Connect with us

Nhóm mua trực tuyến: Dễ làm, không dễ ăn

Tình huống thương hiệu

Nhóm mua trực tuyến: Dễ làm, không dễ ăn

Ra đời tại Mỹ năm 2009, mô hình nhóm mua giảm giá qua mạng đã nhanh chóng lan sang châu Âu, Nhật, Trung Quốc và Đông Nam Á. Tuy nhiên, rủi ro trong kinh doanh từ mô hình này không phải là ít.

Tính đến nay, Nhommua.com đã bán được khoảng 500.000 phiếu giảm giá và doanh thu hằng tháng hiện đạt xấp xỉ 15 tỉ đồng.

Niềm vui lớn nhất đối với tôi là giúp các đối tác cung cấp dịch vụ đạt mức tăng trưởng doanh thu có thể lên đến vài trăm phần trăm trong một thời gian ngắn”, ông David Trần, Giám đốc Điều hành trang web Nhommua.com, cho biết.

Lãi sau 6-24 tháng

Chín giờ sáng Chủ nhật ngày 22.5.2011, chúng tôi đã đến quán Bêta nằm trên đường Võ Văn Tần (Q.3, TP.HCM) để thử dịch vụ mua hàng giảm giá theo nhóm bằng loại phiếu mệnh giá 100.000 đồng, được Nhommua.com bán với giá 50.000 đồng. Do khách quá đông, lại chi trả chủ yếu bằng phiếu giảm giá như trên nên người viết phải chờ đến 20 phút mới được phục vụ. Cô Mai, một nhân viên phục vụ “bật mí” rằng, kể từ khi hợp tác với Nhommua.com, lượng phiếu giảm giá thanh toán tại quán vào các ngày cuối tuần có thể đạt đến 200-300 phiếu; số khách trả bằng tiền mặt trước đây chỉ bằng khoảng 1/3 con số này.

Đây chỉ là một trường hợp trong số khoảng 5.000 giao dịch mua hàng theo nhóm giảm giá mỗi ngày thông qua Nhommua.com. Tuy chỉ hoạt động từ tháng 7.2010 nhưng Nhommua.com hiện đã chiếm hơn 60% thị trường nhóm mua giảm giá trực tuyến và đang dẫn đầu. “Tính đến nay, Nhommua.com đã bán được 500.000 phiếu giảm giá, doanh thu hằng tháng xấp xỉ 15 tỉ đồng. Chúng tôi dự kiến bắt đầu có lãi sau khoảng 1-2 năm nữa”, ông David Trần cho biết.

Chiến lược của trang web này khá đơn giản: dành 65-70% ngân sách cho hoạt động tiếp thị thường xuyên như quảng cáo trên Yahoo!, Facebook hay đặt poster tại các cao ốc văn phòng ở trung tâm TP.HCM. Công ty sẽ tăng số lượng nhân viên lên hơn 1.000 người vào cuối năm 2011 (hiện là 320 người), trong đó hơn 40% được phân bổ cho mảng kinh doanh và tiếp thị.

Với cùng mô hình kinh doanh, tuần qua, Hoishopping.com đã chính thức ra mắt báo giới. Bà Trần Phạm Bảo Nguyên, nhà sáng lập Hoishopping.com, nói: “Với vốn đầu tư ban đầu 1 tỉ đồng, chúng tôi định vị nhóm khách hàng mục tiêu có độ tuổi từ 25-35, thu nhập 10-20 triệu đồng/tháng. Họ là tín đồ mua sắm hàng hiệu, thích sử dụng sản phẩm và dịch vụ cao cấp”. Hiện nay, trang này có hơn 100 nhà cung cấp (Nhommua.com có hơn 300), dự định bán sản phẩm từ ngày 1.6.2011 với mức giảm giá 90%.

Chiến lược của Hoishopping.com là tiếp cận khách hàng mục tiêu tại 35 tòa nhà văn phòng ở trung tâm TP.HCM. Sau đó là tổ chức thi mua sắm tại các trung tâm Parkson, Diamond Plaza, Vincom và các hoạt động cộng đồng trên Facebook, Twitter. Trong quý IV/2011, Hoishopping.com cũng sẽ phối hợp với Tổng cục Du lịch triển khai bán tour du lịch trong và ngoài nước. “Chúng tôi đặt mục tiêu 150.000 thành viên, doanh thu khoảng 6,5 tỉ đồng/tháng và gần 200 nhà cung cấp dịch vụ vào cuối năm 2011. Với mức chiết khấu từ 10-40%, hy vọng Hoishopping.com sẽ đạt điểm hòa vốn sau 6 tháng hoạt động”, bà Nguyên cho biết.

