Connect with us

Volkswagen và Suzuki – “Tình” đã nhạt

Tin quốc tế

Volkswagen và Suzuki – “Tình” đã nhạt

Xích mích, bắt nguồn từ việc Volkswagen nhắc tới Suzuki theo kiểu "xoa đầu" trong bản báo cáo thường niên của tập đoàn, đã căng thẳng tới mức có thể đặt dấu chấm hết cho quan hệ hợp tác giữa hai bên.

“Volkswagen không nói chuyện với chúng tôi. Chúng tôi cũng không định nói với họ,” ông Osamu Suzuki, Chủ tịch của Suzuki, cho biết.

Quan hệ giữa hai bên xuống dốc từ tháng 3 năm nay, khi Volkswagen (VW) nêu trong bản báo cáo thường niên rằng, tập đoàn có thể “tác động lớn đến những sách lược và quyết định tài chính” của Suzuki, miêu tả hãng xe Nhật Bản như một “cộng sự”.” Và Suzuki không chấp nhận tuyên bố này của VW.

Từ đó, hai bên công khai chỉ trích nhau, dẫn tới việc VW ngừng kế hoạch đầu tư 222,5 tỷ Yên (2,9 tỷ USD) vào một liên doanh của hai bên. Thỏa thuận hợp tác giữa VW và Suzuki là nhằm kết hợp vị trí dẫn đầu của Suzuki tại Ấn Độ, nền kinh tế tăng trưởng nhanh thứ hai ở châu Á, với quy mô toàn cầu của VW – hiện đang là nhà sản xuất ô tô lớn thứ ba thế giới.

Khi thỏa thuận hợp tác được ký vào tháng 12/2009, theo đó, VW nắm giữ 20% cổ phần Suzuki, hai bên đã công bố kế hoạch hợp tác về công nghệ, trong đó có việc phát triển xe hybrid và ô tô chạy hoàn toàn bằng điện, và hợp tác mở rộng thị phần ở các thị trường mới nổi. Sau gần hai năm, chưa có dự án hợp tác cụ thể nào được triển khai.

 

Suzuki “khát” đối tác?

 “Suzuki thực sự cần một nhà sản xuất lớn chống lưng, nên hậu quả của sự đổ vỡ này có thể sẽ tệ hơn cho hãng,” ông Aleksej Wunrau, một nhà phân tích của Ngân hàng BHF (Đức), nhận định. “Volkswagen có thể rút khỏi quan hệ với Suzuki và hai bên cùng đi tìm đối tác khác, hoặc thỏa thuận lại tại Nhật Bản và Ấn Độ.”

Hồi tháng 7, trong một bài báo đăng trên tờ Nikkei, Chủ tịch Osamu Suzuki cho biết ông  không tìm thấy công nghệ gì của VW có thể dùng cho Suzuki. Thay vào đó, hồi tháng 6, ông đã quyết định mua động cơ diesel của tập đoàn Fiat để lắp cho các xe ô tô sản xuất ở Hungary. Suzuki sau đó cũng cho biết sẽ đẩy mạnh việc thiết lập quan hệ hợp tác với các hãng khác.

Theo một nguồn tin nội bộ, VW cho rằng Suzuki trì hoãn quan hệ hợp tác với VW để bí mật bắt tay với Fiat và tìm kiếm các đối tác khác là đối thủ cạnh tranh.

Giám đốc tài chính của VW, ông Hans Dieter Poetsch, hôm 28/7 cho biết quan hệ hợp tác của tập đoàn với Suzuki đang được “xem xét lại”.

 “VW và Suzuki vẫn và sẽ tiếp tục là hai công ty độc lập, với các mô hình kinh doanh khác nhau, xuất phát từ môi trường văn hóa khác nhau,” ông Hans Demant, điều phối viên các dự án quốc tế của VW, cho biết. “Quan hệ hợp tác dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau.”

Lãnh đạo Suzuki cho rằng, một mối quan hệ thành công phụ thuộc vào sự bình đẳng giữa các bên. Nhà sản xuất ô tô Nhật Bản muốn làm rõ hướng hợp tác với VW vào tháng 10 tới.

 

Bắt đầu lại?

“Volkswagen vẫn trao đổi với giới truyền thông, chứ không phải là trực tiếp với chúng tôi,” Chủ tịch Suzuki nói.

CEO Martin Winterkorn của VW hồi tháng 5 cho biết tập đoàn dự kiến tấn công phân khúc xe cỡ nhỏ tại Ấn Độ, một phần dựa trên quan hệ hợp tác với Suzuki.

Dù hiện nay Suzuki đang có ảnh hưởng lớn ở Ấn Độ, với liên doanh Maruti Suzuki dẫn đầu thị trường, nhưng môi trường cạnh tranh ngày càng khốc liệt sẽ khiến vị trí số 1 ngày càng khó giữ. Quy mô toàn cầu của VW, với hơn 60 mẫu xe, có thể giúp Suzuki bảo vệ vị trí.

Mitsubishi và Peugeot bắt đầu quan hệ hợp tác vào năm 2005, khi Mitsubishi bắt đầu cung cấp một mẫu xe phát triển dựa trên xe thể thao việt dã Outlander cho đối tác Pháp. Từ đó, hai bên đã xây chung một nhà máy ở Nga – đã đi vào hoạt động từ tháng 10 năm ngoái, và Peugeot năm 2010 tuyên bố sẽ bán xe chạy điện do Mitsubishi cung cấp.

 “Quan hệ đối tác đó đã cho ra đời nhiều mẫu xe chung, đến nay quan hệ vẫn xuôi chèo mát mái,” nhà phân tích Masatoshi Nishimoto của công ty nghiên cứu thị trường IHS, cho biết. Với Suzuki và VW, “quan hệ hợp tác chưa đem lại kết quả cho cả hai phía.”

Volkswagen và Suzuki ban đầu dự kiến hợp tác để phát triển các mẫu xe hybrid và ô tô chạy hoàn toàn bằng điện để bán dưới cả hai thương hiệu, hai bên sẽ đặt văn phòng bên trong trụ sở của nhau. Trước khi kế hoạch đó trở thành hiện thực, hai bên cần xác định rõ họ có còn muốn hợp tác với nhau nữa hay không.

Theo Dân Trí

Click để bình luận

Nhập bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

five × 5 =

To Top