Connect with us

Mua hàng theo nhóm: Ai sẽ là người bứt phá?

Tình huống thương hiệu

Mua hàng theo nhóm: Ai sẽ là người bứt phá?

Việc hàng loạt các công ty bán hàng theo nhóm ngã ngựa trong thời gian qua đang cho thấy sự khốc liệt của thị trường.

Ra đi hàng loạt

Quay trở lại quãng thời gian năm năm 2011, thuận theo xu hướng phát triển của thế giới, các website mua theo nhóm (groupon) tại Việt Nam ồ ạt ra đời với nhiều chương trình bán hàng giảm giá lớn. Người tiêu dùng Việt với cũng nhiệt tình hưởng ứng dịch vụ này bởi mức giảm giá tới 40 – 60%. Thị trường lúc đó dù chật hẹp nhưng lại có hơn 100 trang web hoạt động theo mô hình này xuất hiện.

Tuy nhiên theo thời gian, sự cạnh tranh khốc liệt giữa các đối thủ tạo ra nhiều khó khăn cho các công ty nhỏ vốn thiếu hụt nguồn vốn đầu tư để duy trì hoạt động kinh doanh. Thêm vào đó bảo đảm chất lượng dịch vụ cũng là một thách thức đáng kể vì nhiều lý do khách quan và chủ quan. Phần lớn các website đã phải cắt giảm hoặc ngừng hoạt động sau một thời gian dài thua lỗ. 

Phần lớn các website mua theo nhóm đều ra đi trong lặng lẽ. Phát súng đầu tiên, gây chú ý trong năm 2012 là khi VNG tuyên bố đóng cửa Zing Deal – website cùng mua của công ty này vào hồi tháng 2.

Dù chỉ chiếm khoảng 1% thị phần mua theo nhóm nhưng việc Zing Deal đóng cửa lại khiến nhiều người ngỡ ngàng. Bởi lẽ VNG vốn là một công ty công nghệ lớn tại Việt Nam, có tiềm lực tài chính và cơ sở hạ tầng công nghệ hỗ trợ. Việc Zing Deal rút chân cho thấy thị trường bán hàng theo nhóm không “ngon ăn” như nhiều người vẫn tưởng.

Cùng với Zingdeal , nhiều website mua theo nhóm khác như Vndoan, muanhanh, chaygia, sweatdeal,… cũng phải ngừng lại hoặc cắt giảm hoạt động.

Gần đây nhất, cuối tháng 11, sau khi bị gần 20 đối tác đến tận trụ sở công ty đòi nợ, Dealsoc sau đó đã ra tuyên bố tạm ngừng hoạt động. Lý do đưa ra là mâu thuẫn nội bộ công ty.

Nhưng có lẽ vụ lùm xùm tai tiếng nhất, được dư luận quan tâm nhiều nhất trong thời gian qua là vụ việc diễn ra ở công ty Nhommua – ông lớn số 1 trên thị trường mua hàng theo nhóm. Ngày 13/11, CEO của Nhommua – ông Tom Trần bất ngờ bị thay thế khi đang đi du lịch ở nước ngoài.  

Những tai tiếng vừa qua của Công ty đứng đầu thị trường mua theo nhóm như Nhommua khiến nhiều người bất ngờ bởi đây là công ty hoạt động tương đối bài bản, lại được sự trợ giúp của quỹ đầu tư nước ngoài. Theo số liệu được công bố, 3 quỹ đầu tư bao gồm IDG Ventures, Rebate Networks và ru-Net Global cam kết sẽ rót vào Nhommua 60 triệu USD. 

Mâu thuẫn giữa người sở hữu Nhommua và các nhà đầu tư, mà đại diễn là quỹ đầu tư IDG Ventures cho thấy, công ty Nhommua chưa đáp ứng được mong muốn mà nhà đầu tư đề ra, dù đang có thị phần lớn nhất (khoảng 60% theo công bố của công ty) trong thị trường mua theo nhóm. 

Lợi nhuận không như mong đợi 

Trên thế giới, mô hình mua theo nhóm sau quãng thời gian tăng trưởng nóng cũng đã chững lại và nguy cơ thoái trào. Theo tờ Wall Street Journal, riêng nửa cuối năm 2011, đã có gần 800 website mua theo nhóm đóng cửa. Danh sách những nhà đầu tư tháo chạy khỏi Groupon – công ty số 1 theo mô hình mua theo nhóm cũng ngày một dài ra. Trong số đó có Andreessen Horowitz và 2 quỹ đầu tư mạo hiểm Maverick Capital và Fidelity Management & Research Co. Thêm vào đó còn có Kleiner Perkins Caufield & Byers và Morgan Stanley.

