Connect with us

Doanh nghiệp Việt chinh phục những thị trường “khó chơi”

Tin trong nước

Doanh nghiệp Việt chinh phục những thị trường “khó chơi”

Sau khi thành công ở các thị trường lớn, nhiều tập đoàn Việt Nam như Vinamilk, Viettel, FPT chấp nhận thử thách tại những nơi xa và khó như châu Phi, Trung Đông… để mở rộng quy mô phát triển.

Bên cạnh thị trường EU, Trung Đông là điểm đến của Công ty cổ phần sữa Việt Nam (Vinamilk). Sau một năm bị gián đoạn do những biến động về chính trị, Vinamilk đã trở lại Trung Đông năm 2004 bằng việc trúng thầu một hợp đồng xuất khẩu 15.000 tấn sữa bột trẻ em trị giá hơn 51 triệu USD.

Bà Mai Kiều Liên, Chủ tịch hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Vinamilk, cho biết từ năm 1997, Vinamilk đã xuất khẩu trực tiếp vào thị trường Trung Đông.

Việc quay trở lại thị trường này sau thời gian gián đoạn đã chứng tỏ chỗ đứng của sản phẩm Việt Nam ở đây. Tại những thị trường khác như Mỹ, Australia, sản phẩm Vinamilk đều được xuất khẩu trực tiếp bằng nhãn hiệu của mình với kim ngạch từ 1 đến 2 triệu USD mỗi năm.

Theo bà Liên, thay vì đối đầu, Vinamilk chủ động liên doanh với các đối tác nước ngoài để tận dụng những điểm mạnh của họ cho sự phát triển. Đó là hệ thống phân phối trên toàn thế giới, chiến lược marketing toàn cầu… của các tập đoàn lớn.

Hiện tại, hoạt động xuất khẩu đem về doanh số khoảng 130 triệu USD mỗi năm cho Vinamilk. Trong đó, Trung Đông, Campuchia, Philippines và Australia là các thị trường xuất khẩu chính.

Bên cạnh Vinamilk, thị trường Trung Đông cũng là đích nhắm đến của nhiều doanh nghiệp hải sản, nông nghiệp Việt Nam. Ảrập Xêút, Ai Cập và các tiểu Vương quốc Ả rập thống nhất là những nước nhập khẩu thực phẩm lớn nhất của Việt Nam trong giai đoạn 2010 – 2011.

Viettel đầu tư vào Haiti

Con số trên vừa được Hiệp hội sản xuất và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) công bố trong một bản báo cáo thương mại. Sản phẩm cá tra đông lạnh vẫn là mặt hàng xuất khẩu chiến lược ở các thị trường này.

Cá tra đông lạnh xuất khẩu đã tăng 10% về số lượng và 24% về giá trị. Tiếp sau sản phẩm này là tôm đông lạnh và cá ngừ đóng hộp. Nguồn cung trong nước dồi dào, giá cả ổn định và hàm lượng cholesterol thấp là những yếu tố thuận lợi giúp cho lượng xuất khẩu cá tra của Việt Nam sang thị trường Trung Đông ngày càng tăng.

Xuất khẩu dịch vụ di động ra nước ngoài là xu hướng tất yếu trong bối cảnh thị trường viễn thông Việt đang tiệm cận ngưỡng bão hòa. Ngoài 2 thị trường láng giềng là Lào và Campuchia, FPT và Viettel đang xúc tiến đầu tư viễn thông, công nghệ thông tin vào những thị trường xa, nghèo và cũng khó khăn nhất – châu Phi.

Mới đây, FPT và Công ty 21st Century của Nigeria đã ký biên bản ghi nhớ (MOU) hợp tác chiến lược trong lĩnh vực viễn thông, giáo dục và sản xuất thiết bị. Trong khi đó, Viettel đã nhận được giấy phép đầu tư viễn thông tại Mozambic. Bên cạnh đó, tập đoàn này cũng vừa khai trương mạng di động tại Haiti.

Giải thích về lý do tiến ra các thị trường rất xa và khó như Nigeria, Mozambic và đặc biệt là Haiti, lãnh đạo Viettel và FPT cho biết, các thị trường dễ dàng đã “hết cửa”.

Trong khi đó, ra nước ngoài là con đường duy nhất để mở rộng quy mô phát triển khi thị trường trong nước bắt đầu trở nên chật chội. Đây là lý do cả 2 tập đoàn đều chọn hướng đi xuất ngoại, bất chấp khó khăn của khủng hoảng kinh tế.

“Trong chuyến công tác hai tuần tại Nigeria, đơn vị đã tiến hành nghiên cứu và khảo sát tình hình kinh tế vĩ mô của đất nước này và đầu tàu kinh tế là thành phố Lagos. Sau khi đánh giá SWOT (5 bước hình thành chiến lược sản xuất, kinh doanh), công ty đã quyết định tham gia vào lĩnh vực bán lẻ ICT tại nước này”, Giám đốc Điều hành FPT Trading Hà Nội, Nguyễn Quang Minh chia sẻ.

Theo Cục đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, lượng vốn của các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư ra nước ngoài đang chuyển biến rõ rệt từng năm. Việt Nam có trên 600 dự án đầu tư nước ngoài có hiệu lực với tổng vốn đăng ký hơn 10 tỷ USD và vốn thực hiện đạt hơn 2 tỷ USD.

Trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế, nhiều doanh nghiệp có tâm lý co cụm để đảm bảo an toàn thì một số khác vẫn hăng hái trong việc tìm kiếm thị trường mới, thậm chí ở những nơi bị coi là vô cùng khó khăn.

Theo đánh giá của những tập đoàn này, khủng hoảng cũng là một cơ hội nếu biết tận dụng. Tuy nhiên, việc tận dụng cơ hội này ra sao cũng cần phải có thời gian mới có câu trả lời chính xác.

Các chuyên gia cũng dự báo về xu hướng và cơ hội xuất khẩu trong năm 2012, tuy khủng hoảng khu vực đồng euro và tác động của nó đối với tình hình xuất khẩu của các nước đang phát triển nhưng Việt Nam vẫn cho thấy có sự tăng trưởng ổn định.

Theo vnexpress

Click để bình luận

Nhập bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

four × four =

To Top