Connect with us

Acecook vs. Masan: Quảng cáo “chê” sản phẩm đối phương, xử sao?

Tin trong nước

Acecook vs. Masan: Quảng cáo “chê” sản phẩm đối phương, xử sao?

Cục Quản lý cạnh tranh cho rằng vụ khiếu nại của Acecook với quảng cáo của Masan thuộc thẩm quyền Bộ Thông tin và Truyền thông.

Công ty Cổ phần Acecook Việt Nam khiếu nại đến Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) để Cục xử lý quảng cáo mì “Tiến Vua bò cải chua” của Công ty Cổ phần Hàng tiêu dùng Masan. Tuy nhận định quảng cáo “có dấu hiệu” của hành vi “quảng cáo nói xấu, so sánh” nhưng Cục này đã trả lại hồ sơ.

Không vi phạm cạnh tranh?

Khi khiếu nại đến Cục Quản lý cạnh tranh, Acecook cho rằng quảng cáo mì gói “Tiến Vua bò cải chua” của Masan vi phạm quy định về cạnh tranh. Cụ thể, đoạn quảng cáo đã đưa hình ảnh hai vắt mì, một vắt màu vàng nhạt là mì Tiến Vua bò cải chua của Masan, một vắt màu vàng sậm của doanh nghiệp (DN) khác. Sau đó cho nước vào tô mì để so sánh và đưa ra thông điệp nếu cho nước vào vắt mì mà “nước chuyển sang vàng đục chứng tỏ sợi mì có nhuộm màu”. Phần đầu đoạn quảng cáo có nhắc đến cụm từ “phẩm màu độc hại” nên càng gây ấn tượng xấu cho người tiêu dùng về mì màu vàng sậm.

Luật sư Nguyễn Thanh Long, Văn phòng luật sư Phạm và Liên danh – đại diện cho Acecook trong vụ việc này, cho rằng quảng cáo trên của Masan mang tính so sánh và đưa thông tin gian dối hoặc gây nhầm lẫn cho khách hàng. Điều 45 Luật Cạnh tranh cấm DN thực hiện các hoạt động quảng cáo nhằm cạnh tranh không lành mạnh. Trong đó, khoản 1 Điều 45 cấm “so sánh trực tiếp hàng hóa, dịch vụ của mình với hàng hóa, dịch vụ cùng loại của DN khác”. Khoản 3 Điều 45 thì cấm “đưa thông tin gian dối hoặc gây nhầm lẫn cho khách hàng”.

Nghị định 120/2005 về xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực cạnh tranh có quy định phạt tiền từ 15 đến 25 triệu đồng đối với hành vi quảng cáo trên. Tuy nhiên, quảng cáo này thực hiện trên nhiều tỉnh, thành và sản phẩm lại là thực phẩm nên mức phạt sẽ nằm ở mức 30 đến 50 triệu đồng. Ngoài ra, DN vi phạm có thể bị buộc cải chính công khai và bị tịch thu toàn bộ khoản lợi nhuận thu được từ việc thực hiện hành vi vi phạm.

Thế nhưng, vừa qua Cục Quản lý cạnh tranh đã ra thông báo trả lại hồ sơ khiếu nại.

Có dấu hiệu nói xấu… 

Ông Long cho biết trong quá trình xử lý đơn khiếu nại, Cục đã cho rằng quy định tại khoản 3 Điều 45 về “gian dối hoặc gây nhầm lẫn” chỉ áp dụng khi gây nhầm lẫn về chính sản phẩm của DN chứ không áp dụng khi gây nhầm lẫn về sản phẩm của DN khác. Vì vậy mà bác bỏ lập luận của bên khiếu nại.

Ông Long ví dụ nôm na, DN A quảng cáo sản phẩm A có chức năng diệt khuẩn 99%, khiến khách hàng hiểu rằng vi khuẩn nào cũng diệt được nhưng thực ra sản phẩm A đó chỉ diệt được một số loại vi khuẩn thôi, loại “lì” là không diệt nổi. Quảng cáo như vậy thì mới bị coi là vi phạm về “gian dối hoặc gây nhầm lẫn” theo cách giải thích của Cục.

