Connect with us

“Đổi ngựa” để cạnh tranh

Tin trong nước

“Đổi ngựa” để cạnh tranh

Sau khi Apple tung ra iPad 2 thì những hãng sản xuất máy tính bảng khác đã hoãn tung sản phẩm ra thị trường để... chỉnh sửa lại cấu hình cho phù hợp với “tình hình mới”. 

“Đổi ngựa”

Người tiêu dùng khi mua các sản phẩm kỹ thuật số thường quan tâm đến cấu hình phần cứng vì nó là cơ sở để có thể đánh giá khách quan về chất lượng, sức mạnh, ưu điểm cũng như các nhược điểm của sản phẩm. Vì thế, trước khi tung một sản phẩm ra thị trường, các hãng thường nghiên cứu xem đối thủ có những gì để đảm bảo sản phẩm của mình luôn luôn được đánh giá cao hơn các đối thủ, không về cấu hình thì cũng về tính năng hoặc giá cả. Tuy vậy, trong nhiều trường hợp, ngay khi bỏ bao công sức đầu tư để phát triển một sản phẩm nhằm giành thế thượng phong về cấu hình thì chỉ một thời gian ngắn sau, các đối thủ khác đã tung ra nhiều sản phẩm tốt hơn. Điều ấy khiến các hãng công nghệ buộc phải “đổi ngựa”.

Mới đây, khi Apple tung ra máy tính bảng iPad 2 với vi xử lý lõi kép A5 có tốc độ 1 GHz cộng với nhiều tính năng độc đáo khác thì những hãng sản xuất máy tính bảng khác đã tạm ngừng việc tung sản phẩm của mình ra thị trường để… chỉnh sửa lại cấu hình.

Theo các nhà phân tích, nhiều công ty đến từ Châu Á thường rất giỏi với phương pháp “đổi ngựa” này. Tại CES 2011, khi Samsung giới thiệu chiếc smartphone Samsung Galaxy S II có bộ vi xử lý 1 GHz, hãng này đã tự tin về việc điện thoại của mình sẽ có khả năng làm việc cực tốt. Tuy nhiên, với việc Apple nâng cấp chip xử lý của iPad 2 lên 1 GHz chắc chắn sẽ đồng nghĩa với việc iPhone 5 sắp tới đây cũng sẽ có mức cao hơn như thế. Điều này bắt buộc Samsung phải loại bỏ chip 1 GHz ra khỏi lô hàng Samsung Galaxy S II đầu tiên để thay vào bằng chip 1,2 GHz. “Việc thay thế này sẽ tương đối tốn kém, nhưng nếu không thay đổi, đến lúc bán ra thị trường sẽ không ai mua, khi ấy càng tốn kém hơn gấp bội” – Một chuyên gia kinh tế nhận định.

“Bình cũ, rượu mới”

Việc thay đổi các linh kiện bên trong một sản phẩm tung ra thị trường mặc dù là cách hay để giữ nguyên thương hiệu – phiên bản cho sản phẩm. Tuy vậy, cái giá phải trả thường là một khoản phí bỏ ra thêm không cần thiết. Bởi những lý do đó, nhiều hãng đã chọn cách phát hành các phiên bản khác nhau của cùng một sản phẩm công nghệ theo kiểu “bình cũ, rượu mới”.

Tại triển lãm công nghệ MWC 2011 vừa rồi, khi LG giới thiệu chiếc smartphone LG Optimus 3D với màn hình đầu tiên hỗ trợ công nghệ hình ảnh 3D thì ngay sau đó, hãng này tiếp tục đổi tên cho LG Optimus 3D thành LG Thrill và T-Mobile G2X để mang đi triển lãm tại CTIA 2011. Một số nhà phân tích cho rằng sở dĩ LG Optimus 3D lại có nhiều tên như thế là vì LG sản xuất chúng cho riêng các nhà mạng phân phối chúng, chẳng hạn LG Thrill dành cho nhà mạng AT&T và T-Mobile G2X là cho nhà mạng T-Mobile, hai nhà mạng lớn nhất tại Mỹ.

Samsung cũng được xem là một trong những “bậc thầy” về việc thực hiện phép “bình cũ, rượu mới” với hàng loạt sản phẩm khác tên nhưng cấu hình gần như không thay đổi. Trang mạng công nghệ GSMArena thống kê cho thấy mặc dù chỉ đưa ra thị trường thông tin về chiếc smartphone có tên Samsung Galaxy S, nhưng thực tế hãng này tung ra gần một chục phiên bản khác nhau chỉ khác chút ít về phần cứng như Samsung I9000 Galaxy S, Samsung I9003 Galaxy SL, Samsung I9001 Galaxy S Plus, Samsung Galaxy S 4G, Samsung I909 Galaxy S, Samsung I9010 Galaxy S Giorgio Armani, Samsung M190 Galaxy S Hoppin, Samsung M110S Galaxy S…

Chuyện hậu trường

Nhiều diễn đàn công nghệ đặt câu hỏi về việc các linh kiện cũ bị thay ra sẽ đi về đâu bởi chắc chắn các hãng không thể trả lại linh kiện cho nhà cung cấp ban đầu vì trong hợp đồng luôn có điều khoản “mua rồi, cấm trả lại”. Theo các chuyên gia, các linh kiện bị thay ra… vẫn ở đó.

Computerworld tin rằng việc cung cấp ra thị trường nhiều phiên bản khác nhau của cùng một model sản phẩm, chẳng hạn từ model A sẽ có các phiên bản A1, A2, A3, A4, A5… sẽ giúp các hãng giải quyết vấn đề linh kiện một cách đơn giản và linh hoạt mà không tốn công quảng cáo cho những sản phẩm mới, bởi đơn giản là vì chúng cùng chung một tên. “Mỗi model tùy theo giá cả mà được trang bị các linh kiện tương xứng và người dùng sẽ không thể phân biệt được đâu là cái tốt nhất trong một rừng các sản phẩm cùng tên như thế” – Một nhà phân tích nhận định.

Theo Vietnamnet/Thế Giới @

Click để bình luận

Nhập bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

1 × 3 =

To Top