Connect with us

Hàng Việt còn bất cập với truyền thông

Tin trong nước

Hàng Việt còn bất cập với truyền thông

Không chỉ thiếu ý thức, thiếu tiền chi cho hoạt động truyền thông, phần lớn các nhà sản xuất kinh doanh hàng Việt Nam còn khó tạo ấn tượng nơi người tiêu dùng, do những thông điệp quảng cáo mờ nhạt.

Nhựa Đại Đồng Tiến tung ra hộp đựng thực phẩm sản xuất theo công nghệ kháng khuẩn nano. Công ty này chọn cách dùng giá thành rẻ, dùng chất lượng tự thân của sản phẩm để xâm nhập vào đời sống người tiêu dùng thay vì quảng bá thật mạnh cho ưu điểm hàng hoá.

Qua quan sát tại hội chợ Hàng Việt Nam chất lượng cao vừa qua, rất ít người biết đến Đại Đồng Tiến có sản phẩm này cũng như hiểu về sự nổi trội của công nghệ nano.

Không chỉ tại thiếu tiền?

Giới thiệu sản phẩm theo kiểu hữu xạ tự nhiên hương, dường như điều này chỉ phù hợp với thị trường hàng chục năm trước, thời điểm hàng hoá ngoại nhập chưa nhiều, cùng loại sản phẩm chưa đa dạng và lẫn lộn thượng vàng hạ cám như hiện nay.

Ông Võ Văn Tân, giám đốc công ty cổ phần thời trang Việt Tây đã mở được hệ thống cả chục cửa hàng bán lẻ sản phẩm tại TP.HCM, nhưng nay ông vẫn chưa tính được phải đầu tư bao nhiêu để người tiêu dùng biết đến thương hiệu và sản phẩm của công ty nhiều hơn nữa.

Ông Tân bảo: “Nếu bỏ tiền làm quảng cáo tốn đến hàng tỉ đồng, công ty mới ra đời không thể làm nổi vì đã chọn phân khúc thị trường là người tiêu dùng có thu nhập trung bình và thấp. Muốn có tiền để quảng cáo, phải đẩy giá thành sản phẩm lên cao, như vậy lợi thế giá rẻ sẽ mất đi…”

Bánh Đức Phát làm trà linh chi không chứa chất bảo quản, không phẩm màu, nhưng ông Lê Vy Vy, phụ trách kinh doanh ngành nước giải khát của Đức Phát cho rằng: “Sản phẩm của Đức Phát bán giá rẻ nên mức lãi không cao. Nếu đầu tư cho quảng cáo, cho làm thương hiệu thì không có chi phí…”

Những chuyện trên phần nào phản ánh hiện trạng các doanh nghiệp Việt Nam vẫn ngại truyền thông về sản phẩm vì sợ tốn kém. Cách làm này khác hẳn với các hãng nước ngoài hoặc một số công ty lớn của Việt Nam là bỏ tiền để đầu tư truyền thông trước, kéo doanh thu sản phẩm lên sau.

Qua thời hữu xạ tự nhiên hương

Tại hội chợ Hàng Việt Nam chất lượng cao vừa qua, nhiều bà nội trợ cho biết không thể phân biệt được chiếc hộp nhựa làm từ công nghệ nano kháng khuẩn khác với chiếc hộp bình thường thế nào nếu không có truyền thông. Áo mưa thời trang của công ty Quang Vinh đã được nhà sản xuất truyền thông bằng các catalogue, bằng hình ảnh “cây nhà lá vườn” (dùng con em trong nhà chụp ảnh), giá chỉ bằng 50% hàng ngoại nhập…

Nhưng người mua nó chưa thấy được việc thêm vào độ dầu trong chất liệu vải để chiếc áo mưa trở thành sản phẩm thời trang phù hợp được với xứ lạnh miền Bắc, hay màu sắc hoa văn lấp lánh phù hợp với các loại xe tay ga sơn nhũ theo mốt hiện hành. Trà Tam Thanh của Bidrico làm từ mười loại thảo mộc, trà linh chi của Đức Phát tốt cho sức khoẻ, nhưng vẫn không bán mạnh bằng trà C2, trà Yinyang, trà Lipton Icetea của các công ty nước ngoài được truyền thông nhiều hơn.

Ngày 5.5, công ty nghiên cứu thị trường Cimigo đã công bố kết quả khảo sát với hơn 22.000 đánh giá đã được ghi nhận cho hơn 140 quảng cáo truyền hình (TVC). Theo đó, top mười quảng cáo thành công nhất (về hiệu quả tác động đến người tiêu dùng) là Vinamilk, Simply, Heineken, Omo, Ajinomoto, Coca-Cola, Knorr, Close Up, Beeline.

Trong số này, hai mẩu quảng cáo của Vinamilk đứng đầu top mười. Theo ông Richard Burrage, giám đốc điều hành Cimigo, những quảng cáo thành công nhất đều có điểm nhấn sáng tạo vững chắc để thu hút sự chú ý của khán giả. Những quảng cáo cần quá nhiều lời thuyết minh là một dấu hiệu chắc chắn của việc thiếu ý tưởng đơn giản.

Ngoài ra, nhiều TVC thành công vì đã gây xúc động, bằng cách đề cao trách nhiệm xã hội, niềm tự hào, giá trị gia đình hay phong tục cổ truyền để kết nối tình cảm của khán giả đối với nhãn hiệu. Những chiến dịch đặt con người lên trước nhãn hiệu thường có tác động mạnh mẽ hơn những chiến dịch mà một nhãn hiệu không ngừng nói về bản thân nó.

Kết quả cho thấy những mẩu quảng cáo thành công của thương hiệu Việt Nam chiếm số ít và đều là những mẩu phải chi nhiều tiền, sử dụng dịch vụ của nước ngoài để thực hiện.

Với quy mô và vốn liếng hạn chế của đa số doanh nghiệp Việt Nam hiện nay, đi tìm nơi cung cấp dịch vụ có chất lượng với giá cả phù hợp quả không dễ.

Khi tìm kiếm dịch vụ truyền thông cho trà Tam Thanh, ông Nguyễn Đăng Hiến, tổng giám đốc Bidrico kể: “Khi tôi đặt hàng để làm hẳn chiến lược truyền thông dài hạn, có chuyên gia đã đề nghị không tính tiền thực hiện, mà tính phần trăm trên lợi nhuận sau đó. Nhưng tôi hỏi lại nếu thất bại thì sao, vị chuyên gia này không có cam kết gì cả. Tôi đành ngưng và chỉ dùng cách truyền thông mà nhân viên nội bộ đề xuất”.

Theo SGTT

Click để bình luận

Nhập bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

nineteen − 12 =

To Top