Connect with us

Masan: Đi đúng bài, chọn đúng người

Tin trong nước

Masan: Đi đúng bài, chọn đúng người

Giữa lúc thị trường chứng khoán Việt Nam đang ảm đạm, việc tập đoàn Masan bán 10% cổ phần trong công ty con Masan Consumer cho Kohlberg Kravis Roberts & Co. L.P. (KKR), quỹ đầu tư tư nhân hàng đầu ở Mỹ, là một điểm đáng chú ý. Với tổng giá trị giao dịch 159 triệu USD, giá trị của Masan Consumer lên tới gần 1,6 tỉ USD.

Cổ phiếu của tập đoàn Masan, công ty mẹ, liên tục tăng mạnh trong những ngày qua, đẩy giá trị thị trường công ty này lên gần 45,8 ngàn tỉ đồng, xấp xỉ 2,3 tỉ USD.

Theo tổng kết của Masan, chỉ trong vòng hai năm qua tập đoàn này đã huy động được gần 500 triệu USD vốn đầu tư tư nhân từ các quỹ đầu tư tên tuổi của nước ngoài, một điều mà nhiều doanh nghiệp Việt Nam khác, trong tình hình chi phí vốn cao như hiện nay, đang khao khát.

Năm năm, giá trị tăng trên 40 lần

Điều gì khiến một doanh nghiệp ngoài nhà nước có thể vươn nhanh như vậy? Nhóm công ty Masan, theo các thành viên sáng lập, được gầy dựng từ năm 1996, bắt đầu từ hoạt động kinh doanh mì ăn liền và các loại nước tương, nước chấm sang thị trường các nước Liên Xô cũ. Tên tuổi Masan chỉ bắt đầu được biết đến kể từ năm 2003, khi bắt đầu xâm nhập thị trường Việt Nam với các loại nước tương nhãn hiệu Chin Su. Ngành hàng này đem lại nhiều thành công cho công ty.

Cho đến năm 2007, lợi nhuận của công ty cũng chỉ ở mức 7 triệu USD, và giá trị ròng tài sản khoảng 37 triệu USD. Như vậy, chỉ trong vòng năm năm, giá trị ròng công ty thực phẩm Masan (mới được đổi tên thành công ty cổ phần hàng tiêu dùng Masan) so với giá thị trường hiện nay, đã tăng trên 40 lần. Sau giao dịch với KKR, tập đoàn Masan vẫn giữ trên 78% cổ phần trong công ty Masan Consumer.

Tập đoàn Masan còn được biết đến nhờ hai tài sản đáng kể khác: 20% của Techcombank và 64% trong công ty Masan Resources đang có quyền khai thác dự án quặng hợp kim Núi Pháo. Dự án khai khoáng cũng là một thương vụ quan trọng của Masan trong năm qua.

Ngay sau khi mua lại được phần chủ yếu trong dự án này từ một quỹ đầu tư do Dragon Capital quản lý, giá trị của dự án đã tăng gấp ba lần nhờ việc bán 20% cổ phần cho Mount Kellett Capital Management, một quỹ đầu tư tư nhân nước ngoài.

“Masan biết chơi đúng bài,” là nhận xét của một nhà đầu tư giấu tên. Bài ở đây là đường đi nước bước về quản lý công ty và kêu gọi vốn theo tiêu chuẩn quốc tế. Hai cổ đông lớn nhất của tập đoàn này đều là người Việt Nam: ông Nguyễn Đăng Quang giữ vị trí chủ tịch và ông Hồ Hùng Anh, phó chủ tịch hội đồng quản trị.

Giới đầu tư biết nhiều về tổng giám đốc điều hành, ông Madhur Maini, một chuyên viên đầu tư kỳ cựu có 14 năm làm việc tại các ngân hàng đầu tư Merrill Lynch và Deutsche Bank. Kể từ khi ông Maini tham gia công ty này từ cuối năm 2009, Masan liên tục gọi được vốn từ những quỹ đầu tư lớn: BankInvest, TPG, IFC…

Sau khi mua lại cổ phần của Dragon Capital trong dự án Núi Pháo hồi tháng 10.2010, Masan thuê ngay một đội ngũ quản trị nước ngoài về điều hành công ty khai khoáng. Hai tháng sau đó, Goldman Sachs cho Masan vay 30 triệu USD vốn có thể chuyển đổi thành trái phiếu. Theo đánh giá của chính các nhà đầu tư tài chính nước ngoài, việc thu hút được những tên tuổi lớn như IFC, TPG, Golman Sachs… khiến cho những bước gây quỹ tiếp theo từ những quỹ lớn khác cũng dễ dàng hơn.

Giá trị công ty: thực hay ảo?

Masan là một trong số ít các công ty Việt Nam thực hiện được các bước quản trị và đầu tư bài bản: từ việc chuyên nghiệp hoá hệ thống quản trị doanh nghiệp, đến việc chọn ngành thực phẩm và khai khoáng, những lĩnh vực có lợi nhuận cao.

Về mặt khai khoáng, tuy chưa có kinh nghiệm gì, nhưng Masan lại có lợi thế một công ty trong nước, hiểu tình hình và biết cách xử lý vấn đề hơn nhà đầu tư nước ngoài. Ngay cả trong lĩnh vực ngân hàng, Techcombank cũng là một trong những đơn vị có đối tác chiến lược có tên tuổi như HSBC nắm giữ 20% cổ phần với giá được đánh giá là không thấp.

Giới chuyên môn chưa đưa ra đánh giá chính thức về giao dịch vừa rồi của Masan với KKR, chủ yếu với lý do là có quá ít thông tin về cơ cấu, điều kiện của khoản đầu tư này. Trong hoàn cảnh các công ty Việt Nam đều đang khó khăn về vốn hiện nay, khoản đầu tư này là một thắng lợi khá lớn cho Masan.

Với giá trị công ty gần 46 ngàn tỉ đồng hiện nay, Masan đã vươn lên vị trí bluechip trên thị trường, chỉ đứng sau Vietcombank, Bảo Việt và Vincom. Nhiều ý kiến cho rằng số lượng cổ phiếu giao dịch quá ít chưa đủ để đánh giá vốn hoá của công ty. Số lượng giao dịch trung bình trong ngày qua của cổ phiếu này chỉ khoảng vài chục ngàn cổ phiếu, một tỷ lệ nhỏ so với tổng số cổ phiếu niêm yết.

Gần 80% cổ phiếu Masan Group hiện nay do các cổ đông chủ chốt nắm giữ, hơn 15% là do các nhà đầu tư nước ngoài giữ. Lợi nhuận của tập đoàn này trong năm qua là 2,7 ngàn tỉ đồng, nhưng hội đồng quản trị đã ra đề xuất không chia lời mà giữ lại hoàn toàn. Với việc các cổ đông chính nắm đa số, quyết định này chắc chắn sẽ được thông qua tại đại hội nghị cổ đông Masan vào ngày 24.4 tới đây.

Theo SGTT

Có thể bạn quan tâm...
Click để bình luận

Nhập bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

12 + 4 =

To Top