Connect with us

Chọn phân khúc cho sôcôla Việt

Tình huống thương hiệu

Chọn phân khúc cho sôcôla Việt

Cùng với nhận định thị trường sôcôla Việt Nam đang vào giai đoạn chín muồi, ông Gricha Safarian, Tổng Giám đốc Công ty Grand- Place Việt Nam, cho biết công ty ông vừa tung ra sản phẩm sôcôla nguyên chất từ ca cao Việt Nam ngay trong tháng 1 vừa qua. 

Chiếc áo mặc tạm

Bắt đầu từ 3 năm trước, sôcôla đã được người tiêu dùng biết đến với khá nhiều nhãn hiệu trong lẫn ngoài nước. Ở cao cấp, chủ yếu là sản phẩm từ các quốc gia nổi tiếng về sôcôla như Bỉ, Pháp, Malaysia với các nhãn hiệu Guylian, Ducd’co, Jules Destrooper, Cemoi… Một số sản phẩm sôcôla Việt Nam như Godiva (Kinh Đô), Chocobella (Bibica), Hải Hà – Kotobuki cũng đã tìm được chỗ đứng trên thị trường.

Trong khi các nước phát triển như Mỹ, Pháp, Anh, sôcôla được tách ra thành một ngành sản xuất riêng thì tại Việt Nam, sôcôla hiện đang thuộc về ngành bánh kẹo. Do đó, thị trường sôcôla Việt Nam chưa lộ diện rõ ràng vì chủ yếu tồn tại dưới dạng nguyên liệu hỗn hợp trong sản xuất thực phẩm như bánh kẹo, kem và thức uống.

Cũng vì quy mô nhỏ bé lại nằm chung với ngành khác nên chưa có nghiên cứu chính thức nào về thị trường sôcôla của Việt Nam. Tuy nhiên, theo ông Phan Văn Thiện, Phó Tổng Giám đốc Kinh doanh Công ty Cổ phần Bibica, sản phẩm sôcôla nước ngoài đang thắng thế và chiếm khoảng 60% thị trường sôcôla Việt. Nguyên nhân theo ông là đa số doanh nghiệp sản xuất chưa chịu đầu tư máy móc thiết bị để nâng chất lượng sản phẩm, sôcôla tại Việt Nam chỉ được biết đến như mặt hàng cộng thêm của bánh kẹo.

Trường hợp của một số doanh nghiệp đầu tàu trong ngành bánh kẹo như Kinh Đô hay Bibica có thể là ngoại lệ. Cuối năm 2002, Bibica đã bỏ ra hơn 10 tỉ đồng để sản xuất sôcôla cao cấp và hơn 2 tỉ đồng để marketing sản phẩm. Còn Kinh Đô, từ cuối năm 1998 đã đưa dây chuyền sản xuất kẹo sôcôla vào hoạt động với tổng vốn đầu tư khoảng 800.000 USD.

Tổng Giám đốc của Grand- Place Việt Nam cho biết, nếu đầu tư nhà máy sản xuất sôcôla nguyên chất hoặc hỗn hợp thì chi phí cho công nghệ sẽ rất lớn, khoảng 50-60% tổng vốn đầu tư. Hơn nữa, nguyên liệu đầu vào cũng cần chọn lọc kỹ lưỡng, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và môi trường sản xuất an toàn.

Khó thay đổi thói quen tiêu dùng

Cũng theo đại diện của Grand- Place Việt Nam, sôcôla rất được người Mỹ ưa chuộng, trung bình mỗi người tiêu thụ từ 6,5-7kg/năm, nhưng những thị trường truyền thống của sôcôla như Mỹ lại đang có dấu hiệu bão hòa. Trong khi đó, “người châu Á chưa có thói quen dùng sôcôla hằng ngày như người Mỹ nên thị trường chưa phát triển và còn nhiều tiềm năng”, ông nói thêm.

Nhờ nhận thấy tiềm năng trên mà những công ty như Grand-Place đã tăng cường đầu tư sản xuất sôcôla tại Việt Nam và một số nước khác trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương như Ấn Độ, Nhật và Campuchia.

Ông Safarian cho biết thêm, thời kỳ dân số đạt tỉ lệ vàng (30% trẻ em dưới 15 tuổi, 15% người từ 65 tuổi trở lên) của Việt Nam đã bắt đầu từ năm 2003 và có thể kéo dài trong 30-50 năm. Đây chính là cơ sở để thị trường sôcôla Việt Nam trở nên tiềm năng hơn vì giới trẻ thành đạt luôn có xu hướng chuyển qua lối sống hiện đại rất nhanh và khi đó, sôcôla không còn là loại thực phẩm xa xỉ.

Một chuyên viên tư vấn sản phẩm đại diện Công ty Thương mại Dịch vụ Kim Linh (Hà Nội), chuyên nhập và phân phối sôcôla của Bỉ và Pháp tại Việt Nam, cho hay, số lượng sôcôla ngoại nhập các loại tăng từ 15-20% mỗi năm với mức giá chênh lệch khá lớn so với sản phẩm nội. Ví dụ, sôcôla nước ngoài dạng thanh, trọng lượng 100-1.300g, có giá từ 65.000-750.000 đồng/thanh còn sôcôla nội chỉ từ 20.000-150.000 đồng.

Trong khi nhà đầu tư nước ngoài đã bắt đầu thâm nhập nhằm khai thác tiềm năng thị trường sôcôla Việt Nam thì doanh nghiệp nội lại tỏ ra khá dè dặt. Ông Trần Quốc Việt, Tổng Giám đốc Công Chế biến Thực phẩm Kinh đô Miền Bắc (nhãn hiệu sôcôla Godiva), từ chối đưa ra mọi thông tin về sản lượng, thị phần cũng như ra bất cứ bình luận gì về thị trường này.

Ông Thiện, Công ty Bibica, thì nói rằng “tiềm năng của ngành không lớn lắm” bởi chi phí đầu tư sản xuất, bảo quản sôcôla nguyên chất quá cao, kênh phân phối lại hẹp (tập trung tại siêu thị, cửa hàng có hệ thống giữ lạnh tốt) và nhu cầu không cao. Dù mức đầu tư của Bibica khá lớn, đến hàng chục tỉ đồng với dây chuyền công nghệ của Anh nhưng chỉ sản xuất theo mùa như dịp lễ tình nhân 14.2, với giá khoảng 15.000-60.000 đồng/hộp.

Năm 2007, Công ty Sôcôla Bỉ có văn phòng ở Hà Nội (nhãn hiệu Becholat) đã đầu tư dây chuyền công nghệ của Bỉ nhưng cũng chỉ sản xuất lẻ tẻ và mới chủ yếu bán tại khu vực miền Bắc. Tuy nhiên, bà Nguyễn Thị Dự, Giám đốc Becholate, vẫn lạc quan nói: “Không ai muốn đánh mất cơ hội kinh doanh dài hạn. Chúng tôi sẽ cố gắng thay đổi nếp nghĩ, thói quen tiêu dùng của người dân”.

Theo bà, sản phẩm của doanh nghiệp nước ngoài sẽ chủ yếu chiếm phân khúc cao cấp. Vì thế, nếu muốn phát triển mở rộng thị trường, trước mắt, doanh nghiệp Việt Nam nên tập trung vào phân khúc bình dân nhưng cũng phải đa dạng mẫu mã sản phẩm để người tiêu dùng lựa chọn.

Theo NCĐT

Click để bình luận

Nhập bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

17 + eleven =

To Top