Tin trong nước
Doanh nghiệp bán lẻ đua nhau mở cửa hàng
Nhiều cửa hàng thực phẩm tiện lợi đang được mở ra, nhưng mô hình này có đem lại "quả ngọt" như mong đợi?Không chỉ cạnh tranh gay gắt trong việc mở rộng mạng lưới siêu thị, các doanh nghiệp bán lẻ trong nước và nước ngoài còn chạy đua trong việc mở các cửa hàng thực phẩm tươi sống tiện lợi.
Ðua nhau mở cửa hàng
Ngày 19/9/2011 vừa rồi, Liên hiệp HTX TP.HCM (Saigon Co.op) vừa đưa vào hoạt động một cửa hàng thực phẩm tiện lợi (TPTL) Co.opFood tại KCN Long Hậu (Long An). Đây là cửa hàng đầu tiên của Co.opFood trên địa bàn tỉnh lân cận và là cửa hàng thứ 23 của hệ thống này tính từ năm 2008 đến nay. Trước đó, ngày 13/9/2011, Tổng công ty Thương mại Sài Gòn (Satra) đã khai trương cửa hàng SatraFoods trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, quận Bình Thạnh và là cửa hàng thứ 4 trong chuỗi cửa hàng TPTL SatraFoods trên địa bàn TP.HCM.
Cũng trong tháng 9, Công ty cổ phần Thủy sản Seaspimex cũng mở cửa hàng TPTL tại số 120 Hòa Bình, phường Hòa Thạnh, quận Tân Phú. Dự kiến từ nay đến cuối năm, công ty này sẽ mở thêm một cửa hàng nữa và đến 2015 sẽ phủ rộng khắp TP.HCM với cơ cấu tại mỗi quận, huyện sẽ có 1 cửa hàng. Công ty Bách Hóa Mới cũng đã đưa vào hoạt động một số cửa hàng New Chợ. Bên cạnh đó, còn có hệ thống cửa hàng giới thiệu sản phẩm của Vissan, Sagrifood, Phú An Sinh, CP…
Phân khúc cửa hàng TPTL đang có sức hấp dẫn mạnh, khiến nhiều doanh nghiệp nhảy vào khai thác loại hình kinh doanh này. Cửa hàng Co.opFood từ vị trí “một mình một chợ” suốt hơn một năm đầu thành lập, nay đã phải chịu sự cạnh tranh mạnh mẽ của các cửa hàng “sinh sau, đẻ muộn”. Trong đó, Co.opFood, Minimart, cửa hàng Seaspimex chủ yếu kinh doanh thực phẩm tươi sống (chiếm 30 – 40% tổng lượng hàng), kế đến là các mặt hàng: hóa mỹ phẩm, thực phẩm công nghệ, đồ dùng thiết yếu… Cửa hàng SatraFoods có tỷ trọng ngành hàng thực phẩm tươi sống, thực phẩm công nghệ đông lạnh chiếm 90% và phi thực phẩm như: hóa mỹ phẩm, đồ dùng gia dụng chiếm 10%.
New Chợ ngoài các mặt hàng hóa phẩm và đồ dùng cũng kéo khách bằng các mặt hàng tươi sống được đóng vỉ sẵn… Đối tượng khách hàng chính của những cửa hàng này là những người có thu nhập khá trở lên. Họ chấp nhận mua hàng với giá cao hơn so với giá bán ở chợ, nhưng đảm bảo chất lượng, nguồn gốc và việc mua bán tiện lợi hơn so với việc vào siêu thị phải gửi xe, di chuyển rất nhiều đến các nơi trưng bày hàng, lựa chọn, chờ tính tiền v.v…
Ðủ điều kiện để phát triển?
Theo ông Nguyễn Trung Thẳng, Chủ tịch Tập đoàn Masso: “Mô hình cửa hàng TPTL đang có nhiều điều kiện cơ bản để phát triển”. Với cửa hàng TPTL, mục đích của các nhà phân phối là cung cấp hàng hóa nhằm giúp người tiêu dùng tăng sự nhận biết thương hiệu và phát huy sức cạnh tranh của mình. Bà Lê Minh Trang, Tổng giám đốc Satra cho biết, với 8 đơn vị trực thuộc, 16 công ty con và hơn 50 công ty liên kết, việc mở chuỗi cửa hàng TPTL sẽ giúp đơn vị này tận dụng thế mạnh về giá, trực tiếp đưa các mặt hàng chất lượng của mình và của các đơn vị thành viên đến tận tay người tiêu dùng.
