Connect with us

Mô hình Groupon có bền vững?

Tình huống thương hiệu

Mô hình Groupon có bền vững?

Biên lợi nhuận liên tục giảm đã khiến nhiều người đặt dấu hỏi về tính bền vững của mô hình kinh doanh Groupon.

Trong chưa đầy 3 năm kể từ khi được thành lập năm 2008, Groupon đã định vị mình như một ông vua trên thị trường cung cấp các vụ giao dịch giảm giá trực tuyến. Thị trường này được hãng nghiên cứu Mỹ BIA/Kelsey dự báo sẽ tạo ra 3,9 tỉ USD doanh số bán chỉ riêng tại Mỹ trong năm 2015, từ mức 873 triệu USD của năm 2010. Vì thế, khi có thông tin Groupon chuẩn bị phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO), giới đầu tư càng lên cơn sốt.

Tuy nhiên, khi chính thức nộp hồ sơ xin phát hành IPO lên Ủy ban Chứng khoán Mỹ (SEC) vào đầu tháng 6.2011, Hãng cũng đối mặt với hàng loạt mối nghi ngờ về tính bền vững trong mô hình kinh doanh.

Mặt sau của những con số

Phải thừa nhận Groupon là công ty có tốc độ tăng trưởng nhanh không thể tin nổi. Số lượng đăng ký đã tăng lên 83,1 triệu người trong quý I/2011 từ mức 3,4 triệu cách đây một năm và số giao dịch của Groupon đã tăng lên đến 28,1 triệu từ mức 1,8 triệu. Lãi gộp của Công ty (phần còn lại sau khi đã ăn chia với các nhà kinh doanh hàng hóa/dịch vụ) đã tăng lên đến 270 triệu USD trong quý I từ mức 20 triệu USD cùng kỳ năm ngoái. Groupon hiện cung cấp phiếu giảm giá tại hơn 500 thị trường trên thế giới, so với 260 của LivingSocial.com (Mỹ), đối thủ lớn nhất của Groupon.

Đó là lý do cho việc nhà đầu tư sẵn sàng đặt cược vào sự bành trướng của Groupon trong tương lai (Tháng 3 vừa qua, Groupon đã được định giá lên tới 25 tỉ USD). Tuy nhiên, nếu nhìn vào mặt sau của những con số trên thì đó không phải là một bức tranh đẹp.

Theo Yipit Data, công ty chuyên theo dõi các website cung cấp các vụ giao dịch giảm giá trực tuyến, xét trên số tiền mà mỗi khách hàng và người đăng ký đem lại cho Groupon, doanh thu thực ra đang giảm xuống. Doanh thu mỗi người đăng ký tính đến ngày 30.6.2009 là vào khoảng 21,69 USD/người. Nhưng tính đến ngày 31.3.2011, con số này đã giảm đến 64,2%, còn chỉ hơn 7,76 USD/người. Doanh thu mỗi khách hàng mang lại cho Groupon cũng giảm 46,8% trong cùng thời gian trên. Và số vụ giao dịch Groupon thành công trên mỗi khách hàng đã giảm 34% và giá trị giao dịch trên mỗi khách hàng cũng giảm 19%.

Đó là lý do nhiều ý kiến cho rằng, mô hình kinh doanh của Groupon khó có thể thành công trong dài hạn. Vì đây là mô hình ai cũng có thể dễ dàng sao chép. Có thể thấy, hiện tại, đã có đến 482 bản sao của Groupon.

Việc Groupon hoạt động trong lĩnh vực mà ai cũng có thể vào được có nghĩa là biên lợi nhuận của Groupon sẽ sụt giảm mạnh khi ngày càng nhiều đối thủ nhảy vào. Trên thực tế, các con số trên của Groupon đã cho thấy điều đó đang diễn ra.

