo ngoài trời: Chỏng chơ chờ “chân chính”

Tin trong nước

Quảng cáo ngoài trời: Chỏng chơ chờ “chân chính”

Dọc theo tuyến Xa lộ Hà Nội, tuyến về hướng Cảng Cát Lái, tuyến Quốc lộ 51... nhiều bảng quảng cáo ngoài giờ nằm “chỏng chơ” chờ khách! Thực hư của vấn đề nằm ở khâu nhu cầu, kinh phí, hay sự không hiệu quả từ kênh quảng cáo này? 

Ông Trần Văn Nghiệp, Giám đốc Công ty CP Quảng cáo Sài Gòn, cho biết, sự sụt giảm của quảng cáo ngoài trời có nhiều nguyên nhân.

Ngoài nguyên nhân chính là khủng hoảng kinh tế thế giới ảnh hưởng đến tình hình quảng cáo Việt Nam, bởi khoảng 80% khách hàng quảng cáo của Việt Nam đến từ nước ngoài. Điển hình là Unilever Việt Nam giảm gần 50 – 60 % chi phí quảng cáo.

Do đó, có không ít bảng quảng cáo các sản phẩm Unilever hiện còn để trống. Ngoài ra, còn có đến vài trăm trụ quảng cáo ngoài đường chủ yếu phục vụ các hoạt động xã hội, còn để trống.

Còn theo ông Nguyễn Duy Cường, Chủ nhiệm CLB Quảng cáo ngoài trời, Giám đốc Công ty Quảng cáo Thái Bình Dương (Pacific Outdoor), mặc dù Pacific Outdoor đã có thâm niên trong lĩnh vực quảng cáo ngoài trời nhưng cũng bị cắt giảm 30 – 40% lượng khách hàng.

Vì thế, không chỉ những tuyến đường Xa lộ Hà Nội hay Quốc lộ 51, mà ngay trong nội thành thành phố cũng xuất hiện ngày càng nhiều bảng trắng.

Theo một thống kê không chính thức, doanh thu toàn ngành quảng cáo năm 2010 đạt khoảng 1 tỷ USD. Trong đó, khoảng 80% doanh thu từ quảng cáo trên báo, đài, sự kiện; khoảng 20% thuộc về quảng cáo ngoài trời.

Tuy nhiên, có thể chia quảng cáo ngoài trời thành 4 loại: quảng cáo tầm cao (billboard); quảng cáo tầm thấp (tại các nhà chờ xe buýt); quảng cáo di động (transit), thực hiện trên các phương tiện vận tải; và quảng cáo thể hiện qua các poster, brochure, leaflet…

Mặc dù việc phân loại khá rõ ràng, thế nhưng, phần đông các DN trong ngành quảng cáo có xu hướng kinh doanh về quảng cáo ngoài trời hơn, bởi dễ làm, lợi nhuận cao, rủi ro ít… điều này đã dẫn đến tình trạng “bội thực” của các nhà cung cấp sản phẩm quảng cáo ngoài trời.

Mới đây, dự thảo Luật Quảng cáo được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch xây dựng để trình Quốc hội vào tháng 10. Tuy nhiên, đứng trước dự luật này, một số DN trong ngành kiến nghị không nên quy họach theo địa điểm như trước đây mà nên theo khu vực.

Bởi vì, hiện vẫn chưa có mức giá chung giữa các chủ nhà và DN quảng cáo nên vấn đề làm giá là điều khó tránh. Điển hình, vị trí ngã sáu Phù Đổng (Q.1, TP.HCM), lúc trước giá thuê chỉ khoảng 120 triệu đồng đến nay đã bị nâng lên 1 tỷ đồng.

Và cũng vì lý do quy hoạch nên đôi khi mức giá cho thuê còn hơn cả giá trị thực của căn nhà. Do đó, việc mở rộng ra khu vực quy hoạch sẽ ít xảy ra vấn đề cạnh tranh hơn.

“Phải thừa nhận, việc chưa có sự xác định rõ ràng trong vấn đề thế nào là DN quảng cáo cũng là tác nhân làm cho việc quảng cáo thiếu tính chuyên môn. Đó cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng ngày càng nhiều bảng quảng cáo được dựng không phép. Làm mất tính cạnh tranh lành mạnh đối với các DN làm ăn chân chính trong ngành”, ông Cường nhận định.

Theo ông Nghiệp, trong khi tâm lý của các khách hàng hiện nay đang hướng vào tính tiện ích, chuyên sâu của việc chọn địa điểm quảng cáo ngoài trời.

Vì một phần họ ngại yếu tố quy hoạch, một phần do kinh phí hạn hẹp, nên khách hàng ưu tiên cho những vị trí chiến lược, đầu tư lâu dài, chứ không như trước đây.

Do đó, họ cần những con số khảo sát nhu cầu người tiêu dùng, thì các DN quảng cáo Việt Nam vẫn chưa chú trọng nhiều đến yếu tố này. Đây chính là yếu điểm của các DN nội.

Theo DNSG

Click để bình luận

Nhập bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

one × four =

To Top