Connect with us

Khi các đại gia FPT, Vinamilk ‘bẻ lái’

Tình huống thương hiệu

Khi các đại gia FPT, Vinamilk ‘bẻ lái’

Trong khủng hoảng, nhiều doanh nghiệp lớn thuộc ngành hàng tiêu dùng hay viễn thông đã nắm bắt được cơ hội để tăng tốc phát triển.

Vinamilk: Ðầu tư ra nước ngoài

Nhắc đến ngành hàng tiêu dùng, không thể không nhắc đến Vinamilk, “cỗ máy” in tiền hoạt động đều đặn ngay cả trong thời buổi khủng hoảng. Tính đến hết 9 tháng năm 2011, doanh thu và lợi nhuận của VNM đều tăng vọt so với cùng kỳ năm ngoái, tương ứng là 34,8% và 10,1%. Dấu hiệu tích cực thể hiện ở tăng trưởng doanh thu cao của hoạt động sản xuất kinh doanh chính.

Nguyên nhân là VNM đẩy mạnh chiến dịch marketing các sản phẩm có tỷ suất lợi nhuận biên cao như: sữa chua, sữa nước và nước giải khát (Vfresh). Ngoài ra, khoản lợi nhuận 3.176 tỷ đồng của VNM được củng cố thêm bởi các yếu tố như: thu nhập lãi tiền gửi, lãi trái phiếu doanh nghiệp khác và tiền hỗ trợ từ nhà cung cấp. Tổng lượng tiền mặt gửi ngân hàng lên đến 2.900 tỷ đồng, chiếm 20,2% tổng tài sản của Vinamilk tính đến quý III/2011.

Thế mạnh của Vinamilk thể hiện trong chiến lược phát triển là bám sát vào ngành nghề kinh doanh chính: sản xuất và chế biến sữa. Không những chú trọng phát triển các trang trại sữa trong nước, VNM đã tiên phong đầu tư dự án sữa ở nước ngoài. Năm 2010, Bộ Kế hoạch & Đầu tư đã cấp giấy phép đầu tư cho VNM góp vốn 19,3% cổ phần của Miraka Limited tại New Zealand.

Mục đích chính là rót vốn vào dự án nhà máy sữa tại New Zealand có công suất chế biến 32.000 tấn sữa bột/năm, trong đó, nguồn sữa tươi được thu mua ngay tại địa phương. Dự án đầu tư 1.623 tỷ đồng này sẽ nâng tổng công suất của Vinamilk thêm 5%, lên mức 709.150 tấn/năm. Khi nhà máy chính thức đi vào hoạt động (dự kiến tháng 8/2012), doanh thu của Vinamilk hứa hẹn tốc độ tăng trưởng vững trãi nhờ việc mạnh dạn đầu tư vào tài sản cố định.

Đối với doanh nghiệp đạt đến tầm kinh tế quy mô (economy of scale) như VNM, tập trung vào sản xuất chính để gia tăng thị phần cũng như việc kiểm soát tốt chuỗi cung ứng càng củng cố niềm tin của giới đầu tư vào “đại gia” này. VNM đã điều hành tài chính khá nhanh nhạy. Cân đối giữa lượng tiền gửi, tiền vay, tiền từ hoạt động sản xuất kinh doanh chính để phục vụ hoạt động đầu tư mở rộng sản xuất.

Trong quý II, VNM phát hành riêng lẻ thành công 10,7 triệu cổ phần cho 5 nhà đầu tư với mức giá 129.359 đồng/cp để trả hết khoản nợ vay ngân hàng hơn 1.000 tỷ đồng. Đáng nói là lượng cổ phần phát hành chỉ chiếm tỷ lệ sở hữu 5%, không gây hiệu ứng pha loãng lớn cho cổ đông hiện hữu. Chi phí sử dụng vốn chủ sở hữu hiện đang rẻ hơn so với chi phí vốn vay 19 – 22%/năm, nhưng tỷ lệ thành công rất thấp do yếu tố thị trường.

Ngoại lệ trong việc phát hành thành công Vinamilk cho thấy, sức hút của doanh nghiệp hàng tiêu dùng lớn tới mức nào và sự quan tâm đặc biệt của khối ngoại (NĐTNN luôn nắm giữ kín room 49% đối với VNM). Cho dù kinh tế tăng trưởng chậm lại, Vinamilk không bị chệch hướng chiến lược phát triển tập trung vào ngành nghề cốt lõi và khép kín chuỗi cung ứng để gia tăng lợi nhuận. Mở rộng đầu tư ra nước ngoài là cách đón đầu cơ hội phát triển mới cho Vinamilk.