Nguyên nhân chính được đưa ra đó là Groupon không đem lại lợi nhuận như mong đợi. Lần IPO thất bại đã khiến Groupon sụt giảm mất hơn 3/4, tương đương khoảng 10 tỷ USD chỉ sau 10 tháng.

Tại Việt Nam, Dealsoc, một công ty mua theo nhóm tạm dừng hoạt động gần đây cũng bị hơn 20 đối tác kéo đến đòi nợ đọng đã lâu.

Với Nhommua, dù không nói ra lý do gây ra mâu thuẫn giữa ban lãnh đạo và nhóm các nhà đầu tư, nhưng doanh thu cũng là một vấn đề đáng bàn. Ông Tom Trần, CEO kiêm người sáng lập của Nhommua khi vẫn còn đương nhiệm từng phát biểu trước báo giới rằng, Nhommua hiện có  khoảng 2 triệu khách hàng, hàng chục nghìn đối tác và doanh thu đến 30 tỷ một tháng. Tuy nhiên công ty vẫn đang lỗ và phải vài năm nữa mới có thể tính đến lãi.

Bứt phá

Theo các chuyên gia nhận định, thị trường hiện đang cạnh tranh gay gắt, doanh nghiệp nào có khả năng tối ưu hóa mới có thể trụ vững và cạnh tranh lại với các đối thủ khác. Nếu không cẩn thận, các DN rất dễ lỗ nếu “ôm” quá nhiều chi phí vào marketing, đội ngũ bán hàng trong khi đó, bản thân nhà cung cấp đã giảm giá rất lớn. Phần chia nhau giữa nhà cung cấp và các website groupon không còn bao nhiêu.

Chưa kể, dù mang tiếng là thương mại điện tử, có thể giao dịch ở mọi nơi, nhưng phần lớn các giao dịch (deal) vẫn chật hẹp, chủ yếu tập trung ở các thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM vì chỉ hai thành phố này, hệ thống giao dịch trực tuyến mới phát triển. Còn tại các thành phố khác, các công ty phải tổ chức đội vận chuyển hàng hóa tới tay người tiêu dùng làm tăng thêm chi phí.

Tuy nhiên, tình cảnh khó khăn cũng là cơ hội để các đơn vị khác bứt phá lên. Đáng chú ý nhất hiện nay là Hotdeal, Muachung và Cungmua.

Hotdeal với tốc độ tăng trưởng 30%/năm do Vinabook quản lý đã có kinh nghiệm bảy năm làm thương mại điện tử theo mô hình B2C; có kho bãi, đội ngũ vận hành, quy trình, kinh nghiệm giao nhận hàng; đã có sáng tạo với mô hình kết hợp với siêu thị trực tuyến. Cungmua với kinh nghiệm quản trị doanh nghiệp và quản trị tài chính lâu năm hiện cũng đang bám sát các đơn vị dẫn đầu.

Muachung xuất thân từ công ty công nghệ (VCCorp) nên có hệ thống thanh toán điện tử tốt, hiện phần lớn giao dịch trên Muachung không dùng tiền mặt mà thanh toán trả trước qua SohaPay. Thêm vào đó Muachung có hệ thống quảng cáo xuất hiện trên nhiều trang web, báo điện tử lớn là một thế mạnh giúp công ty giảm chi phí marketing (50% chi phí của các công ty bán hàng theo nhóm là marketing). Đây cũng là công ty bán hàng theo nhóm duy nhất có lãi tại thời điểm này.

Bên cạnh đó, việc khôi phục lại niềm tin cho người tiêu dùng cũng là một vấn đề quan trọng. Trong vụ lùm xùm ở Nhommua, việc công ty đóng cửa 3 ngày liền mà không có thông báo gì tới khách hàng, website không truy cập được, trụ sở đóng cửa khiến khách hàng lo lắng không biết liệu voucher của mình có được thanh toán không, còn các đối tác thì giảm niềm tin vào mô hình dịch vụ này. Nhiệm vụ của các DN hiện tại không còn chỉ là cạnh tranh về giá mà còn là bài toán về chất lượng dịch vụ, để khôi phục niềm tin cho người tiêu dùng cũng như đối tác.

Theo TTVN

Click để bình luận

Nhập bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

seventeen + 17 =

To Top