Connect with us

Đà Lạt loay hoay xây dựng thương hiệu du lịch

Tin trong nước

Đà Lạt loay hoay xây dựng thương hiệu du lịch

Dù được tạo hóa ban tặng cho nhiều lợi thế, nhưng mãi đến nay, du lịch Đà Lạt - Lâm Đồng vẫn chưa khẳng định được vị thế hàng đầu của mình trên bản đồ du lịch của cả nước…

Xin rút tên khỏi di tích thắng cảnh quốc gia

Không tính những điểm tham quan miễn phí, hiện Lâm Đồng có 32 điểm hoạt động kinh doanh du lịch. Trong số này, có cả chục điểm là di tích, danh thắng được xếp hạng cấp quốc gia từ nhiều năm qua. Thế nhưng, hoạt động kinh doanh tại nhiều danh thắng này lại không hiệu quả. Cụ thể như Khu du lịch (KDL) hồ Than Thở, di tích quốc gia nổi tiếng và gắn liền với sự hình thành, phát triển Đà Lạt nhưng hiện hồ bị bồi lắng, xuống cấp và kinh doanh với doanh thu chưa được 1 tỉ đồng/năm.

Trong khi đó, những điểm mới được đầu tư xây dựng như KDL Đồi Mộng Mơ (Đà Lạt) lại có doanh thu cả chục tỉ đồng/năm; biệt thự Hằng Nga cũng có doanh thu hơn 1 tỉ đồng/năm.

Mới đây, tại hội nghị cán bộ chủ chốt toàn tỉnh tổng kết tình hình thực hiện Nghị quyết 06 về “đột phá, tăng tốc phát triển kinh tế du lịch – dịch vụ du lịch giai đoạn 2006-2010”, ông Huỳnh Đức Hòa – Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho hay, hiện có tình trạng nhiều di tích, danh thắng quốc gia được giao cho các chủ đầu tư nhưng họ chỉ “bóc lột” di tích là chính chứ đầu tư tôn tạo không được bao nhiêu, đã gây ảnh hưởng không tốt đến di tích và sự phát triển du lịch của địa phương.

Ông Đỗ Văn Thể – Giám đốc Sở VH-TT-DL Lâm Đồng cho biết thêm, không chỉ bị “bóc lột”, bỏ bê xuống cấp mà có nơi đơn vị đầu tư còn ngang nhiên xây dựng trái phép ngay trong di tích, và Sở đã nhiều lần mời gặp chủ đầu tư nhưng họ không chịu gặp…!

Cũng theo ông Đỗ Văn Thể, UBND tỉnh đã xin rút tên khỏi thắng cảnh quốc gia đối với hai danh thắng là thác Liên Khương và thác Gougah (huyện Đức Trọng, được công nhận danh thắng quốc gia năm 2000).

Lý do: thác Liên Khương không có đủ nguồn nước, trong khi đó thì thác Gougah bị thủy điện Đại Ninh nhấn chìm nên không còn đủ yếu tố để xếp hạng quốc gia.

Tuy nhiên, sau khi thực tế kiểm tra, Bộ VH-TT-DL đã không cho rút tên khỏi danh thắng quốc gia đối với 2 thắng cảnh này mà yêu cầu địa phương phải đầu tư tôn tạo, nâng cấp đưa vào hoạt động.

Thu hút đầu tư chưa hiệu quả

Theo UBND tỉnh Lâm Đồng, đến nay có 236 dự án đầu tư vào du lịch, với tổng vốn đăng ký hơn 46.000 tỉ đồng, trong đó có 142 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư với số vốn đăng ký được phê duyệt trên 25.000 tỉ đồng.

Riêng đối với công trình trọng điểm khu du lịch hồ Tuyền Lâm (Đà Lạt), hiện nay có 30 dự án đăng ký với tổng số vốn trên 7.500 tỉ đồng, trong đó có 14 dự án đang triển khai thi công, 16 dự án đang làm các thủ tục đầu tư.

Tuy nhiên, trong thực tế, tiến độ triển khai các dự án còn chậm, nhiều dự án đầu tư kéo dài thời gian thực hiện, số vốn đăng ký lớn nhưng triển khai với tỷ lệ rất thấp.

Ông Nguyễn Trọng Hoàng – nguyên Giám đốc Sở Thông tin Truyền thông Lâm Đồng (trước đó giữ chức Giám đốc Sở Du lịch – Thương mại) cho biết, hàng trăm dự án đầu tư du lịch đã được cấp phép, nhưng hiệu quả đầu tư chưa rõ.

Trong khi đó, Lâm Đồng chưa có một dự án lớn và cao cấp nào tầm cỡ như Vinpearl (Nha Trang), Đại Nam văn hiến (Bình Dương), Suối Tiên, Đầm Sen (TP.HCM) để làm điểm nhấn hoặc tạo bước đột phá cho kinh tế du lịch.

“Thực tế không cần quá nhiều dự án đầu tư như vừa qua bởi điều đó chắc chắn sẽ đem lại những bất lợi cho môi trường (cả thiên nhiên và xã hội), đem lại sự đơn điệu trùng lắp về sản phẩm du lịch…” – ông Hoàng bày tỏ.

 

Xây dựng thương hiệu du lịch Đà Lạt vẫn còn lúng túng

Năm 2010, Lâm Đồng đón khoảng 3 triệu lượt khách, tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm về khách du lịch đạt hơn 11%. Dù vậy, công suất phòng mới đạt khoảng 55% và thời gian lưu trú của khách chỉ 2 – 4 ngày, như vậy khách đến Lâm Đồng rõ ràng mới chỉ có “nghỉ” chứ chưa có “dưỡng”.

Ông Nguyễn Xuân Tiến – Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lâm Đồng cho biết, du lịch là lĩnh vực mà địa phương rất quan tâm và được xác định là kinh tế động lực. Trong những năm qua du lịch có bước phát triển cả về quy mô lẫn chất lượng, tuy nhiên vẫn chưa đạt yêu cầu, chưa thể hiện vai trò là ngành kinh tế động lực, cũng chưa có sự tác động mạnh thúc đẩy các ngành khác phát triển.

Nguyên nhân, ngoài việc các danh thắng bị xuống cấp trầm trọng, sự liên kết giữa các địa phương, giữa các doanh nghiệp chưa mang lại hiệu quả như mong muốn thì hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước còn yếu, quản lý quy hoạch chưa tốt.

Ngoài ra, các chuyên gia giỏi, các cán bộ đầu ngành có trình độ quản lý còn thiếu và yếu, nguồn nhân lực du lịch vẫn còn bất cập (50% chưa qua đào tạo). Việc xây dựng thương hiệu cho du lịch Đà Lạt vẫn còn lúng túng.

“Cần nhanh chóng khắc phục những tồn tại, đẩy nhanh tiến độ các dự án, xác định các loại hình dịch vụ chính đi đôi với việc xây dựng thương hiệu. Phải đưa thương hiệu du lịch Đà Lạt trở thành thương hiệu hàng đầu tại Việt Nam” – ông Nguyễn Xuân Tiến khẳng định.

Theo Gia Bình – Thanh Niên

Có thể bạn quan tâm...
Click để bình luận

Nhập bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

nineteen − eleven =

To Top