Tin quốc tế
Cách KFC và Pizza Hut sống sót trong mùa dịch ở Trung Quốc
Pizza Hut giao bò bít tết tươi cùng với công thức miêu tả chi tiết cả số phút nấu để khách hàng có thể nấu ăn tại nhà.Yum China Holdings – công ty mẹ của 2 chuỗi đồ ăn nhanh KFC và Pizza Hut ở Trung Quốc – đang thử nghiệm những mảng mới như dịch vụ chăm sóc và giao đồ sơ chế để khách hàng có thể nấu ăn tại nhà nhằm tăng doanh thu trong bối cảnh người tiêu dùng Trung Quốc hạn chế ăn ở ngoài vì lo sợ dịch bệnh.
Tháng trước, công ty điều hành chuỗi đồ ăn nhanh lớn nhất Trung Quốc bắt đầu điều chỉnh thực đơn cho các khách hàng doanh nghiệp. Theo đó các công ty này cho phép nhân viên đặt đồ ăn qua ứng dụng KFC trên điện thoại di động đã được thiết kế theo ngân sách của họ. Trong khi đó Pizza Hut giao bò bít tết tươi cùng với công thức miêu tả chi tiết cả số phút nấu để khách hàng có thể nấu ăn tại nhà.
Tất nhiên hoạt động giao hàng là “không tiếp xúc”: tài xế giao hàng để lại đồ ăn ngoài cửa và đứng cách xa 2m để xác nhận khách đã lấy đồ.
Theo CEO Joey Wat, lượng đơn hàng đang hồi phục trở lại nhưng vẫn cần thời gian. Với những thách thức và cơ hội hiện có, đây cũng là thời cơ để Yum thúc đẩy mạnh mảng kinh doanh mới.
Gần 2 tháng qua ngành kinh doanh nhà hàng của Trung Quốc gần như đã đóng băng vì trên cả nước có gần 81.000 người nhiễm và hơn 3.200 trường hợp tử vong. Kể cả sau khi số ca nhiễm đã giảm đáng kể, thậm chí số ca nội địa đã xuống 0 và các biện pháp phong tỏa khiến hàng trăm triệu người phải ở trong nhà đã được nới lỏng, người dân vẫn e ngại việc đi ra ngoài vì dịch bệnh đang lây lan với tốc độ chóng mặt trên toàn cầu. Số ca nhiễm trên toàn thế giới hiện đã là 300.000, với hơn 13.000 người chết.
Ở Trung Quốc, khoảng 60% các công ty hoạt động trong ngành này và đang niêm yết trên TTCK đứng trước nguy cơ cạn kiệt tiền mặt trong vòng 6 tháng tới, theo Bloomberg. Nhiều công ty nhỏ và vừa đã phải đóng cửa. Nhưng mảng giao đồ ăn – đóng góp 1/3 doanh thu của Yum trước khi có dịch bệnh – lại bùng nổ.
Cổ phiếu Yum đã giảm 15% kể từ đầu năm đến nay, và đầu tháng này chạm mốc thấp nhất kể từ tháng 5 năm ngoái.
Yum China, hiện đang vận hành 9.200 cửa hàng trên toàn quốc, có nhiều tiền mặt để sống sót hơn hầu hết các công ty trong cùng ngành bất chấp nhu cầu đi ăn hàng giảm xuống gần như bằng 0 và hơn 30% số cửa hàng của hang phải đóng cửa ở thời kỳ đỉnh dịch. Tháng trước Yum đưa ra dự báo có thể bị lỗ hoạt động trong quý I, và quý II vẫn còn rất nhiều thách thức.
Ngoài việc nhu cầu sụt giảm, dịch bệnh còn đem đến một số thách thức khác như mức độ cạnh tranh khốc liệt hơn và chi phí nguyên liệu đầu vào tăng cao. Dẫu vậy Wat cho rằng vì Yum China trực tiếp quản lý hầu hết các cửa hàng – không phải là qua nhượng quyền như ở Mỹ , hang sẽ có thể nhanh chóng cải tiến hoạt động và điều chỉnh mô hình kinh doanh.
Ông hi vọng vẫn có thể mở thêm vài trăm cửa hàng trong năm nay, và không có kế hoạch sa thải nhân viên. Khoảng 95% các cửa hàng vẫn đang mở cửa dù niềm tin tiêu dùng còn yếu.
Theo Cafef