Connect with us

Sau sự im lặng của Apple

Tình huống thương hiệu

Sau sự im lặng của Apple

Im lặng luôn là cách truyền thông của Apple từ lúc Steve Jobs còn tại vị. Tuy nhiên, với Tim Cook, sự im lặng gần như trở thành câm lặng và ù lì. Sự thống lĩnh tâm trí người tiêu dùng của Apple có lẽ đã biến mất cùng với Steve Jobs.

Apple im lặng, dư luận trái chiều

Đã qua rồi thời đối thủ của Apple chỉ là Nokia, Samsung hay HTC. Bây giờ Apple là một hệ sinh thái từ hệ điều hành, nội dung, thiết bị cho đến quảng cáo. Và một Apple như bây giờ có rất nhiều đối thủ: từ những đối thủ truyền kiếp như Samsung, hay “bình mới rượu cũ” Microsoft-Nokia cho đến các đối thủ trẻ trung và mạnh mẽ như Google, Facebook và Amazon. Trong bối cảnh đầy cạnh tranh như vậy, khả năng thu hút truyền thông và định hướng dư luận là cực kỳ quan trọng và Steve Jobs là thiên tài trong việc này. Nhưng có vẻ Tim Cook không phải là người như vậy. Giới truyền thông tha hồ bóc tách và phân tích những số liệu của Apple theo cách nhìn riêng của họ.

Hãy bắt đầu từ mảng nội dung và quảng cáo. Apple App Store đạt doanh thu 10 tỉ USD trong năm 2013, mang về 3 tỉ USD cho Apple (30% doanh thu) và 7 tỉ USD còn lại chi trả cho các nhà phát triển ứng dụng. Xét về thị phần, Apple vẫn giữ 67% thị trường của mảng này (10 tỉ USD trên tổng thị trường 15 tỉ USD), các hệ điều hành khác như Android và Window Phone chỉ kiếm được 5 tỉ USD (chủ yếu là Android). Đây là một số liệu tốt, nhưng tỉ lệ này, cách đây vài năm, lại hơn 80% khi Android chủ yếu là ứng dụng miễn phí và Google chưa hoàn thiện nền tảng quảng cáo. Có nghĩa Apple đang mất dần thị phần trong mảng kinh doanh này dù vẫn tăng trưởng tốt về mặt doanh thu. Có thể sự thật không phải như vậy, nhưng sự im lặng của Apple làm cho cách giải thích trên được nhiều người đồng tình.

Không còn là vua nội dung

Nhìn cận cảnh hơn, lý do việc mất thị phần là Android đang ngày càng trở thành miếng bánh lớn hơn cho các nhà phát triển với số lượng người dùng áp đảo và mức chia doanh thu dễ thở hơn Apple. Sự phát triển của Android đến từ số lượng bùng nổ của các smartphone và tablet giá rẻ tại những thị trường mới nổi như Thổ Nhĩ Kỳ và Mexico, nơi Android chiếm hơn 65% thị trường và vẫn tiếp tục tăng trưởng. Chính điều này đã giúp Google Playstore đạt hơn 150 triệu lượt tải ứng dụng trong quý I/2014, vượt 45% so với App Store của Apple.

Trong mảng nội dung, doanh thu bán game và quảng cáo từ game vẫn chiếm một tỉ lệ rất lớn nhưng doanh thu bán nhạc từ iTunes lại giảm sút nghiêm trọng. Theo Business Insider, số lượng tải và doanh thu từ iTunes giảm 15% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi Google Playstore đang tăng trưởng ấn tượng về số lượt tải và doanh thu từ các ứng dụng liên quan đến tin tức và đặc biệt là các ứng dụng doanh nghiệp. Có vẻ hệ sinh thái đa thiết bị của Google bao gồm Google Chrome và Google Playstore đang phát huy tác dụng và thu hút được nhóm đối tượng doanh nghiệp.