Tháng 7.2010, Công ty Quản lý Quỹ Đầu tư Rebate Networks (Mỹ) đã rót 1 triệu USD vào Nhommua.com. Việt Nam là thị trường thứ 30 của công ty này về nhóm mua chung (Groupon). Sau sự kiện trên, ông David Trần tuyên bố: “Mục tiêu của chúng tôi là nắm giữ phần lớn nhất của thị trường trong nước với hơn 60%”.

Rõ ràng, Groupon đang lan tỏa sức nóng tại Việt Nam. Tuy nhiên, mô hình kinh doanh này chưa được hoàn thiện và vẫn còn nhiều rủi ro.

Cơ hội song hành rủi ro

Tuần qua cha đẻ của mô hình Groupon là Andrew Mason đã thừa nhận trên tờ The Economist: “Vào thời điểm này năm sau, liệu chúng ta vẫn có thể tiếp tục thừa thắng xông lên để khẳng định tính hoàn hảo của Groupon, hay ý tưởng bán hàng giảm giá mỗi ngày sẽ bắt đầu phát sinh các vết rạn nứt?”.

Đầu tiên là tỉ suất lợi nhuận. Hiện nay, tỉ lệ giảm giá tại Việt Nam dao động từ 50-90%, tương đương với mức của thế giới. Tuy nhiên, các nhà đầu tư mạo hiểm cho rằng đó là mức giảm giá khá lớn, khó mà có hiệu quả kinh doanh được.

Một yếu tố quan trọng khác là việc giảm thiểu chi phí sản xuất, nghĩa là sản xuất hàng loạt sản phẩm giống nhau có thể làm giảm chi phí trên 1 đơn vị sản phẩm. Ví dụ, nhân viên bán hợp đồng của Nhommua.com sẽ thu được lãi nhiều hơn nếu biết cách thương lượng để có mức giảm giá 50% cho 10 khách hàng, hơn là bán cho 15 khách hàng nhưng chỉ được chiết khấu 30%.

Bản chất của Groupon là tiếp thị sản phẩm giảm giá trên các trang web bán hàng theo nhóm, nghĩa là phần thương mại điện tử chỉ khoảng 10%. Gần 90% ngân sách hoạt động được dùng cho tuyển dụng nhân sự và tiếp thị (hiện chiếm tới 70% ở Nhommua.com). Nếu khoản kinh phí dành cho tiếp thị cần tiếp tục được duy trì ở mức này trong thời gian dài thì sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh.

Với số lượng người tiêu dùng Việt Nam sở hữu thẻ tín dụng và các hình thức khác ngoài tiền mặt chỉ chiếm hơn 10% dân số, việc thanh toán trực tuyến đương nhiên bị nhiều hạn chế. Vì vậy, cho đến nay, đa số khách hàng đều chọn hình thức giao phiếu tận nơi. “Với nhu cầu giao từ 3.000-5.000 phiếu/ngày, chúng tôi phải huy động hơn 100 người chỉ cho việc này”, ông David, Trần cho biết.

Hơn nữa, vì vẫn còn là bán thương mại điện tử nên mô hình Groupon không thể dựa vào ưu điểm về hệ thống như Facebook, eBay để phát triển dịch vụ xuyên biên giới. “Tôi sống ở Hà Nội. Nếu muốn thưởng thức món ăn yêu thích tại một nhà hàng ở TP.HCM có bán phiếu giảm giá theo nhóm trên mạng, nhưng lại chưa mở chi nhánh Hà Nội thì phải làm sao?”, một khách hàng quen thuộc của Nhommua.com (đề nghị không nêu tên), chia sẻ. Rõ ràng, vấn đề địa lý đang ngăn cản mô hình này phát triển.

Năm 2010, ông Utpal Dholakia, nghiên cứu sinh của Đại học Rice (Mỹ), đã phỏng vấn 150 nhà cung cấp dịch vụ cho Groupon. Kết quả là có hơn 1/3 số người được phỏng vấn cho biết họ không hề có lợi nhuận từ các giao dịch; 42% nói sẽ không tiếp tục ký hợp đồng với Groupon. “Một số nghiên cứu khác còn nêu rõ việc giảm giá liên tục chắc chắn sẽ ảnh hưởng lớn đến giá trị thương hiệu”, ông Dholakia cho biết.

Theo NCĐT

Click để bình luận

Nhập bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

seventeen − fifteen =

To Top