Connect with us

Kinh doanh điện máy: Cuộc sàng lọc bắt đầu

Tin trong nước

Kinh doanh điện máy: Cuộc sàng lọc bắt đầu

Sau hơn một năm ồ ạt xuất hiện, ngành kinh doanh điện máy đang chứng kiến “cuộc ra đi” của nhiều thương hiệu. Đây là điều tất yếu khi thị trường đang vào giai đoạn sàng lọc.

Những bước chân không âm thầm

Năm 2010, ngành kinh doanh điện máy – điện tử chứng kiến cuộc đua tăng tốc giành thị phần của các doanh nghiệp (DN) trong nước. Đã có khá nhiều trung tâm điện máy được khởi công xây dựng cùng với nó là một loạt điểm mới khai trương.

Theo thống kê của giới kinh doanh, có gần 10 siêu thị điện máy ra đời trong năm này. Nếu như Điện máy Chợ Lớn khai trương 2 trung tâm mua sắm mới thì Thiên Hòa, Nguyễn Kim cũng đưa vào hoạt động các trung tâm kinh doanh mới ở những vị trí đắc địa của TP.HCM.

Cũng trong năm nay, thị trường chứng kiến ba “tân binh” là Thegioidientu.com, Wonderbuy và Home One. Những “tân binh” này “chào sân” bằng các chương trình khuyến mãi, giảm giá khá ấn tượng.

Thế nhưng, chỉ chưa đầy một năm kinh doanh, một số “tân binh” đã “ra đi” cũng ồn ào như lúc họ mới vào. Đó là trường hợp của Wonderbuy. Vào giữa tháng 6 vừa qua, Ban lãnh đạo Công ty CP điện máy – máy tính – viễn thông Hợp Nhất, đơn vị sở hữu thương hiệu Wonderbuy đã chính thức tuyên bố phá sản.

Theo đó, Công ty này công bố lỗ hơn 52 tỷ đồng, trong đó, gồm tiền thuê mặt bằng, tiền hàng hóa của các nhà cung cấp. Nguyên nhân phá sản, theo ông Phan Thanh Hà, Tổng giám đốc Công ty Hợp Nhất là do chi phí mặt bằng quá cao.

Trước đó, không ồn ào như Wonderbuy nhưng siêu thị điện máy Lộc Lê, Vietnamshop.com cũng đã âm thầm đóng cửa. Lý do khiến các siêu thị này “loại khỏi sân chơi” là do quá vắng khách trong khi vốn đầu tư thì có hạn.

Hiện nay, giới kinh doanh đang đồn đoán rằng Công ty TNHH điện máy điện lạnh Hoàng Linh, ( 190 Quang Trung, P.10, Gò Vấp, TP.HCM) cũng sắp theo chân Wonderbuy.

Bởi, gần 1 tháng nay, siêu thị này chưa mở cửa ngày nào. Các thương hiệu khác như Ideas, Home One… gần như rất ít khách “viếng thăm”. Trong đó, Ideas dù đang sở hữu hai mặt bằng hoành tráng trên đường Cách Mạng Tháng Tám (Q.3) và Nguyễn Tri Phương (Q.5) nhưng cả hai trung tâm của Ideas đều trong cảnh nhân viên nhiều hơn người mua.

Trong khi các thương hiệu nhỏ đã và đang đối mặt với nguy cơ đóng cửa thì các thương hiệu lớn cũng gặp không ít khó khăn vì sức mua kém. Khảo sát thực tế cho thấy, hiện nay, nhiều siêu thị ở xa trung tâm thành phố sức mua rất kém.

Chẳng hạn như chi nhánh siêu thị Thiên Hòa (đường Quang Trung, Gò Vấp), Nguyễn Kim (đường Lý Thường Kiệt, Tân Bình), Điện máy Chợ Lớn (chi nhánh trên đường Cách Mạng Tháng Tám, Tân Bình)… cũng trong tình trạng vắng khách.

Quy luật tất yếu

Theo giới kinh doanh, thị trường điện máy năm 2011 đang đối mặt với nhiều khó khăn. Trong đó, sức mua giảm mạnh, người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, thêm vào đó là các chi phí duy trì hoạt động tăng… càng đẩy mức rủi ro kinh doanh của ngành tăng cao.

Ông Đinh Anh Huân, Tổng giám đốc Công ty dienmay.com, chuỗi hệ thống kinh doanh sản phẩm điện tử, điện máy gia dụng thành lập cuối năm 2010 và vừa được đổi tên, cho biết, kể từ cuối quý 1/2011 đến nay, sức mua trên thị trường điện máy giảm sút nghiêm trọng.

Ngay cả thời điểm nắng nóng nhất trong năm (tháng 5) nhưng sức mua cũng đã giảm đến 50% so với cùng kỳ năm. Cùng nhận định này, ông Nguyễn Minh Thư, Phó tổng giám đốc Trung tâm điện máy Thiên Hòa, cho rằng, kinh doanh tại thời điểm hiện tại hết sức bấp bênh, cung đang vượt cầu càng khiến sức ép cạnh tranh giữa các nhà phân phối, bán lẻ càng khốc liệt.

Việc duy trì và vận hành các trung tâm điện máy đối với những nhà bán lẻ có thâm niên trong lĩnh vực cũng không đơn giản. Sau sự cố Wonderbuy, các nhà phân phối đã quản lý chặt chẽ hơn trong hình thức thanh toán và thời gian trả nợ với nhà bán lẻ.

Điều này khiến các doanh nghiệp kinh doanh điện máy phải tính toán lại việc kinh doanh của mình. Vì thực tế hiện nay, theo tiết lộ của đại diện một thương hiệu điện máy có tiếng tại TP.HCM, kinh doanh điện máy đang trong tình trạng “thu không đủ bù chi”.

Đối diện với những khó khăn trên, các doanh nghiệp lớn, trường vốn và nhiều kinh nghiệm đang ra sức kích cầu bằng các chương trình khuyến mãi, giảm giá với tổng trị giá lên đến hàng tỷ đồng.

Và “cuộc đua trên thị trường điện máy hiện nay diễn ra hằng ngày chứ không còn tính theo tháng hay năm” như lời của vị đại diện một thương hiệu kinh doanh điện máy tại TP.HCM chia sẻ. Không chỉ cạnh tranh bằng khuyến mãi, giảm giá bán, các doanh nghiệp còn cạnh tranh bằng chế độ hậu mãi, dịch vụ bán hàng…

Giới kinh doanh điện máy nhận định, đây là một cuộc sàng lọc lớn trong ngành kinh doanh điện máy và sẽ còn tiếp diễn trong thời gian tới. Trong “cuộc chơi” này, những thương hiệu nào trường vốn, có kinh nghiệm và tạo dựng được uy tín sẽ tồn tại. 

Theo DNSG

Có thể bạn quan tâm...
Click để bình luận

Nhập bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

3 × three =

To Top