Tin trong nước
Du lịch TP.HCM gần như ‘tê liệt’, hơn 20.000 nhân viên khách sạn không còn việc làm
Ảnh hưởng bởi Covid-19, hiện 90% doanh nghiệp (DN) lữ hành vừa và nhỏ tại TP.HCM đã tạm ngưng hoạt động, một số DN lớn chỉ bố trí nhân sự trực tại công ty, DN vốn nhà nước cũng hoạt động cầm chừng.Theo Sở Du lịch TP.HCM, từ khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công bố Covid-19 là “đại dịch toàn cầu”, ngành du lịch Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng gần như ‘tê liệt’, với lượng du khách quốc tế cũng như doanh thu du lịch sụt giảm nghiêm trọng.
Cụ thể, so với cùng kỳ năm ngoái, lượng du khách đến TP.HCM và doanh thu của các doanh nghiệp lữ hành (DNLH) từ tháng 1 đến tháng 2/2020 giảm mạnh, trung bình ở mức 50%-60%, do ảnh hưởng bởi tình hình của dịch Covid-19 tại Trung Quốc lẫn các nước trên thế giới, cũng như những chính sách quyết liệt trong ứng phó dịch bệnh tại Việt Nam.
Lượt khách và doanh thu giảm mạnh
Được biết, tổng lượt du khách quốc tế đến TP.HCM so với cùng kỳ năm ngoái trong tháng 1/2020 là 840.100 (tăng 5,9%), song đến tháng 2/2020, con số này chỉ còn 346.650 (giảm 52%).
Dù vậy, theo Sở Du lịch TP.HCM, nếu so với tốc độ sụt giảm lượng du khách, tốc độ giảm doanh thu diễn ra tương đối chậm hơn, do du khách Trung Quốc có mức chi tiêu không cao, đồng thời một lượng khách từ các thị trường khác cũng đang lưu trú trên địa bàn vào thời điểm đó. So với cùng kỳ năm ngoái, doanh thu du lịch TP.HCM trong tháng 1/2020 đạt 12.918 tỷ đồng (tăng 0,39%), còn tháng 2/2020 đạt 8.100 tỷ đồng (giảm 29,94%).
Tuy nhiên, bước sang tháng 3/2020, ngành du lịch ‘tê liệt’ hoàn toàn khi lượng khách quốc tế giảm hơn 84% và doanh thu chỉ đạt 2.203 tỷ đồng, giảm 71% so với cùng kỳ năm ngoái. Đặc biệt, số liệu từ các DNLH còn tổ chức phục vụ du khách cho thấy, một số có lượng khách và doanh thu giảm 95%-100% so với cùng kỳ năm trước.
Có thể kể tới thiệt hại so với cùng kỳ năm ngoái của một số DNLH hàng đầu tại TP.HCM trong quý I/2020 như: Benthanhtourist lượt khách giảm 87,9%, doanh thu giảm 40,4%; Fiditourist lượt khách giảm 72%, doanh thu giảm 60%; Saigontourist lượt khách giảm 85%, doanh thu giảm 62%; Viettravel lượt khách giảm 37%, doanh thu giảm 42%…
Hiện, có đến 90% DNLH vừa và nhỏ tại TP.HCM đã tạm ngưng hoạt động, một số DN lớn chỉ bố trí nhân sự trực tại công ty, DN vốn nhà nước cũng hoạt động cầm chừng. Nhân viên được cho nghỉ không hưởng lương đến khi hết dịch Covid-19 sẽ đi làm lại.
Đồng thời, theo báo cáo từ 25 cơ sở lưu trú du lịch cao cấp, so với cùng kỳ năm 2019, doanh thu từ các cơ sở lưu trú du lịch giảm 58,29%; kinh doanh hội nghị giảm 60,8%; kinh doanh nhà hàng, tiệc và kinh doanh khác giảm 60,1%.
Đặc biệt, trong số 28.081 người lao động đang làm việc tại các cơ sở lưu trú, có đến 19.587 người phải tạm ngừng việc, 830 người nghỉ việc, số còn lại vẫn đang làm việc nhưng được phân công nghỉ luân phiên, năng suất thấp.
Hy vọng vực dậy sau khi hết dịch
Song, theo PGS. Võ Thị Ngọc Thúy – Phó giám đốc Sở Du lịch TP.HCM, chỉ cần không trở thành vùng dịch thì sau khi tình hình dịch bệnh lắng xuống, thị trường du lịch có thể nhanh chóng hồi phục. Nếu chỉ vì lo thiệt hại kinh tế mà lơ là, để dịch lan tới thì rất khó vực dậy ngành du lịch.
Do đó, trong thời điểm này, ngành du lịch cũng không thể làm gì khác ngoài việc tập trung ưu tiên công tác phòng, chống Covid-19. Đồng thời, ngành du lịch thành phố cũng đang chuẩn bị các chất liệu để làm các sản phẩm mới, tái định vị hình ảnh thương hiệu du lịch TP.HCM, sẵn sàng giới thiệu diện mạo du lịch thành phố rất mới ngay sau khi dịch bệnh được kiểm soát.
Đề xuất nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn
Trước đó, theo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL), Thứ trưởng Lê Quang Tùng đã ký văn bản số 1399/BVHTTDL-TCDL gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đề xuất bổ sung các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho ngành du lịch do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Về các giải pháp, Bộ VH-TT&DL đề xuất hỗ trợ gói tài chính cho các DN du lịch trong việc hoàn hủy tour thay vì thực hiện hủy tour. Gói tài chính này sẽ hỗ trợ DN phát hành “phiếu mua tour” có thời hạn 12-18 tháng với giá trị tương đương tour đã đặt cho các khách hàng không thể thực hiện được chuyến đi do tình hình dịch bệnh hoặc các trường hợp bất khả kháng khác.
Đối với DN vừa và nhỏ, chủ nhà ở có phòng cho du khách thuê (homestay), người lao động mất việc làm trong cơ sở lưu trú du lịch, Bộ đề nghị đưa các đối tượng này vào diện được hỗ trợ trong gói 62.000 tỷ đồng giúp người dân gặp khó khăn chống dịch Covid-19; miễn phí cấp mới, cấp đổi, cấp lại Giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế, nội địa; thẻ hướng dẫn viên du lịch trong năm 2020.
Ngoài ra, Bộ VH-TT&DL cũng đề xuất hỗ trợ DN du lịch tham gia xúc tiến du lịch quốc gia. Cụ thể, DN không phải đóng bất kỳ khoản chi phí nào, được hỗ trợ chi phí thị thực, hỗ trợ chi phí vé máy bay cho 1 cán bộ hoặc 1 DN du lịch tham gia chương trình.
Đồng thời, Bộ đề nghị Cục Hàng không Việt Nam chỉ đạo các hãng hàng không hỗ trợ DNLH giải phóng tiền đặt cọc mua vé máy bay trong thời gian dịch bệnh cũng như đề nghị cho phép DNLH và người lao động chậm nộp bảo hiểm xã hội năm 2019, năm 2020 đến hết tháng 6/2021; và điều chỉnh quy định về quyền lợi bảo hiểm thất nghiệp năm…
Theo DNSG