Connect with us

Xuất khẩu trái cây: Cửa lớn đã mở

Tin trong nước

Xuất khẩu trái cây: Cửa lớn đã mở

Nhiều công ty Việt Nam đã đưa được trái cây vào thị trường châu Âu, Mỹ với sản lượng ngày càng cao và mức giá cao hơn thị trường khác có khi gấp 5 lần.

Khi đã vào được thị trường khó tính như Nhật thì đó cũng là lúc trái cây Việt Nam bắt đầu mở được những cánh cửa lớn hơn.

Trước đây trái cây của Việt Nam thường chỉ xuất khẩu cho một vài thị trường châu Á với mức giá chỉ nhỉnh hơn thị trường trong nước một chút. Chỉ riêng thị trường Nhật và Hàn Quốc có mức giá cao hơn, tuy nhiên vào 2 thị trường này thường có những điều kiện khắt khe hơn.

Cánh cửa nặng đã mở

Người Nhật vốn khó tính nên một sản phẩm có khi phải mất 10 năm mới được người tiêu dùng nước này chấp nhận. Công ty xuất khẩu trái cây Yasaka phải mất hơn 5 năm mới đưa được trái thanh long thâm nhập vào thị trường này, và phải thêm 2 năm nữa mới hoàn tất mọi thủ tục và hoàn thành việc chuyển giao công nghệ theo đúng tiêu chuẩn để thanh long được chấp nhận tại các siêu thị.

Sản lượng tiêu dùng trái thanh long của Nhật đang có chiều hướng tăng. Nếu năm 2010 công ty Yasaka mới chỉ xuất 500 tấn thanh long thì năm 2011, sản lượng đã tăng lên 700 tấn. Ông Nguyễn Hồng Hưng, Phó Tổng Giám đốc Yasaka, cho biết để có thể xuất khẩu thanh long vào thị trường Nhật phải mất rất nhiều thời gian và phải có sự đầu tư bài bản.

Yasaka đã phải tiến hành theo từng bước. Đầu tiên là giúp người tiêu dùng thích nghi, đây là khâu khó khăn nhất. Để được người tiêu dùng nước này chấp nhận sử dụng sản phẩm, công ty phải mất 1/10 chi phí đầu tư dành quảng cáo sản phẩm trên các phương tiện truyền thông tại Nhật trong 5 năm. Bù lại, khi một bộ phận người Nhật đã thích nghi với mùi vị của trái thanh long, họ mua thường xuyên loại trái này.

Tiếp đến, để vượt qua hàng rào kỹ thuật và kiểm định, Yasaka đã tiến hành cả 2 biện pháp, vừa xử lý bằng công nghệ diệt trứng và côn trùng bằng phương pháp hơi nước tại nhà máy vừa kết hợp với chuyên gia kiểm định chất lượng người Nhật tại các vườn trồng.

Bên cạnh đó, người Nhật có tính cộng đồng rất cao nên để vào được các hệ thống siêu thị nước này, Công ty phải qua một đơn vị trung gian và giá thanh long từ 4-5 USD/kg đã lên đến 10 USD/kg tại các siêu thị. “Chúng tôi đã đến chào hàng trực tiếp với giá thấp hơn nhưng họ không chịu. Trung gian là một điều bắt buộc nếu doanh nghiệp muốn vào thị trường này”, ông Hưng cho biết.

Sau khi khai thông được thị trường Nhật, bắt đầu từ tháng 3.2011, Công ty đã xuất khẩu 100 tấn thanh long vào Hàn Quốc. Sắp tới Yasaka còn phát triển dự án xuất khẩu vào Đài Loan do nhu cầu nhập khẩu thanh long và trái cây rất lớn.

Cửa lớn hơn từ châu Âu và Mỹ

Không chỉ có Yasaka mà nhiều công ty khác của Việt Nam cũng đã đưa được nhiều sản phẩm vào thị trường châu Âu, Mỹ với sản lượng ngày càng cao và mức giá cao hơn thị trường khác có khi gấp 5 lần.

Nếu năm 2009 thị trường Mỹ chỉ nhập 100 tấn trái cây từ Việt Nam thì đến năm 2010 con số này đã lên 580 tấn và cho đến thời điểm này của năm 2011 là 1.300 tấn. Gần đây nhất, trái chôm chôm mới chỉ xuất khẩu trong 4 tuần nhưng sản lượng tăng liên tục. Tuần đầu chỉ 2 container, tuần thứ 2 đã tăng gấp đôi, tuần thứ 3 là 13 container và tuần 4 con số là 20 container, mức giá trung bình trên 7 USD/kg.

Sở dĩ Mỹ nhập khẩu trái cây của Việt Nam nhiều hơn là để thay thế cho trái cây Trung Quốc. Năm 2012, Mỹ sẽ nhập thêm 4 loại trái mới là nhãn, vải, xoài và vú sữa từ Việt Nam. Bên cạnh đó, thị trường NewZeland, Chilê và Hàn Quốc sẽ nhập khẩu xoài của Việt Nam vào đầu năm sau. Có thể thấy, tiềm năng của trái cây Việt Nam là rất lớn.

Tuy nhiên, do diện tích trồng từ các vườn còn nhỏ chỉ khoảng 2 ha/hộ nên chưa có sự đồng nhất về chất lượng. Lô hàng đầu tiên có chất lượng tốt nhưng lô sau chất lượng trái không đều có thể khiến doanh nghiệp phải bồi thường hợp đồng cho khách hàng nhập khẩu. Ông Hưng nhận xét, kỹ thuật trồng cũng như phương pháp nông nghiệp của các hộ trồng chưa được đầu tư nên chưa có sự phát triển bền vững.

Chính vì điều này, Yasaka đang lên kế hoạch đầu tư phát triển vùng trồng. Không chỉ tham gia thu mua sản phẩm và xuất khẩu, sắp tới Yasaka sẽ mở rộng trực tiếp đưa công nghệ vào trồng các sản phẩm nông nghiệp khác tại Việt Nam để phục vụ cho nhu cầu thị trường Nhật.

Ông Hưng cho biết, Nhật có dân số già và người làm nông nghiệp chủ yếu là người già. Chính vì vậy, chỉ sau 10 năm nữa, Nhật sẽ không còn nhiều người làm nông nghiệp và phải đầu tư nông nghiệp sang những nước châu Á khác, trong đó có Việt Nam. Yasaka cũng đang học hỏi công nghệ sản xuất nông nghiệp của Nhật để đưa vào Việt Nam. Ví dụ, kỹ thuật trồng lúa chỉ dùng phân hữu cơ hiện nay của Nhật giúp nông dân chỉ cần trồng 1 vụ lúa/năm nhưng sản lượng cho ra cao hơn cả 3 vụ của Việt Nam.

Trong lúc các doanh nghiệp Nhật đang tìm đến Việt Nam để đầu tư công nghệ cho ngành nông nghiệp thì các doanh nghiệp của Việt Nam lại chưa có sự đầu tư bài bản cho các vùng trồng. “Việt Nam nên có những chiến lược phát triển lớn hơn trong ngành nông nghiệp để chuẩn bị cho những nhu cầu của các nước trong thời gian không xa”, ông Hưng chia sẻ.

Theo NCĐT

Có thể bạn quan tâm...
Click để bình luận

Nhập bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

2 × three =

To Top