Tin quốc tế
Groupon coi chừng về không
Hiện tại, Groupon đã bước vào thời điểm khó khăn. Công ty mất gần 1/3 giá trị trên sàn giao dịch chứng khoán và giá trị mỗi cổ phiếu chỉ còn chưa tới 3 USD.Từ đầu năm 2012, công ty mua hàng giảm giá theo nhóm – Groupon – đã bước vào giai đoạn mất lòng giới truyền thông và xuất hiện đều trên các phương tiện thông tin đại chúng với hình ảnh một thương vụ đầu tư bị thổi phồng quá đáng. Giá trị thực của Hãng bị cho là không đạt mức mọi người trông đợi và phương pháp làm việc và chiến lược kinh doanh của Tổng Giám đốc (CEO) Andrew Mason cũng bị chỉ trích. Tạp chí Forbes thậm chí còn giật tít, Groupon cần một CEO mới.
Theo nhận định của Forbes, Mason, với tư cách người sáng lập, đã làm rất tốt công việc của mình. Thế nhưng hiện tại, khi Công ty đã tăng trưởng vượt mức và trở thành một tập đoàn xuyên quốc gia thì những nhược điểm của CEO có thể sẽ gây trở ngại đến việc duy trì tốc độ phát triển. Các tính xấu như hành xử thiếu lịch sự, thiếu tôn trọng nhà đầu tư, quản lý tài chính kém (ý nói đến vụ Groupon bị cáo buộc phóng đại doanh thu) và điều hành kém, thậm chí phân tích và thuyết trình cũng kém chuyên nghiệp có thể làm cản trở công việc của Mason và gây ảnh hưởng đến cả Groupon.
Groupon, trụ sở tại Chicago, là một trong những nhà cung cấp hàng đầu về dịch vụ giảm giá mua theo nhóm. Doanh thu của Groupon đã đạt tới 500 triệu USD chỉ sau 3 năm phát triển, nhanh hơn cả eBay và Amazon.
Hiện tại, Groupon đã bước vào thời điểm khó khăn. Công ty mất gần 1/3 giá trị trên sàn giao dịch chứng khoán và giá trị mỗi cổ phiếu chỉ còn chưa tới 3 USD. Báo cáo doanh thu cho thấy doanh số bán hàng đã chậm lại đáng kể. Chưa kể, ngay cả cách tính doanh thu của Groupon cũng khiến các nhà phân tích quan ngại.
Trong phần ghi nhận doanh thu, Groupon đã tính cả tổng số tiền trả cho giá trị hàng hóa dịch vụ mà người mua mua của đối tác (nhưng lại được gọi là “hàng Groupon”). Theo Giám đốc Tài chính của Hãng, việc tiết lộ số tiền chia sẻ và thực nhận của Groupon với phía đối tác sẽ tiết lộ cho các đối thủ kinh doanh về chi phí hoạt động và tạo bất lợi cạnh tranh cho Groupon.
Nhiều luồng ý kiến chỉ trích đã hướng mũi nhọn vào Groupon ngay từ khi công ty này bắt đầu khởi sắc. Có 2 luồng ý kiến. Thứ nhất, lĩnh vực này quá dễ dàng bị cạnh tranh và không khó khăn gì để một công ty mới tham gia thị trường. Thứ hai, mô hình kinh doanh này không có độ bền vững lâu dài.
Sau các vụ thôn tính bất thành từ Amazon và Google, Groupon phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt từ chính các mô hình kinh doanh tương tự, do 2 gã khổng lồ này lập nên. Một nhà bán lẻ trực tuyến hàng đầu và một người khổng lồ công nghệ, cả hai đều có thừa kinh nghiệm và năng lực công nghệ để làm chủ cuộc chơi.
Trong khi đó, phía khách hàng cũng như Groupon, mọi thứ dường như đều đang tiến đến điểm bão hòa. Khách hàng hằng ngày nhận hàng chục, hàng trăm thông tin giảm giá liên tục dội vào hộp thư điện tử, còn Groupon thì loay hoay với bài toán tìm kiếm lĩnh vực mới, đa dạng hóa danh mục sản phẩm dịch vụ. Công ty vẫn chưa tìm ra được giá trị cho mình và niềm tin cho nhà đầu tư khi chưa định vị được giá trị gia tăng cho khách hàng và cho xã hội.
Tốc độ tăng trưởng doanh thu quý III/2012 của Groupon đã giảm mạnh so với quý II. CEO của Groupon phải thừa nhận đã gặp không ít khó khăn ở châu Âu và thách thức này còn tiếp diễn. Ông cũng cho rằng phần thách thức không nhỏ này do kinh tế châu Âu vẫn suy thoái, nhưng dường như lập luận này chưa đủ sức thuyết phục nhà đầu tư.
Theo một số phân tích, mô hình của Groupon đã gây quan ngại đáng kể vì chứa đựng nhiều rủi ro trên thị trường quốc tế.
Sự suy giảm nhanh chóng của các mô hình như Facebook và Zynga trên sàn giao dịch chứng khoán đã khiến người ta lo về Groupon. Facebook và Zynga là 2 điển hình của việc mô hình kinh doanh được thổi phồng quá giá trị thực và suy giảm khi chưa tiếp cận đến điểm kỳ vọng của nhà đầu tư.
Groupon chưa thể phá sản. Nhưng những ngày tươi đẹp nhất rõ ràng đã lùi rất xa phía sau lưng của họ.
Theo DNSG