Ông Long cho biết trong lập luận về “so sánh trực tiếp” cũng có ý kiến cho là phải “trực tiếp” mới vi phạm, còn trong quảng cáo mì gói của Masan đâu có nói vắt mì kia là vắt mì của Acecook, nên không phải là “so sánh trực tiếp”. Ông Long cho rằng không có DN nào “vô duyên” đến mức nêu đích danh sản phẩm, đích danh DN khác ra để mà quảng cáo. Do đó, nếu đòi “trực tiếp” là phải nêu tên cụ thể thì xem như quy định của Luật Cạnh tranh mất hiệu lực, rất khó áp dụng.

Tuy nhiên, trong văn bản trả lại hồ sơ, Cục Quản lý cạnh tranh nhận định quảng cáo nói trên của Masan có dấu hiệu của hành vi “quảng cáo nói xấu, so sánh hoặc gây nhầm lẫn với hoạt động kinh doanh hàng hóa, dịch vụ của người khác” bị cấm theo Nghị định 75/2010 hoặc hành vi “quảng cáo có nội dung nói xấu, so sánh làm giảm uy tín, chất lượng hàng hóa của tổ chức, cá nhân khác” bị cấm theo Nghị định 02/2011.

Cụ thể, Nghị định 75/2010 quy định phạt tiền từ 3 đến 5 triệu đồng, Nghị định 02/2011 quy định phạt tiền 20 đến 30 triệu đồng. Nhưng thẩm quyền xử lý thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông chứ không phải Cục Quản lý cạnh tranh.

Do đó mà Văn phòng luật sư Phạm và Liên danh đã quyết định chuyển vụ việc này sang Bộ Thông tin và Truyền thông để xử lý.

 

Nhiều mẫu quảng cáo mập mờ

Ông Nguyễn Thanh Long cho biết sở dĩ Acecook muốn xử lý rốt ráo vụ việc này là vì trước đó Masan cũng đã từng có một số quảng cáo có vấn đề. Đến vụ “phẩm màu” thì chịu hết nổi.

Trước đó, năm 2009, Masan từng có đoạn quảng cáo cho mì Tiến Vua. Với quảng cáo này, Masan đưa ra các thông tin như “mì được chiên bằng dầu”, “dầu ăn chiên đi chiên lại nhiều lần sẽ đổi từ vàng tươi sang vàng sậm, không tốt cho sức khỏe”, “thực phẩm có màu vàng tươi – không dùng dầu chiên đi chiên lại nhiều lần”, “từ nay mình chỉ mua mì sợi vàng tươi”… Quảng cáo này có thể tạo ấn tượng cho người tiêu dùng rằng mì màu vàng sậm là mì dùng dầu chiên đi chiên lại nhiều lần, không tốt cho sức khỏe.

Ông Long cho biết năm 2009, Acecook khiếu nại về quảng cáo này vi phạm quy định về cạnh tranh không lành mạnh, Cục Quản lý cạnh tranh có thụ lý và điều tra. Trong quá trình Cục điều tra thì Masan có chủ động thay đổi nội dung quảng cáo bị khiếu nại.

Ngoài mì Tiến Vua, Masan từng có quảng cáo về mì Omachi. Quảng cáo này gây ấn tượng cho người tiêu dùng ăn mì gói bị nóng nhưng mì Omachi làm từ khoai tây, không lo bị nóng. Quảng cáo này có thể làm người tiêu dùng nghĩ rằng mì Omachi toàn bằng khoai tây, trong khi lượng khoai tây trong mì chiếm tỉ lệ bao nhiêu, 1%, 10%, 50% hay 99% thì Masan không nói rõ. “Sau khi giải quyết quảng cáo mì Tiến Vua bò cải chua, chúng tôi sẽ tiếp tục khiếu nại xử lý quảng cáo mì khoai tây Omachi” – ông Long khẳng định.

Theo PLTPHCM

Có thể bạn quan tâm...
Click để bình luận

Nhập bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

ten + nine =

To Top