Connect with us

Đừng vội xem thường Apple

Tình huống thương hiệu

Đừng vội xem thường Apple

Dù tiên phong tung ra sản phẩm mới như điện thoại màn hình lớn hay đồng hồ thông minh, HTC, Sony hay Samsung chưa bao giờ đạt đến thành công của Apple trong việc tạo một cơn sốt toàn cầu.

Trước việc Apple tung ra những mẫu iPhone màn hình lớn, Samsung Electronics đăng trên trang Twitter của mình một câu chọc khoáy rằng: “Xem ai đã bất ngờ mà thay đổi quan điểm kìa!” Từ Đài Bắc và Tokyo, hai hãng điện thoại HTC và Sony cũng có những dòng tweet tương tự.

Thế nhưng, những động thái này cũng cho thấy một nỗi sợ ngấm ngầm, một “cơn đau đầu” của các hãng điện thoại châu Á trước mối đe dọa mang tên iPhone. Dù là những công ty tiên phong khai phá các thị trường bằng sản phẩm mới như điện thoại màn hình lớn, đồng hồ thông minh, công nghệ thanh toán qua điện thoại, nhưng HTC, Sony hay Samsung chưa bao giờ đạt đến thành công của Apple trong việc tạo một cơn sốt toàn cầu cho các sản phẩm của mình.

Thậm chí, chính những hãng điện thoại châu Á này bị ám ảnh bởi “hội chứng Galápagos”, vốn tương tự quy luật nghiệt ngã trong bóng đá: tấn công mà không ghi bàn thì sẽ bị thủng lưới. Có nhiều công ty ở châu Á, mà cụ thể là ở Nhật, đã phát triển những công nghệ tiên phong từ rất sớm nhưng chỉ có thể loay hoay giới thiệu sản phẩm ở thị trường nội địa để rồi chứng kiến một đối thủ đến từ Mỹ biến ý tưởng của họ thành một sản phẩm toàn cầu và dần gạt họ ra khỏi thị trường.

Năm 1999, công ty Kyocera của Nhật giới thiệu chiếc điện thoại tích hợp máy ảnh đầu tiên trên thế giới, nhưng đến nay, hầu như không nhiều người biết đến công ty này.

Hoặc như, năm 2004, Sony là công ty đầu tiên mở ra thị trường thiết bị đọc sách điện tử nhưng 3 năm sau, chiếc Kindle của Amazon đã thống lĩnh thế giới dù có ít tính năng hơn mà giá lại cao hơn.

Hay như một ví dụ khác, liên minh Sony – NTT DoCoMo là hai công ty đầu tiên giới thiệu “ví di động” được phát triển trên công nghệ Felica của Sony, nhưng công nghệ NFC được sử dụng trong Apple Pay mới là cái tên xuất hiện đầu tiên trong tâm trí người dùng.

Trở lại chuyện về điện thoại màn hình lớn, nhiều chuyên gia công nghệ cho biết Samsung đang là công ty “bạo chi” nhất cho quảng cáo các sản phẩm này, với ngân sách lên đến 14 tỷ USD vào năm ngoái. Thế nhưng, “khách hàng vẫn có sự gắn bó vô cùng mạnh mẽ với các sản phẩm mang thương hiệu Apple, điều mà Samsung chưa đạt được,” dẫn lời ông Ben Wood, từ công ty nghiên cứu thị trường CCS Insight.

Khi mà công ty nắm giữ trái tim và tâm trí của người dùng vẫn là Apple thì điều này có nghĩa là một kịch bản “người đến trước cất công khẩn hoang, người đến sau nhẹ nhàng thu hoạch” có thể diễn ra với Samsung và Apple.

Theo Daniel Kim, một chuyên gia phân tích của Hãng Macquarie thì “Apple thấu hiểu thị trường hơn Samsung, và việc Apple quy tụ được những nhà lãnh đạo kỳ cựu của ngành thời trang và bán lẻ như Angela Ahrendts, cựu CEO của Burberry cũng giúp hãng này nâng cao sức mạnh thiết kế và sự thấu hiểu về phân khúc người tiêu dùng sành điệu.”

Nhiều người vẫn cho rằng Tim Cook chỉ là cái bóng của Steve Jobs. Nhưng nếu nhìn nhận một cách công bằng và toàn diện hơn, thì Apple dưới triều đại của Tim Cook chỉ kém phần hào nhoáng chứ không hề sụt giảm về hiệu quả kinh doanh. Năm 2011, thời điểm Steve Jobs còn tại vị, doanh thu 3 quý đầu năm của Apple đạt 28,6 tỷ USD. Doanh thu cùng kỳ của năm 2014 hiện là 37,4 tỷ USD, đồng nghĩa với mức tăng trưởng gần 31% trong các năm qua. Con số này đặc biệt ấn tượng nếu biết rằng tăng trưởng doanh thu của Google cũng ở mức 25% trong cùng kỳ.

Văn hóa làm việc và đội ngũ nhân sự của Apple dưới thời Tim Cook cũng có nhiều thay đổi tích cực. Tim biết rõ mình không có tài năng thiên phú như Steve Jobs, nhưng ông tập hợp được xung quanh mình những người có tài năng cần thiết để duy trì sự thành công của Apple. Ngoài những tài năng trong nội bộ, Tim còn chiêu mộ được Angela Ahrendts, cựu CEO của hãng thời trang Burberry để quán xuyến đế chế bán lẻ, hay Dr Dre và Jimmy Iovine từ Beats để phát triển mảng kinh doanh sản phẩm âm nhạc.

Sau 3 năm, Tim Cook đã phần nào chứng tỏ được vì sao Steve Jobs chọn mình làm người kế nhiệm, như lời Steve Jobs kể trong tự truyện của mình: “Tôi biết tôi muốn gì và khi tôi gặp Tim, anh ấy cũng có cùng mong muốn. Vì vậy, chúng tôi làm việc cùng nhau và tôi hoàn toàn tin tưởng Tim luôn biết chính xác những gì cần làm. Tim có tầm nhìn của tôi và chúng tôi có thể trao đổi những vấn đề ở tầm chiến lược cao, và tôi hẳn đã bỏ lỡ nhiều thứ quan trọng nếu không có Tim ở cạnh nhắc nhở”.

Thế nhưng, một trong những rủi ro mà Apple đang đối mặt chính là hệ thống sản phẩm có phần khép kín. Việc kiểm soát được hệ thống này từng giúp Apple thu được những mức giá và lợi nhuận cao, nhưng trước sự cạnh tranh của Google và Android, để không đánh mất thị trường hiện tại, sản phẩm của Apple cần nhanh chóng “cởi mở” và thân thiện hơn với nhiều người dùng, hoặc Apple, một lần nữa phải tiên phong tạo ra thị trường mới với sản phẩm mới, như họ từng làm trước đây. 

Theo DNSG

Click để bình luận

Nhập bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

1 × 5 =

To Top