Tin trong nước
“Phiêu” như mua hàng từ Trung Quốc
Hàng ngày, hàng giờ, các doanh nghiệp Việt Nam với nhiều hình thức khác nhau, từ đặt hàng trên các trang mua bán trực tuyến đến gặp gỡ trực tiếp, mua đủ các loại hàng hóa từ các nhà cung cấp Trung Quốc.Trong không ít các vụ bán mua này, người bán bỗng dưng biến mất cùng hàng chục ngàn đô la hoặc toàn bộ hàng nhập về bị lỗi, hỏng khiến doanh nghiệp dở khóc dở cười. Rủi ro là vậy nhưng doanh nghiệp đang phải chấp nhận vì không còn sự lựa chọn nào khác.
Chị Mai, giám đốc một doanh nghiệp nhập khẩu tại quận 7, TPHCM, kể chị vừa hoàn thành xong thủ tục khởi kiện một nhà cung cấp mặt hàng vải tại Trung Quốc do bị lừa dối lô hàng trị giá 55.000 đô la Mỹ đặt hồi tháng 4. Làm ăn ở ngành hàng vải vóc đã hơn 10 năm, một năm qua lại Hàng Châu – nơi sản xuất mặt hàng này vào hàng lớn nhất Trung Quốc – vài ba lần nhưng chị Mai thừa nhận vẫn bị lừa không ít lần và vụ lần này là lớn nhất. Theo chị Mai, nhà cung cấp kể trên mới chỉ giao dịch vài lần, sau vài lô với số lượng nhỏ, thấy hàng đảm bảo nên chị tin tưởng đặt số lượng lớn. Không ngờ tiền chuyển khoản xong, giấy tờ xuất nhập khẩu đã hoàn thành mà chờ hoài không thấy hàng về cảng. “Các chứng từ chúng tôi đều có đầy đủ nên khởi kiện có thể thắng. Chỉ bực mình là tốn thời gian, công sức thuê luật sư, theo kiện. Làm ăn với mấy ông này, mình biết, nên đã cẩn thận lắm rồi mà vẫn bị dính đòn”, chị Mai than.
Tuy nhiên, điều làm chị Mai bức xúc hơn là tất cả những rủi ro đều biết nhưng phải chấp nhận, không thể tránh hay thay đổi đối tác vì nếu không lấy hàng từ Trung Quốc, công việc làm ăn của chị coi như ngừng luôn. Theo chị Mai, mỗi tháng chị nhập khẩu 20 tấn vải dùng để sản xuất khăn ướt, hoàn toàn từ các nhà sản xuất Trung Quốc. Đơn giản vì loại hàng trên không có nhà cung cấp trong nước, còn các nước trong khu vực ASEAN như Indonesia, hay Malaysia thì cũng chỉ được một vài nhà sản xuất, nhưng chỉ đủ phục vụ trong nước, không dư cho xuất khẩu. “Chí tính riêng ở Hàng Châu thôi, họ đã có hàng chục nhà sản xuất lớn nhỏ, cần bao nhiêu hàng là được đáp ứng ngay. Không lấy hàng của họ coi như không có hàng bán luôn”, chị Mai cho hay.
Không may như chị Mai khi có thể khởi kiện để đòi lại tiền đã mất, anh Nguyễn Thanh Tùng, Giám đốc Công ty TNHH Truyền thông Zero, trong nhiều lần bị nhà cung cấp “xù” không giao hàng chỉ biết chấp nhận mất tiền, không có cách nào lấy lại vì phương thức mua bán thường là đặt hàng trên các trang web mua bán, chuyển khoản và đợi giao hàng. Anh Tùng cho hay, anh cũng như hầu hết bạn bè lấy hàng từ Trung Quốc đều hơn một lần mất tiền oan, người ít thì vài ngàn đô la Mỹ, người nhiều thì cả chục ngàn mỗi lần. Phương thức, thủ đoạn thì chỉ một kiểu: giao hàng đảm bảo 1-2 lô đầu để tạo lòng tin, khi đặt hàng nhiều thì bỗng dưng biến mất không dấu vết.
Bị lừa nhiều nhưng anh Tùng vẫn phải tiếp tục lấy hàng từ nhà cung cấp Trung Quốc vì “không lấy hàng của họ thì biết lấy ở đâu?” và phòng trừ rủi ro bằng cách: thuê một người địa phương làm nhiệm vụ nhận và kiểm kê hàng tại chỗ, trước đó là thẩm định thông tin của nhà cung cấp. Đây là lời mách nước của một người bạn đang làm việc tại Thâm Quyến – Trung Quốc cho anh Tùng. Tiền lương mỗi tháng là 350 đô la Mỹ. “Dù có bạn đang sống tại Thâm Quyến nhưng chúng tôi không thể hợp tác làm ăn theo kiểu anh ta mua rồi bán lại cho tôi. Vì nguyên tắc làm ăn của họ lạ lắm. Giá bán cho người nước ngoài lại rẻ hơn giá bán cho người địa phương mua đi bán lại”, anh Tùng cung cấp thêm thông tin.
Còn chị Phương, một chành trái cây tại chợ đầu mối nông sản Thủ Đức kể về kinh nghiệm của mình. Trước đây chị đã từ bỏ việc gom hàng mang lên biên giới Lạng Sơn để xuất sang Trung Quốc, để chuyển sang đi bán thuê cho các thương nhân Trung Quốc. Chị Phương kể: “Bán hàng cho mấy ổng khổ lắm, lãi thì có lãi thiệt nhưng không đủ bù vào các lần đổ hàng về tay trắng. Mấy ổng liên kết ép giá, người trước trả 3 đồng, mình không bán đợi được giá hơn thì người sau trả xuống 2 đồng 8, người sau nữa xuống 2 đồng rưỡi”. Chịu không thấu, chị Phương chuyển sang gom hàng mang về nước bán nhưng rồi liên tục gặp lừa đảo. Một container trái cây thì tới một phần ba là hàng xấu, hàng không đạt chất lượng trộn vào. Cuối cùng, chị Phương chuyển sang làm chành, ăn tiền “cò”, nhìn theo chợ mà bán giá cao, giá thấp, không lo lỗ, lãi.
Theo TBKTSG