Hay như Saigon Co.op, với lợi thế sẵn có của một nhà bán lẻ hàng đầu Việt Nam, Co.opFood là một hình thức để Co.opMart tiến sâu vào các khu dân cư, KCX – KCN. Saigon Co.op không giấu tham vọng đến năm 2015 sẽ mở 150 cửa hàng TPTL; Satra đặt kế hoạch mở 10 cửa hàng Satrafoods trong năm nay và mở thêm 20 cửa hàng trong năm 2012. Riêng với New Chợ, mặc dù BigC không chính thức thừa nhận đây là mô hình mới của đơn vị này, nhưng thương hiệu này cũng đang ráo riết chuẩn bị đưa vào hoạt động 2-3 cửa hàng mới.
Lãi thương hiệu?
Trong điều kiện kinh tế khó khăn, giá thuê mặt bằng cao việc đầu tư mở cửa hàng TPTL dễ dàng hơn so với tìm mặt bằng mở siêu thị. Tuy các cửa hàng TPTL đang được nhiều doanh nghiệp tiếp tục đầu tư mở rộng, song bài toán lời – lỗ vẫn còn là dấu hỏi với nhiều doanh nghiệp. Theo cách tính toán của các doanh nghiệp, tổng đầu tư cho một cửa hàng TPTL trung bình khoảng 2 tỷ đồng (diện tích từ 100 – 400 m2), bao gồm cả chi phí mặt bằng, sửa chữa lặt vặt, hàng hóa, quầy kệ, bảo hiểm, trả lương nhân viên… Thông thường, một cửa hàng TPTL có khoảng 2.000-3.000 mặt hàng, trong đó hàng thực phẩm tươi sống chiếm 30-40%, còn lại là các mặt hàng thực phẩm công nghệ, hóa mỹ phẩm…
Theo tính toán của Saigon Co.op, nếu một cửa hàng hoạt động tốt, doanh thu có thể lên đến 40 – 50 triệu đồng/ngày và trong vòng một năm có thể hoàn vốn. Còn Seaspimex thì cho rằng, thời gian hoàn vốn có thể là 18 tháng hoặc hơn nữa. Trên thực tế, hiện chỉ 1/3 cửa hàng TPTL Co.opFoods là có lãi. Giám đốc kinh doanh một doanh nghiệp cho biết, các cửa hàng TPTL hiện tại đang trong giai đoạn… thăm dò thị trường, chủ yếu là một kênh để quảng bá hình ảnh, trưng bày sản phẩm của đơn vị và thực hiện mục tiêu chính trị là đưa hàng hóa, đặc biệt là hàng trong danh sách bình ổn giá của TP.HCM, đến gần hơn với người tiêu dùng.
Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, phần lớn các cửa hàng TPTL ở Việt Nam đều chưa có lãi vận hành (không tính đầu tư bất động sản). Hiện còn khá sớm để kết luận rằng, mô hình này sẽ thành công hay không, nhưng thành hay bại phụ thuộc vào việc kinh doanh có đáp ứng nhu cầu khách hàng? Vị trí có phù hợp? Và quan trọng hơn là phân khúc tiêu dùng này có đủ lớn và tăng trưởng tốt để tồn tại không? Trước mắt, để mô hình cửa hàng TPTL phát triển tốt, các doanh nghiệp cần có chiến lược định vị thương hiệu và bảo đảm các tiêu chí về chất lượng sản phẩm. Người tiêu dùng chấp nhận mua hàng ở cửa hàng TPTL với mức giá cao hơn mặt bằng chung, ngược lại cũng đòi hỏi doanh nghiệp phải cung ứng hàng hóa có chất lượng đảm bảo, ít biến động về giá.
Theo Doanh Nhân