Connect with us

Zuckerberg đã trưởng thành

Tình huống thương hiệu

Zuckerberg đã trưởng thành

Zuckerberg đã biết chấp nhận một thực tế: Anh đang chịu trách nhiệm điều hành một cỗ máy quảng cáo.

Mark Zuckerberg cần ai đó giúp đỡ. Sau đợt phát hành cổ phiếu lần đầu (IPO) không thuận lợi hồi tháng 5.2012, vị tổng Giám đốc (CEO) 29 tuổi này đã phải đau đầu vắt óc để tìm cách bán thật nhiều quảng cáo trên điện thoại thông minh. Vài tuần sau khi IPO diễn ra, anh đã đi dạo quanh khuôn viên của Facebook với Andrew Bosworth, một kỹ sư hàng đầu tại Facebook.

“Sẽ rất là thú vị để xây dựng một ngành kinh doanh tỉ đô trong 6 tháng, anh có nghĩ vậy không?”, Zuckerberg hỏi. Anh muốn Bosworth giúp anh dẫn dắt mảng quảng cáo di động còn bấp bênh của Công ty và hơn hết là tìm mọi cách để Facebook có thể kiếm ra tiền.

Theo yêu cầu của Zuckerberg, Bosworth đã soạn ra bản kế hoạch dài khoảng 80 trang. Bản kế hoạch này đã trở thành một dự án nội bộ mà Zuckerberg gọi là “ưu tiên”.

Những cuộc phỏng vấn với Zuckerberg cùng thành viên Hội đồng Quản trị, nhà điều hành, hàng chục kỹ sư, bạn bè và nhân viên cũ của Facebook cho thấy Zuckerberg đã không còn là một chàng thanh niên trẻ bướng bỉnh và hay lý tưởng hóa, từng được gọi là “CEO con nít” tại Thung lũng Silicon. Đưa Facebook lên sàn và tái cấu trúc mạng xã hội lớn nhất thế giới này theo hướng tập trung vào di động đã buộc anh phải lớn khôn.

Doanh thu theo quý của Facebook 

Zuckerberg vẫn còn mặc quần jeans và áo thun ngắn tay đi làm, vẫn lái chiếc xe Volkswagen GTI màu đen, nhưng anh đã học cách biết chấp nhận một thực tế: anh đang chịu trách nhiệm điều hành một cỗ máy quảng cáo. Đó là một bước nhảy lớn đối với một sinh viên bỏ học đã viết thư cho các nhà đầu tư tiềm năng chỉ trước khi đợt IPO diễn ra rằng: “Facebook ra đời không phải là để trở thành một công ty”.

Từ năm 2012, anh đã chấp nhận ý tưởng bán thêm nhiều quảng cáo hơn trên trang “News Feed”, nơi 1,2 tỉ người sử dụng Facebook dành phần lớn thời gian cập nhật thông tin hoặc xem thông tin mới và hoạt động của bạn bè. Trong khi đó, trước nay anh luôn xem quảng cáo ít quan trọng hơn so với các hình ảnh, thông tin mới được người sử dụng đưa lên đó.

Việc chú trọng quảng cáo đã giúp Facebook gia tăng doanh thu quảng cáo từ các tập đoàn lớn như McDonald’s và Wal-Mart. Các chuyên gia phân tích dự kiến doanh thu của mạng xã hội này sẽ tăng hơn 40% vào năm 2013 khi nó công bố kết quả kinh doanh cả năm vào cuối tháng 1 này. Khoảng 3 tỉ USD doanh thu – chiếm đến hơn 1/3 tổng doanh thu Công ty – có thể sẽ đến từ quảng cáo di động.

Cổ phiếu Facebook đã tăng 105% trong năm qua, so với mức tăng 38% của chỉ số Nasdaq Composite, là nơi tập trung nhiều cổ phiếu ngành công nghệ. Ngày 2.8.2013, giá cổ phiếu của Facebook đã phục hồi mạnh, tăng cao hơn mức giá chào sàn 38 USD. Cổ phiếu Facebook phiên ngày 3.1.2014 đã đạt 54,56 USD/cổ phiếu. Vẫn còn 4 tháng nữa mới đến sinh nhật thứ 30 của mình, nhưng Zuckerberg đã có khối tài sản khoảng 20 tỉ USD. Hồi tháng 12, anh đã bỏ túi được thêm 1 tỉ USD nhờ bán cổ phiếu.

Sự thay đổi của Zuckerberg là đáng chú ý khi chỉ cách đây vài năm, hầu như anh không quan tâm đến con số lợi nhuận hay doanh thu của Công ty. Năm 2010, anh tuyên bố, “không có lý gì để kiếm lợi nhuận kếch xù”. Anh còn nói rằng mảng quảng cáo “không dính dáng” gì đến các quyết định về các dịch vụ cung cấp cho người sử dụng của Facebook và mục tiêu số 1 của anh là tăng số người sử dụng của Công ty lên 1 tỉ. “Nếu đem chuyện doanh thu ra tranh luận với Zuck, bạn sẽ thua ngay”, một nhân viên từng có nhiều năm làm việc tại Facebook cho biết. Người này nhớ lại rằng mình từng bị la mắng vì đề cập đến chuyện doanh thu trong khi đang thảo luận một sản phẩm mới.

Thời điểm đó, hầu hết người sử dụng Facebook đều nhìn vào giao diện mạng xã hội này trên màn hình máy tính để bàn và các mẫu quảng cáo thường bị dẹp sang ở góc xấu xí bên phải màn hình. Tuy nhiên, đến cuối năm 2011, làn sóng thịnh hành của điện thoại thông minh đã khiến người sử dụng Facebook ngày càng dành ít thời gian hơn cho máy tính. Các nhà điều hành Facebook bắt đầu lo ngại Facebook bị tụt lại đằng sau.

