Connect with us

Cuộc chiến giữ thương hiệu Việt: Phòng tránh thâu tóm

Tin trong nước

Cuộc chiến giữ thương hiệu Việt: Phòng tránh thâu tóm

“Đi nhanh” nhưng thiếu nội lực mà chủ yếu dựa vào vốn ngoại sẽ là nguy cơ bị chính đối tác thâu tóm trong tương lai.

Nhiều doanh nghiệp (DN) Việt hiện nay muốn đẩy nhanh mở rộng hoạt động nên đua nhau kêu gọi vốn từ nhà đầu tư nước ngoài. “Đi nhanh” nhưng thiếu nội lực mà chủ yếu dựa vào vốn ngoại sẽ là nguy cơ bị chính đối tác thâu tóm trong tương lai.

Mong manh còn, mất

Trở lại cuộc chiến giữ thương hiệu Bibica, Tổng Giám đốc Trương Phú Chiến cho biết hiện tỉ lệ cổ phần của Lotte chiếm khoảng 38%-39% nhưng không phải tỉ lệ đa số, lượng cổ phiếu của cổ đông Việt Nam đang trên 40%. Hiện một cổ đông lớn là Công ty Cổ phần Chứng khoán Sài Gòn (SSI) đang nắm giữ khoảng 20% cổ phần và có kế hoạch tăng lên 35%.

“Với các nhóm cổ đông đối trọng khá cân bằng hiện nay, Lotte muốn biến Bibica thành “của riêng” hay công ty con cũng không dễ. Quan trọng là ban điều hành, HĐQT phải chứng tỏ Bibica đang hoạt động hiệu quả, có vị thế, thị trường… để cổ đông nhìn vào ủng hộ” – ông Chiến nhìn nhận.

Theo TS Nguyễn Ngọc Huy, Trường ĐH Kinh tế – Luật (ĐHQG TP HCM), Bibica là một trong những trường hợp đối tác muốn thâu tóm để xóa sổ, chiếm thị phần, chiếm thương hiệu và diễn ra trên thị trường một cách công khai mà DN rất khó phòng ngừa. 

“Một đối thủ chiếm tỉ lệ cổ phần đến 38% là rất lớn, có tiếng nói mạnh. Tuy nhiên, nếu Lotte muốn có số cổ phần còn lại sẽ phải mua với một giá rất đắt, dù những tập đoàn lớn này sẵn sàng làm điều đó. Đây là con đường ngắn nhất để họ thâm nhập thị trường Việt Nam thông qua DN Việt có tiềm năng” – TS Huy nhận xét…

Để giữ thương hiệu, Công ty Cổ phần Hóa mỹ phẩm Mỹ Hảo quyết tâm tồn tại bên cạnh các ông lớn. Từ đầu năm đến nay, tình hình kinh tế khó khăn tiếp tục ảnh hưởng mạnh đến hoạt động kinh doanh của Mỹ Hảo. Đặt mục tiêu tăng trưởng 15% nhưng đến nay doanh số chưa tăng nhiều, DN phải liên tục tìm phương án kinh doanh mới, sáng tạo sản phẩm mới để duy trì, phát triển hoạt động sản xuất… “Nhưng dù khó khăn đến đâu, tôi cũng cố gắng giữ thương hiệu Mỹ Hảo chứ quyết không bán cho nước ngoài” – Tổng Giám đốc Lương Vạn Vinh bộc bạch.

Đừng phát triển quá nóng!

Từ bài học của Bibica, ông Trương Phú Chiến chia sẻ: Khi gọi vốn ngoại, DN trong nước cần đưa ra những tỉ lệ hợp lý để tránh những rắc rối về sau. Nếu đối tác chiến lược nắm dưới 25% cổ phần, họ sẽ nhắm đến việc hợp tác là chính. Trường hợp nắm giữ từ 25%-35% cổ phần là họ đã chi phối mạnh do có quyền phủ quyết các vấn đề quan trọng của HĐQT, ban lãnh đạo. Còn để vượt lên mức 38% như hiện nay của Lotte ở Bibica là DN sẽ bị ảnh hưởng lớn, nếu không có sự đồng thuận.

Về mặt thương hiệu, công nghệ hay quản trị, Bibica cho rằng DN trong nước cần làm việc sòng phẳng với đối tác chiến lược, đưa ra nội dung hợp tác rõ ràng ngay từ đầu. 

“DN Việt thường tìm những đối tác lớn để hợp tác nhưng bất lợi là khi chúng ta chọn đối tác quá lớn sẽ dễ rơi vào thế phụ thuộc. Việc thôn tính sẽ xảy ra khi thiếu sự bình đẳng với đối tác về tài chính, công nghệ” – ông Trương Phú Chiến đúc kết.

Theo ông Huỳnh Anh Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty Chứng khoán SJC, muốn chống thâu tóm, bản thân DN phải có nội lực, HĐQT hay ban lãnh đạo phải chiếm tỉ lệ cổ phần đủ lớn. Nhiều DN Việt đang rơi vào vòng luẩn quẩn muốn phát triển nhanh nhưng chỉ dựa vào nguồn lực của nước ngoài sẽ có nguy cơ bị thâu tóm trong tương lai.

“Nếu thiếu vốn, DN có thể kêu gọi các quỹ đầu tư, công ty chứng khoán bởi mục tiêu cuối cùng của các đối tác này là đưa DN phát triển để sinh lợi. Còn khi gọi vốn từ DN ngoại cùng ngành, DN Việt cần tính đến phương án phòng tránh nguy cơ bị thôn tính” – ông Tuấn nói.

Theo TS Nguyễn Ngọc Huy, việc phòng ngừa bị thâu tóm cần phải được tiến hành từ sớm, đừng để đối tác nắm trên 35% cổ phần mới phòng thủ. Những DN niêm yết trên sàn phải luôn quan tâm đến thị giá trên thị trường, khi có biến động về cổ đông lớn cần đặt ra các tình huống bị thôn tính để tìm công cụ phòng chống.

Tạo lập niềm tin cho cổ đông

Theo luật sư Lương Văn Trung, Công ty Luật Hợp danh Bross và Cộng sự (Bross & Partners), bản thân DN cần hoạt động hiệu quả để tạo uy tín trên thị trường, tạo lập sự tin tưởng của cổ đông, thành viên giúp họ không thoái vốn khi khó khăn hay vì một vài lợi ích trước mắt do bên muốn thôn tính mang lại. 

Đồng thời, DN cần có ràng buộc với các thành viên, cổ đông theo hướng hạn chế tự do chuyển nhượng vốn góp, vốn cổ phần như hạn chế về thời gian, tỉ lệ vốn có thể chuyển nhượng, quyền ưu tiên mua, kể cả quyền bán trong một số tình huống…

Theo NLĐ

Có thể bạn quan tâm...
Click để bình luận

Nhập bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

20 − three =

To Top