Connect with us

CEO VeXeRe: Doanh thu gần như bằng 0 vì Covid-19 nhưng tôi luôn tin ‘trong nguy có cơ’

Tin trong nước

CEO VeXeRe: Doanh thu gần như bằng 0 vì Covid-19 nhưng tôi luôn tin ‘trong nguy có cơ’

May mắn gọi vốn thành công vòng thứ 4 vào cuối năm 2019, Trần Nguyễn Lê Văn – CEO VeXeRe tin rằng nếu tận dụng tốt cơ hội này, startup của anh có thể bứt phá sau khi dịch bệnh đi qua.

Ra đời năm 2013, nền tảng bán vé xe khách trực tuyến VeXeRe do Đào Việt Thắng, Trần Nguyễn Lê Văn và Lương Ngọc Long đồng sáng lập. Theo số liệu công bố cuối năm 2019, startup này duy trì tốc độ tăng trưởng vé bán trên 300% mỗi năm với 3 triệu lượt khách truy cập hàng tháng. VeXeRe đã thực hiện 4 vòng gọi vốn thành công, hiện có khoảng 150 nhân viên với hơn 550 hãng xe hợp tác và phủ rộng hơn 2.600 tuyến đường trong và ngoài nước.

Chia sẻ với Người Đồng Hành, CEO VeXeRe Trần Nguyễn Lê Văn cho biết đại dịch Covid-19 khiến doanh thu của công ty gần như bằng 0 nhưng anh vẫn luôn tin “trong nguy có cơ”.

– Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 buộc người dân phải hạn chế đi lại, doanh thu và hoạt động của VeXeRe bị ảnh hưởng như thế nào?

– VeXeRe có 3 mảng kinh doanh chính là cung cấp giải pháp đặt vé xe trực tuyến cho hành khách; phần mềm quản lý hiệu quả cho nhà xe và phần mềm hỗ trợ bán vé cho đại lý. Cả 3 mảng này đều phải tạm dừng do các hãng xe ngừng hoạt động. Hiện chúng tôi cũng miễn phí quản lý phần mềm cho các nhà xe đến hết tháng 5. Doanh thu các mảng kinh doanh chính từ đầu tháng 4 đến nay gần như bằng 0.

Bên cạnh đó, VeXeRe có một mảng nữa là phần mềm quản lý hàng hóa xe khách. Hiện mảng này vẫn đang hoạt động tốt tuy nhiên vì mới ra đời chưa lâu nên doanh thu vẫn rất nhỏ so với các mảng khác.

– Ảnh hưởng từ dịch bệnh khiến nhiều startup phải giảm lương hoặc sa thải nhân sự, startup của anh thì sao?

– Hiện VeXeRe chưa nghĩ đến việc sa thải nhân sự vì chúng tôi vẫn kỳ vọng trong thời gian tới khi hết thời gian cách ly xã hội, các hãng xe sẽ hoạt động trở lại. Trong thời gian cách ly xã hội, nhân viên của công ty vẫn làm việc online.

Quan điểm của VeXeRe là chỉ giảm lương của nhân viên khi không còn cách nào khác. Trong những giai đoạn như thế này, chúng tôi cố gắng “thắt lưng buộc bụng” để hỗ trợ anh em vì những người đồng hành với công ty cũng không phải dư giả về mặt tài chính. Lúc khó khăn mình hỗ trợ họ thì sau này khi khó khăn qua đi họ sẽ ở lại với mình lâu hơn. Tất nhiên, việc có nên giảm lương hay nhân sự hay không còn tùy thuộc vào tình hình tài chính của từng doanh nghiệp.

– Chiến lược của VeXeRe để vượt qua giai đoạn khó khăn này?

– Chúng tôi luôn tin rằng “trong nguy có cơ” và cho rằng đây là thời gian nên tập trung để tìm kiếm các cơ hội phát triển khi đại dịch đi qua. Trước đây khi tình hình kinh doanh ổn định, các hãng xe không có động lực thay đổi hay tìm cách tối ưu chi phí. Nhưng trong giai đoạn này họ nhận thấy rằng việc áp dụng công nghệ sẽ giúp giảm chi phí, tăng doanh thu online và bắt đầu tìm đến chúng tôi. Nhờ đó, VeXeRe có thêm những đối tác mới.

