Connect with us

Việt Nam vẫn là điểm đến lý tưởng từ khi làn sóng dịch chuyển nhà máy khỏi Trung Quốc bắt đầu

Tin trong nước

Việt Nam vẫn là điểm đến lý tưởng từ khi làn sóng dịch chuyển nhà máy khỏi Trung Quốc bắt đầu

Mặc dù đại dịch COVID-19 ảnh hưởng đến toàn cầu nhưng Việt Nam vẫn là một điểm đến đầy hứa hẹn.

Các ngành đều dễ dàng chuyển sang Việt Nam

Theo khảo sát từ tổ chức JLL, mặc dù đại dịch COVID-19 ảnh hưởng đến toàn cầu nhưng Việt Nam vẫn là một điểm đến đầy hứa hẹn. Đặc biệt, từ khi làn sóng dịch chuyển nhà máy khỏi Trung Quốc bắt đầu. Các ngành đều có thể dễ dàng chuyển sang Việt Nam sau đại dịch, tổ chức JLL cho biết.

Hiện tại, nhiều tập đoàn, công ty lớn đều phải tính đến kế hoạch di chuyển nơi sản xuất khi đóng cửa tại Trung Quốc. Từ năm 2019, nhiều đơn vị lớn đã lên kế hoạch di chuyển sản xuất, nhằm giảm áp lực hàng rào thuế quan mới đối với hàng hóa xuất khẩu từ Trung Quốc sang Mỹ và tìm kiếm thị trường thay thế phòng khi giá tăng cao.

Cụ thể, các công ty đa quốc gia như Samsung, LG và rất nhiều nhà sản xuất Nhật Bản đã đang chuyển các nhà máy từ Trung Quốc sang Việt Nam, hoặc đã thành lập các cơ sở sản xuất mới tại Việt Nam chứ không phải ở Trung Quốc. Các công ty như Foxconn và các nhà cung cấp khác của Apple đã cho biết rằng, họ đã có ý định thiết lập sản xuất cơ sở tại Việt Nam từ nhiều năm qua.

Hãng trò chơi điện tử Nintendo đã chuyển một phần hoạt động sản xuất máy chơi game Switch Lite sang Việt Nam. Công ty sản xuất xe cơ giới và máy móc xây dựng Komatsu gia công sản xuất linh kiện tại các nhà máy của công ty này và của các đối tác tại Trung Quốc.  Nhưng vì dịch COVID-19 nên Komatsu đang chuyển dây chuyền sản xuất linh kiện sử dụng cho khung xe cơ giới và bộ dây dẫn điện về Nhật Bản và sang Việt Nam.

Từ trước khi đại dịch COVID-19 diễn ra, VinaCapital là một trong những đơn vị đầu tiên dự đoán rằng cuộc chiến thương mại sẽ xảy ra thúc đẩy sự dịch chuyển của các cơ sở sản xuất từ ​​Trung Quốc sang Việt Nam. Giờ đây, quỹ đầu tư này kỳ vọng sự bùng phát của dịch COVID-19 sẽ thúc đẩy các công ty cố gắng tái định vị sản xuất ra khỏi Trung Quốc, một phần vì thương chiến sẽ lại nóng lên sau khi tình trạng khẩn cấp y tế vì dịch COVID-19 lắng dịu.

VinaCapital cũng từng nhìn nhận đại dịch lần này có hai ý nghĩa tích cực đối với Việt Nam: Một là, lạm phát tiền lương có xu hướng gia tăng sau khi đại dịch lắng dịu, điều này sẽ khuyến khích các công ty sản xuất phải di dời các nhà máy từ Trung Quốc sang Việt Nam. Hai là, lợi nhuận đầu tư có xu hướng giảm mạnh trong một thập kỷ sau đại dịch (không giống như sau chiến tranh), mà cùng với cái gọi là Nhật Bản hóa nền kinh tế Mỹ, sẽ đảm bảo một làn sóng FII đổ vào các thị trường chứng khoán các thị trường cận biên và mới nổi (bao gồm cả Việt Nam) trong nhiều năm tới.

Xu hướng đầu tư trong dài hạn

Bên cạnh nhận nhận định trên, ông Stephen Wyatt, Tổng Giám đốc JLL Việt Nam cũng cho biết: “Việt Nam là một điểm đến đầy hứa hẹn từ khi làn sóng dịch chuyển nhà máy khỏi Trung Quốc bắt đầu. Mặc dù đại dịch COVID-19 đang gây ra những khó khăn nhất định đối với các quyết định cũng như hoạt động di dời, nhưng nhiều chủ đầu tư vẫn tự tin tăng giá đất trong quý đầu năm 2020 bởi đây là xu hướng đầu tư trong dài hạn”.

Theo khảo sát từ JLL, quý I/2020, miền Bắc thu hút phần lớn các tập đoàn lớn muốn đa dạng hóa danh mục sản xuất bên cạnh cơ sở tại Trung Quốc, với nền tảng cơ sở hạ tầng phát triển khá tốt và vị trí cần kề với Trung Quốc.

Giá đất trung bình đạt 99 USD/m2/chu kỳ thuê, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm trước. Nhà xưởng xây sẵn – lựa chọn yêu thích của các doanh nghiệp vừa và nhỏ – vẫn giữ ở mức giá thuê ổn định dao động từ 4,0-5,0 USD/m2/tháng, và đều đã được lấp đầy.

Còn ở khu vực miền Nam, ghi nhận số lượng yêu cầu thuê đất tăng cao và các chủ đầu tư đã trở nên tự tin hơn trong việc tăng giá thuê đất. Giá đất trung bình trong quý 1/2020 đạt 101 USD/m2/chu kỳ thuê, tăng 12,2% so với cùng kỳ. Nhà xưởng xây sẵn ở miền Nam có giá thuê dao động từ 3,5-5,0 USD/m2/tháng, tăng nhẹ ở Bình Dương, TP.HCM, Long An và giữ mức ổn định ở các tỉnh còn lại.

Tuy nhiên, tổ chức này cũng đưa ra nhận định, không phải tất cả các ngành sản xuất đều có thể dễ dàng chuyển sang Việt Nam. Mức lương công nhân sản xuất tại Trung Quốc hiện cao gấp ba lần Việt Nam, nhưng trình độ tay nghề của công nhân nơi này cũng cao hơn. Quy mô của Trung Quốc không thể được nhân rộng: lượng lao động công nghiệp di cư ở Trung Quốc còn cao hơn dân số Việt Nam. Hơn nữa, một khối lượng lớn ngành hàng sản xuất là để phục vụ thị trường nội địa Trung Quốc.

Theo NCĐT 

Có thể bạn quan tâm...
Click để bình luận

Nhập bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

eighteen − 5 =

To Top