Sự chuyển hướng sang điện thoại thông minh gây bất lợi cho mảng quảng cáo của Facebook. Bởi lẽ, không dễ để chuyển các mẫu quảng cáo sang góc của các màn hình nhỏ (của điện thoại) trong khi Facebook lại không có các ứng dụng di động để cung cấp cho người sử dụng. Trước sức ép này, Facebook đã ra sức bán quảng cáo trên màn hình máy tính để bàn, nhưng việc này không còn dễ dàng khi ngày càng nhiều người sử dụng chuyển sang dùng thiết bị di động.

Chỉ trước khi Facebook lên sàn vào tháng 5.2012, Zuckerberg đã bước vào phòng họp và làm một điều khiến cho ai cũng kinh ngạc. Một nhóm các kỹ sư Facebook đã trình diễn phần mô phỏng các mẫu quảng cáo mới nhất dành cho ứng dụng iPad của Facebook. Các mẫu quảng cáo đã được cho vào một màn hình riêng lẻ và ngay bên phải của trang News Feed.

“Tại sao chúng ta lại không khai thác quảng cáo ở trang News Feed”, vị CEO đã đặt câu hỏi tại cuộc họp. Động thái này cho thấy Zuckerberg đã thay đổi hoàn toàn trong cách suy nghĩ: mở cửa rộng hơn cho quảng cáo.

Sau đợt IPO gập ghềnh của Facebook, Zuckerberg càng có lý do để tập trung vào việc bán quảng cáo. Bởi lẽ, việc giá cổ phiếu Facebook đã giảm tới hơn 25% chỉ trong 10 ngày đầu tiên giao dịch cũng vì nhà đầu tư hoài nghi vào khả năng mang lại lợi nhuận của mạng xã hội này.

Báo cáo lợi nhuận đầu tiên của Facebook sau khi lên sàn càng làm cho giới phân tích và nhà đầu tư lo ngại, khiến cổ phiếu Facebook thêm một phen lao dốc thảm hại. Nỗi lo của Zuckerberg càng lớn hơn khi nhân viên càng trở nên bi quan. Điều đó buộc Zuckerberg phải tiến thêm một bước trong việc đẩy mạnh cỗ máy quảng cáo của Công ty: Anh đã bắt đầu đặt ra chỉ tiêu doanh thu cho một số nhóm sản phẩm, trong khi trước đó, anh luôn phản đối điều này do lo ngại các nhà quản lý vì quá quan tâm đến lợi nhuận mà quên đi sứ mệnh là tập trung vào trải nghiệm người sử dụng.

Trong nhiều tháng tiếp theo, Zuckerberg đã chấp nhận việc đặt các mẫu quảng cáo “không xã hội” (tức các mẫu quảng cáo không có dính dáng với “like” của người sử dụng), trong News Feed. Zuckerberg đã thay đổi quan điểm sau khi Chris Cox, Phó Chủ tịch sản phẩm của Facebook, đưa cho anh dữ liệu nội bộ cho thấy việc anh phản đối cho xuất hiện các mẫu quảng cáo không xã hội đang ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của Facebook.

Zuckerberg cũng chấp nhận thỏa hiệp đối với một vấn đề mà hầu như xưa nay chưa bao giờ anh chịu thỏa hiệp: trải nghiệm người sử dụng. Zuckerberg nói với Cox rằng việc lượt sử dụng giảm nhẹ là có thể có chấp nhận được để đổi lại mức doanh thu quảng cáo cao hơn, miễn là Facebook thực hiện các cải tiến ở những mảng có thể bù đắp vào mức sụt giảm này. Thử nghiệm đầu tiên cho thấy việc có nhiều quảng cáo hơn đã giảm lượt sử dụng khoảng 2%, thấp hơn chỉ tiêu đặt ra, trong khi số lượt sử dụng nhìn chung đã tăng với tỉ lệ cao hơn nhiều.

Sau khi Zuckerberg nhượng bộ, doanh số bán của Facebook đã tăng 53% đạt tới 1,81 tỉ USD trong quý II/2013, mức tăng cao nhất từ trước đến nay của Công ty. Hồi tháng 7.2013, Zuckerberg đã hân hoan tuyên bố với hơn 5.000 nhân viên Công ty: “Chúng ta đã thành công”. Chỉ vài ngày sau đó, giá cổ phiếu Facebook đã tăng trở lại, vượt hơn mức giá chào sàn.

Giờ Zuckerberg thường xuyên gặp gỡ các khách hàng quảng cáo lớn nhất của Facebook. Anh còn yêu cầu khách hàng gửi ý tưởng và anh sẽ xem xét đưa ý tưởng đó vào trong các quyết định thiết kế sản phẩm.

Nhiều chuyên gia phân tích lo ngại rằng Zuckerberg vì quá tập trung vào quảng cáo mà có thể khiến cho người sử dụng trở nên xa lạ với mạng xã hội này. Một số nhà đầu tư còn lo lắng Facebook sẽ khó thu hút người sử dụng với các sản phẩm mới của mình. Zuckerberg cho biết anh ý thức rất rõ các rủi ro này, nhưng cho biết số lượt sử dụng vẫn đang tăng lên. Hiện tại, mỗi ngày, Công ty thực hiện hơn 35.000 cuộc khảo sát để theo dõi cảm nhận của người sử dụng. “Động lực đằng sau mọi thứ là chúng tôi đang cố gắng xây dựng trải nghiệm tốt nhất cho người sử dụng di động”, anh nói.

Theo NCĐT

Click để bình luận

Nhập bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

six + 8 =

To Top