Hiện tại, Groupon ăn chia với các nhà kinh doanh theo tỉ lệ 50-50 trên mỗi phiếu mà Hãng bán ra. Nhưng theo trang web BusinessInsider, tại nhiều thị trường, Groupon ăn chia theo tỉ lệ 80-20, tức Hãng chỉ nhận 20% doanh số trên mỗi phiếu bán ra. Đây có phải là cách để Groupon giành thị phần ở một số thị trường mà Hãng cho là trọng yếu, hay đó chỉ là một xu hướng Nếu đó là một xu hướng thì rõ ràng biên lợi nhuận của Groupon đang lâm nguy. Như vậy, liệu nhà đầu tư có còn kỳ vọng rằng họ sẽ nhận được mức cổ tức cao từ một công ty đang đi xuống?

Gánh nặng chi phí marketing

Để bành trướng, Groupon đã tuyển lao động lên mức 7.107 người tính đến cuối tháng 3.2011, từ mức 37 người vào tháng 6.2009. Công ty cho biết, doanh thu trên mỗi nhân viên kinh doanh trong quý I là 170.000 USD/tháng, tăng từ mức 87.000 USD cách đây 2 năm. Nhờ đó, doanh số bán của Groupon đã tăng gấp hơn 14 lần, đạt 644,7 triệu USD trong quý vừa qua. Tuy nhiên, theo ông Pat Becker Jr., nhà quản lý danh mục đầu tư tại Becker Capital Management (công ty này quản lý 2,5 tỉ USD tài sản của khách hàng), chi phí marketing lại tăng trưởng nhanh hơn cả doanh số bán. Điều đó có nghĩa là Groupon có thể không kiếm đủ tiền để bù vào chi phí.

Quả thực, chi phí marketing là khoản chi lớn nhất của Hãng khi đã lên tới 208,2 triệu USD trong quý I/2011. Công ty cũng đã bỏ ra 179,9 triệu USD để gia tăng lượng người đăng ký nhằm cạnh tranh với đối thủ LivingSocial.com. Groupon cho rằng, mức chi phí đó là xứng đáng. Trong hồ sơ gửi lên SEC, Công ty nhấn mạnh việc chi 18 triệu USD đã giúp gia tăng thêm 3,7 triệu người đăng ký trong quý II năm 2010. Đến quý I năm nay, những cá nhân đó đã tạo ra 145,3 triệu USD doanh thu và 61,7 triệu USD lãi gộp.

Tuy nhiên, mức chi quá lớn đã khiến Công ty bị lỗ ròng 117,1 triệu USD trong quý I/2011. Nếu tính từ năm 2008, con số này lên tới 540,2 triệu USD.

Về vấn đề này, trong hồ sơ nộp lên SEC, Groupon giải thích, một khi đã giành được thị trường thì chi phí marketing sẽ giảm xuống. Tuy nhiên, theo A.B. Mendez, chuyên gia phân tích thuộc GreenCrest Capital Management LLC ở New York, với mức chi cho marketing quá lớn thì sẽ rất lâu Groupon mới có thể đạt được mức sinh lời. “Cũng chưa rõ là biên lợi nhuận dài hạn của họ là như thế nào hoặc khi nào thì họ mới có thể đạt được mức sinh lời ổn định”, ông nói.

Biên lợi nhuận sa sút, mô hình kinh doanh thì dễ dàng kết nạp thêm người chơi. Vậy để tồn tại và phát triển, lợi thế cạnh tranh lâu dài của Groupon là gì? Đó là câu hỏi quan trọng nhất mà nhà đầu tư đặt ra cho Groupon. Nói cho cùng, khi đầu tư vào một công ty, cái họ mong muốn là lợi nhuận mà khoản đầu tư mang lại. Vì thế, việc trút vốn vào một công ty có tốc độ tăng trưởng nhanh nhưng làm ăn không có lãi thì dường như không phải là việc làm khôn ngoan.

Theo NCĐT

Click để bình luận

Nhập bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

7 − 3 =

To Top