 

FPT: Hoàn thiện tái cấu trúc mô hình

Khác với Vinamilk, FPT phải trải qua quá trình tái cấu trúc theo chiều sâu: cắt giảm tỷ trọng mảng kinh doanh kém hiệu quả (tài chính, bất động sản, bán lẻ) và tập trung khai thác mảng kinh doanh truyền thống (viễn thông, phần mềm). Các mảng kinh doanh có tỷ suất lợi nhuận cao và tốc độ tăng trưởng mạnh đang được công ty chú trọng. Đơn cử như kinh doanh giáo dục có tỷ suất lợi nhuận biên trên 30% và nội dung số là 21,4%, đồng thời mức tăng trưởng doanh thu tương ứng rất ấn tượng là 81,2% và 394% trong vòng 1-2 năm trở lại đây.

Ngành công nghệ cũng chịu ảnh hưởng nhẹ khi kinh tế suy thoái, doanh thu của tập đoàn FPT lũy kế trong 9 tháng đầu năm có dấu hiệu giảm nhẹ (5,3%) so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, lợi nhuận biên lại tăng hơn 19,5%, đạt 1.508 tỷ đồng, phản ánh kết quả của quá trình tái cấu trúc mô hình hoạt động: gia tăng hoạt động kinh doanh có tỷ suất sinh lời cao (phát triển phần mềm, tích hợp hệ thống) và thắt chặt quản lý chi phí. Kể từ năm 2008, FPT đã bắt đầu khắc phục một nước cờ sai để phát huy thế mạnh công nghệ sẵn có, cũng như tận dụng tối đa mối quan hệ với các cơ quan nhà nước trong việc bán sản phẩm công nghệ.

Tuy nhiên, tàn dư của các khoản đầu tư “tay ngang” của FPT vẫn còn, chiếm tỷ trọng 5,2% tổng tài sản, đáng kể nhất là khoản góp vốn sở hữu 16,9% cổ phần Ngân hàng Tiên Phong, được hạch toán là công ty liên kết.

Năm 2010, FPT đã giải ngân thêm 265 tỷ đồng cho việc tăng vốn điều lệ của ngân hàng từ 1.250 tỷ lên 3.000 tỷ đồng, trong khi tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) của ngân này chỉ ở mức 5-8% (so với các NHTM khác là trên 18%). Nếu quá trình tăng vốn của Tiên Phong Bank tiếp diễn để đảm bảo mức độ an toàn vốn theo chỉ thị của Ngân hàng Nhà nước, FPT vẫn phải trăn trở với bài toán: theo đuổi khoản đầu tư kém hiệu quả đến cùng hay thoái vốn để tập trung nguồn lực cho mảng kinh doanh chính.

Xét trên phương diện tài chính, FPT có dòng tiền dồi dào, ổn định từ hoạt động sản xuất kinh doanh, bù đắp cho hoạt động đầu tư và hoạt động tài chính. Tập đoàn này rất tích cực vay đảo nợ trong kỳ với tổng giá trị vốn vay và đáo hạn trong 9 tháng lên tới 7.200 tỷ đồng, cao hơn gần 3 lần dư nợ vay ngắn hạn là 2.300 tỷ đồng.

Với quy mô lớn, điều hành tài chính linh hoạt tỏ ra quan trọng để tập đoàn không bị đói vốn, thiếu lượng tiền mặt cần thiết. Các khoản phải thu, hàng tồn kho, tiền mặt đều chiếm tỷ lệ khá cân xứng trên bảng cân đối kế toán.

Gần đây, FPT công bố mua lại trái phiếu trước hạn với tổng mệnh giá 1.000 tỷ đồng có kèm theo chứng quyền (*) với 2 lý do căn bản:

Thứ nhất, thay vì lượng tiền mặt dư dả, FPT sẽ giảm áp lực trả lãi do khoản vay ngoại tệ, nên phải chịu thêm chênh lệch tỷ giá hối đoái USD/VND.

Thứ hai, FPT muốn chống lại nguy cơ bị thâu tóm do trái phiếu có kèm theo chứng quyền (nghĩa là quyền mua cổ phiếu với mức giá không hề rẻ 65.000đ/cp), có thể gây nên hiệu ứng pha loãng cổ phần. Sức khỏe tài chính và thế mạnh quản trị của tập đoàn lọt vào tầm ngắm của nhà đầu tư tổ chức, đặc biệt các quỹ nước ngoài. Quá trình hoàn thiện tái cấu trúc đã mở ra cơ hội phát triển cho FPT trở thành tập đoàn công nghệ lớn bất chấp tác động của khủng hoảng.

Dưới góc độ của hai doanh nghiệp lớn như: Vinamilk hay FPT, khủng hoảng thực sự tạo ra cơ hội để doanh nghiệp thay đổi chính mình. Mạnh dạn tham gia cơ hội đầu tư mới hay tái cấu trúc lại mô hình là hành động tích cực đón đầu với thách thức, dẫu cho kinh tế vĩ mô được dự báo chưa có nhiều khởi sắc trong năm 2012.

Theo DĐDN

Click để bình luận

Nhập bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

10 − four =

To Top