Không còn là lựa chọn ưu tiên

Sự tăng trưởng về lượt tải và doanh thu từ các ứng dụng liên quan đến Tin tức trên Google Playstore gần như là hệ quả tất yếu khi các đơn vị truyền thông luôn ưu tiên những nền tảng có số lượng người dùng lớn. Điều này dẫn đến một hệ quả nguy hiểm cho Apple: nền tảng iOS không còn là lựa chọn ưu tiên để nâng cấp ứng dụng của các đơn vị phát triển nội dung.

Nếu cách đây 3 năm, Instagram thật sự là “cú đấm thẳng vào mặt” Google Playstore khi đạt 1 triệu lượt tải chỉ trên nền tảng iOS thì tình hình nay đã khác. Ngày càng có nhiều nhà phát triển lựa chọn Android là nền tảng đầu tiên để ra mắt ứng dụng của mình và điều này cũng sẽ tác động đáng kể đến sự lựa chọn của người tiêu dùng. Google được cho là sẽ sớm ra mắt các cơ chế chia sẻ doanh thu ưu tiên cho các ứng dụng “hot” để giữ độc quyền trên Android trong một thời gian nhất định và nhiều nhà phân tích tin rằng Google sẽ làm rất tốt vì họ đã có kinh nghiệm sau khi phát triển nền tảng chia sẻ doanh thu trên Adsense và Youtube.

Nếu nhìn kỹ hơn, bên cạnh game thì tin tức là mảng mang lại nhiều lượt hiển thị nhất trong các mảng nội dung, vốn sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến doanh thu quảng cáo trên ứng dụng. Sẽ ra sao nếu tất cả website tin tức lớn đều chọn Google Playstore để ưu tiên nâng cấp trải nghiệm thay vì App Store? Chắc chắn Apple sẽ mất đi một lượng đáng kể lượt hiển thị và như thế sẽ có ít cơ hội bán quảng cáo hơn.

Bên cạnh sự thất thế về mảng nội dung, Apple cũng đang đánh mất sự hỗ trợ của các nhà mạng. Một số lượng lớn iPhone và iPad luôn được bán ra ở dạng “kèm theo hợp đồng” như một cách tiếp thị hiệu quả của các nhà mạng. Nhưng Apple không còn là lựa chọn duy nhất khi nhiều nhà mạng đã cam kết với Samsung nhân dịp ra mắt Samsung Galaxy S5, thúc đẩy gói cước 4G. Số liệu cho thấy, trong 2 ngày đầu tiên ra mắt, Samsung Galaxy S5 đã vượt doanh số của S4 đến 150% và 95% điện thoại bán ra theo dạng “bán kèm gói cước”.

Loạn tin đồn về “bước đột phá tiếp theo”

Trong ngành công nghệ, thuật ngữ “the next big thing” – “bước đột phá tiếp theo” là một đòn tấn công nặng ký để kéo quyền ảnh hưởng và tâm điểm truyền thông về phía mình. Trong lịch sử Apple, những sản phẩm đột phá luôn được giữ bí mật đến phút chót. Nhưng hiện tại, Apple có quá nhiều thông tin rò rỉ và không có thiết bị hay hướng đi nào thỏa mãn tiêu chí “bước đột phá tiếp theo”. Chẳng hạn, iPhone 6 chưa có hứa hẹn đột phá về nội dung hay trải nghiệm nào đi kèm.

Apple Car Play, hệ thống điều khiển âm thanh trong xe hơi, bị cho là một bước đi riêng lẻ để cứu doanh số bán nhạc đang tụt dốc.

Apple iWatch vẫn là ẩn số sau thất bại của Samsung Gear và Nike Fuel band.

Apple TV là quả bom tấn chưa nổ của Apple. Hiện nay, Apple vẫn chịu lỗ chi phí phần cứng trên mỗi sản phẩm bán ra.

Thế giới công nghệ đã chứng kiến quá nhiều sự trượt dài trong im lặng của các tượng đài như Motorolla, Microsoft, BlackBerry và Nokia. Liệu Apple tiếp tục kinh doanh mạnh mẽ hay sẽ là một Nokia tiếp theo? Chỉ thời gian mới có thể trả lời và gần nhất là thời điểm ra mắt iPhone 6, một trận chiến phải-thắng của Apple.

Theo NCĐT

Click để bình luận

Nhập bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

4 × five =

To Top