Hiện chúng tôi đang kết hợp với các hãng xe thực hiện chương trình “Chọn an toàn, chọn VeXeRe”. Các hãng xe tham gia chương trình này thực hiện các biện pháp giúp hành khách di chuyển an toàn hơn như trước khi lên xe phải đo thân nhiệt, khử trùng tay, 100% hành khách đeo khẩu trang trên xe.

– Một founder startup chia sẻ rằng vì Covid-19 có thêm thói quen là check tài khoản hàng ngày, điều này chắc không đúng với anh vì VeXeRe vừa gọi vốn thành công vòng thứ 4 vào cuối năm 2019?

– Với startup, vốn giống như oxy. VeXeRe may mắn gọi vốn thành công ngay trước dịch bệnh vì vậy chúng tôi xác định phải tận dụng tốt cơ hội này. Trong giai đoạn khó khăn, khi nhiều bên phải dừng lại, nếu biết tận dụng cơ hội có thể bứt phá tốt hơn hậu đại dịch.

Giai đoạn này là thời điểm rất khó gọi vốn, một số nhà đầu tư rất hứng thú và quan tâm đến VeXeRe nhưng trước khi ra quyết định cuối cùng, họ muốn gặp mặt trực tiếp các nhà sáng lập, thăm công ty. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của Covid-19 nên nhiều chuyện phải hoãn lại. Bên cạnh đó, các nhà đầu tư sẽ dựa khá nhiều vào doanh thu để định giá startup, vì vậy startup cũng có nhiều bất lợi khi gọi vốn lúc này.

Thường các startup có đủ tài chính để trụ lại một năm thì đã là có nguồn vốn khá tốt rồi. Với các startup gặp khó khăn về tài chính, họ sẽ phải chọn chiến lược tồn tại trước. Khi doanh thu bằng 0, không có tiền chi trả các chi phí, họ buộc phải chọn cách tạm nghỉ không lương, chờ dịch bệnh qua đi mới tiếp tục hoạt động.

– Với số vốn gọi được từ vòng gần nhất, VeXeRe đang sử dụng ra sao?

– Chúng tôi vẫn tiếp tục tuyển dụng thêm, bởi như tôi nói “trong nguy có cơ”. Về mặt thị trường, có những bên trước đây từ chối hiện lại muốn hợp tác. Khi doanh nghiệp gặp khó khăn, mình đồng hành và hỗ trợ họ thì mối quan hệ mới lâu dài và bền được.

Về mặt nhân sự, có những thời điểm cạnh tranh khốc liệt rất khó tìm được người tài, nhưng hiện nay may mắn là có nhiều hồ sơ tốt ứng tuyển. Đây là lúc startup nên tận dụng cơ hội nếu như không gặp vấn đề về tài chính.

– Nếu dịch bệnh tiếp tục kéo dài, theo anh VeXeRe sẽ cầm cự được bao lâu?

– Nếu không có doanh thu, chúng tôi sẽ cầm cự được ít nhất 3 năm. VeXeRe cùng các nhà đầu tư đã ngồi lại, đặt ra các kịch bản khác nhau và tìm ra phương án tối ưu nhất cho từng kịch bản. Nếu sau 30/4, mọi thứ hoạt động bình thường trở lại thì vẫn như kế hoạch đã đề ra, tiếp tục mở rộng và phát triển. Nếu dịch bệnh ảnh hưởng đến cuối năm chúng tôi sẽ giữ nguyên đội hình chứ chưa vội mở rộng.

– Sau 7 năm ra đời, VeXeRe đã bao giờ trải qua giai đoạn nào khó khăn như hiện nay chưa?

– Chúng tôi nói đùa với nhau rằng giai đoạn này giống như đang khởi nghiệp lại từ đầu. Có những ngày nhìn số vé book trên hệ thống chỉ vài vé như thời mới bắt đầu vào năm 2013. Tuy nhiên, nếu ngồi lo lắng hay “shock” không giải quyết được vấn đề gì, chúng tôi suy nghĩ để tìm ra những cơ hội mới tốt hơn khi đại dịch kết thúc.

Theo Cafef 

Click để bình luận

Nhập bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

eighteen + 15 =

To Top