Tin quốc tế
‘Mục sở thị’ các xưởng sản xuất hàng hiệu ‘fake’
Nếu tận mắt chứng kiến những hang ổ sản xuất hàng hiệu fake tại Quảng Châu, Thanh Đảo, Hà Bắc…bạn sẽ không còn hoài nghi trước lời nhận định: “Trung Quốc là công xưởng làm giả lớn nhất thế giới”.Những bê bối về hàng giả, hàng kém chất lượng trên thị trường Trung Quốc được báo chí nước này xem là thứ lương khô dùng dần, dùng nhiều tới mức độc giả phát “ngốt”, phát hãi. Không chỉ tinh vi trong chiêu chế biến thực phẩm độc hại, phù phép những nguyên liệu chỉ dùng trong công nghiệp hóa chất thành các món ăn khoái khẩu, các gian thương Trung Quốc còn “tài ba” tới mức sản xuất những chiếc túi hàng hiệu của LV, áo phông POLO, giày GUCCI “dỏm” mà như thật. Dù ngành kinh doanh hàng nhái khiến niềm tin của người tiêu dùng Trung Quốc bị sụp đổ, nhưng bù lại tạo công ăn việc làm cho hàng triệu triệu lao động nước này.
Hang ổ sản xuất túi xách LV siêu nhái
Quảng Châu được mệnh danh là chốn mua sắm xa xỉ của Trung Quốc. Nhưng giữa thánh địa thời trang này lại bung nở hàng loạt các công xưởng nhỏ chuyên làm hàng fake. Chiêu nhái của các chủ xưởng tại đây khá hoàn hảo. Sau khi thu mua các mẫu túi xịn của những thương hiệu nổi tiếng, đặc biệt là LV…, chủ xưởng yêu cầu nhân công gỡ tung mọi phụ kiện để nghiên cứu và bắt chước nguyên dạng. Mọi thứ, từ miếng kim loại tới miếng da cho tới dòng chữ in thương hiệu đều được mô phỏng “y xì đúc”. Nguyên liệu da và phụ kiện phần lớn được các xưởng nhập về từ chợ đồ da Baiyun – trung tâm hàng giả nổi tiếng của thế giới.
Những sản phẩm nhái giá rẻ sau khi xuất xưởng lại tập kết về chợ Baiyun để từ đây tỏa đi khắp thế giới. Túi nhái của những hãng đình đám thế giới như Louis Vuitton, Gucci, Prada và Hermes xuất hiện nhan nhản tại khu chợ này. Nếu được lấy ra từ các cửa hiệu và tập kết về một nơi, số lượng hàng fake của chợ Baiyun có thể lấp đầy tới 5 sân bóng.
Quái chiêu làm nhái giày hàng hiệu
Ngoài các sản phẩm túi xách fake, Quảng Châu còn nức tiếng khắp thiên hạ bởi chiêu nhái giày da hàng hiệu. Xưởng hàng giả trứ danh nằm tại Tân Thị. Chủ xưởng là người Thanh Viễn, Quảng Đông, ngoài tuổi 30. Khoảng vài năm trước, anh này khởi nghiệp với nghề sản xuất túi GUCCI nhái. Nhưng sau thời gian thăm thưng thị trường, chủ xưởng bèn chuyển sang gia công giày fake. Theo một nguồn tin tiết lộ với phóng viên Tân Hoa Xã, doanh thu của công xưởng làm nhái này hàng năm lên tới hàng chục triệu NDT . Nhưng để qua mắt cơ quan điều tra, ông chủ “giấu nhẹm” danh tính, chỉ cho phép nhân công trong xưởng gọi mình là “sếp”.
Kỷ lục sản xuất lớn nhất trong một ngày của xưởng là hơn 900 đôi giày, năng suất trung bình mỗi ngày cũng lên tới 300 – 400 đôi giày dán mác GUCCI, LV… Riêng ông chủ hàng năm tận thu 50% lợi nhuận về mình. Công đoạn làm giả cũng lắm tinh vin. Chủ xưởng thường tới Hong Kong thám thính thị trường, nắm bắt xu hướng thời trang của người tiêu dùng, sau đó gom về hàng tá tạp chí và cataloge, chủ yếu là tạp chí Nhật Bản chuyên giới thiệu những sản phẩm hàng hiệu nổi tiếng toàn cầu.
Căn cứ vào những tài liệu này, nhân công trong xưởng sẽ thoăn thoắt nhái theo. Nguyên liệu nhập về thường là loại trung bình bày bán công khai trên thị trường hoặc từ nguồn bí mật. Riêng móc khóa trên giày LV, đế giày có in thương hiệu LV hay chất liệu vải chuyên dùng cho giày GUCCI thì được đặt mua từ một xưởng khác chuyên cung ứng phụ kiện giả. Theo tiết lộ của một nguồn tin, giá gốc của một đôi giày hàng hiệu nhái tại xưởng chỉ khoảng 50 NDT (khoảng 165.000 đồng), nhưng khi xuất xưởng không bao giờ thấp hơn 100 NDT (tương đương 330.000 đồng).
Áo LACOSTE fake tràn ngập Thanh Đảo
Thanh Đảo cũng được xem là trung tâm thời trang đình đám không kém Quảng Châu với hàng loạt các hoạt động giảm giá hàng hiệu diễn ra vào dịp cuối năm. Nhưng sự thực lại khiến người tiêu dùng Trung Quốc nhiều phen “té ghế”. Trong số những sản phẩm với giá hàng nghìn NDT được bày bán trong các cửa hàng sang trọng không ít đồ có xuất xứ từ các công xưởng “dân giã kiểu made in China”. Nổi bật nhất là sản phẩm thời trang của LACOSTE và Playboy. Theo tìm hiểu của phóng viên, các xưởng sản xuất hàng hiệu fake thường nằm lẩn khuất trong các khu dân cư, tập trung đông đảo nhất phải kể tới hang ổ tại quận Lô Tùng, thành phố Chu Châu, tỉnh Hồ Nam.
Tại hang ổ này, những tấm biển hiệu của các xưởng gia công quần áo giăng mắc khắp nơi, thậm chí ngoài cổng còn trưng biển tuyển nhân công cắt may, nhân công chở hàng. Trong các xưởng may, tiếng máy tiếng người rào rào khắp không gian. Theo tiết lộ của một nhân công, chủ xưởng thường tìm mua những sản phẩm chính hãng có kiểu dáng thời trang và mới nhất trên thị trường, sau đó thuê người nghiên cứu chất lượng vải rồi tìm mua nguyên liệu sản xuất. Khi đã gom đủ các phụ kiện cần thiết, nhân công sẽ theo mẫu thiết kế được ông chủ giao cho để gia công. Khâu cuối cùng không kém phần quan trọng là dán mác hàng hiệu vào quần, áo. Thậm chí, có chủ xưởng không mua hàng chính hãng mà lên mạng lần tìm các sản phẩm hàng hiệu đang “hot” rồi dùng máy ảnh chụp lại và sai người “xào xáo”, nhào nặn thành hàng fake.
Vì vậy, những chủ xưởng tại Lô Tùng luôn được mệnh danh là “cao thủ” trong “làng” sản xuất hàng hiệu giả. Một nhân công địa phương tiết lộ, bất kể là sản phẩm hàng hiệu nào, các xưởng may tại đây đều có thể nhái lại siêu tinh vi, dễ dàng qua mắt người tiêu dùng.
Theo Đất Việt