Connect with us

Làm gì khi thương nhân Việt Nam bị “thủng lưới” trên sân nhà?

Tin trong nước

Làm gì khi thương nhân Việt Nam bị “thủng lưới” trên sân nhà?

Thương lái và các doanh nghiệp kinh doanh hàng nông sản thực phẩm của Việt Nam đang bị thương nhân Trung Quốc hớt tay trên.

Đó là một thực tế cay đắng khi mà trong thời gian qua, từ Bắc chí Nam, nơi đâu cũng thấy bóng dáng người Trung Quốc đến tận nơi lựa chọn và thu gom nông sản từ chính tay những người nông dân. Có lẽ sẽ không quá lời khi nói rằng thương nhân Việt Nam đang bị “thủng lưới” ngay trên sân nhà.

Trong thời gian qua, tình trạng thương nhân Trung Quốc đang ráo riết thu gom các loại nông sản, thực phẩm như cao su, thủy hải sản, trứng vịt, tiêu, điều, sắn lát,… với giá cao hơn giá thị trường đã khiến không ít doanh nghiệp sản xuất trong nước phải lên tiếng kêu cứu vì thiếu nguyên liệu đầu vào.

Theo ông Trần Văn Lĩnh, tổng giám đốc công ty cổ phần thủy sản Thuận Phước ở Đà Nẵng thì “Thương nhân Trung Quốc tới tận ao mua tôm, tới tận cảng cá chờ tàu cá cập bến và hình như luôn luôn lúc nào họ cũng mua cao hơn một vài giá so với doanh nghiệp chúng ta”. Đồng thời, ông cho biết các doanh nghiệp thủy sản ở miền Trung đang bị thiếu nguyên liệu trầm trọng mà một phần là do cạnh tranh không lại với thương nhân Trung Quốc.

Không riêng gì những mặt hàng trên mà một số sản phẩm nông sản, nguyên liệu khác như gỗ, giấy, hồ tiêu,… vẫn trong tình trạng tương tự.

Việc người nông dân bán được giá cao là điều đáng mừng. Tuy nhiên, trước tình trạng này cũng nên nhìn lại một thực trạng khác đã tồn tại từ rất lâu. Đó là nếu không có sự xuất hiện ồ ạt của các thương nhân đến từ Trung Quốc trong thời gian qua thì người nông dân Việt Nam vẫn mãi bị các thương lái chèn ép, phải bán sản phẩm do chính mồ hôi nước mắt của mình làm ra với giá rẻ mạt.

Giờ đây có thể nhận ra rằng, điệp khúc “được mùa, mất giá” không phải do sản phẩm làm ra quá dư thừa mà do tâm lý lo sợ ế ẩm, do bị ép giá, và không chủ động tìm đầu ra của các doanh nghiệp Việt Nam đã khiến không ít nông dân đã phải đành đoạn bỏ nghề, bỏ ruộng, bỏ đồng.

Cách đây không lâu, hàng loạt nông dân trồng rau ở Lâm Đồng đã phải ngậm ngùi khi sản phẩm do họ làm ra bị “rớt giá” thảm hại. Nhiều người đành phải bán đổ bán tháo để gở gạt phần nào vốn liếng, công sức do mình bỏ ra. Một số người khác thì mặc kệ, bỏ cho rau quả chết rụi, rơi rụng ngoài đồng bởi giá bán không đủ trả tiền thuê nhân công thu hoạch. Trong tình cảnh này, người nông dân chỉ biết ngồi nhìn “thành quả” lao động của mình trôi ra sông, ra biển.

Trong khi đó, giá bán các sản phẩm này tại các thành phố lớn không hề giảm. Có nhiều sản phẩm khi đến tay người tiêu dùng thì giá đã được nâng lên đến 11 lần.

Khi “một mình một chợ” thì giá các loại nông sản như rau, củ, quả, lúa, gạo, … thường do thương lái và các nhà phân phối định giá. Lợi nhuận được làm ra từ những giọt mồ hôi và công sức của nông dân đang bị một nhóm nhỏ những người nắm quyền chi phối thị trường thụ hưởng. Và không ai khác, người chịu thiệt thòi nhất trong quy trình sản xuất, phân phối hàng hóa nông sản vẫn là người nông dân đang phải “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” để có được những sản phẩm cung cấp cho thị trường.

Nay bán được số lượng lớn với giá cao, phương thức thu mua nhanh gọn, nông dân Việt Nam đang rất vui mừng. Mặc dù vậy, vẫn có nhiều ý kiến cho rằng nên cẩn trọng với tình trạng các thương nhân Trung Quốc đang lùng sục khắp nơi thu mua nông sản, thực phẩm của Việt Nam. Đây là những ý kiến rất đáng để những người nông dân cảnh giác với nhu cầu bất thường đến từ Trung Quốc bởi trong quá khứ đã không ít lần người nông dân Việt Nam phải nhận nhiều “trái đắng”.

Nhưng dù sao đi nữa, đây cũng là cơ hội tốt để các doanh nghiệp trong nước nhìn lại cái cách mà họ đã từng đối xử với các sản phẩm do người nông dân phải rất cực khổ mới làm ra trong thời gian qua như thế nào.

Khi người tiêu dùng đã bỏ tiền mua những sản phẩm do chính những người nông dân Việt Nam làm ra tức là họ đang góp phần tạo điều kiện cho sự tồn tại và phát triển của nghề nông, một nghề truyền thống và còn rất phổ biến ở Việt Nam hiện nay. Đóng góp ấy là để người nông dân nhận được đúng giá trị, công sức của họ bỏ ra chứ không phải chỉ để làm giàu cho những người trung gian.

Giờ đây, muộn còn hơn không, các doanh nghiệp Việt Nam hãy xích lại gần hơn và hãy biết chia sẻ với người nông dân, nếu không, sự ưu ái của họ dành cho những thương nhân Trung Quốc là điều khó tránh khỏi. Và đáng buồn hơn, nguồn nguyên liệu hay các sản phẩm chất lượng cao do chính tay người nông dân Việt Nam làm ra sẽ lần lượt “chảy” sang Trung Quốc.

Theo SGTT

Click để bình luận

Nhập bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

5 × four =

To Top