Connect with us

10 thương hiệu Mỹ thành công nhất tại Trung Quốc

Tin quốc tế

10 thương hiệu Mỹ thành công nhất tại Trung Quốc

Không thể phủ nhận rằng, Trung Quốc là một thị trường quan trọng đối với nhiều doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có các công ty Mỹ. Với dân số lớn nhất thế giới, Trung Quốc là mảnh đất màu mỡ cho nhiều công ty Mỹ thu quả ngọt.

Thêm vào đó, ngành công nghiệp sản xuất từ lâu đã trở thành động lực tăng trưởng chính cho GDP của Trung Quốc, chứ không phải là nông nghiệp, nên đã góp phần làm số lượng người dân thuộc tầng lớp trung lưu ngày càng tăng trưởng mạnh.

Theo Cơ quan Dân số Liên hiệp quốc và ngân hàng Goldman Sachs, tới 2030, Trung Quốc sẽ có 1,4 tỷ người tiêu dùng trung lưu, cao hơn nhiều lần so với con số 365 triệu người ở Mỹ. Vì thế, sự hiện diện của các công ty Mỹ tại Trung Quốc ngày càng nhiều.

Tuy nhiên, không phải mọi doanh nghiệp Mỹ đầu tư sản xuất, kinh doanh tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này đều gặt hái được thành công. Hầu hết doanh nghiệp thành công đều là thương hiệu lớn, đã có tên tuổi và được người tiêu dùng biết tới từ lâu.

Dưới đây là 10 thương hiệu thành công nhất ở Trung Quốc. Thông tin và số liệu do trang 24/7 Wall Street sưu tầm và giới thiệu.

10. Apple

Thị phần: 51%

Lĩnh vực: Máy tính bảng

Đối thủ cạnh tranh: Lenovo, Samsung

Theo hãng tin Reuters, ảnh hưởng của Apple trên thị trường hệ điều hành ở Trung Quốc là bằng không, trong khi smartphone đứng thứ 4. Điểm sáng nhất của hãng công nghệ này là máy tính bảng, với thị phần lên tới 51%, bỏ qua đối thủ Lenovo ở vị trí thứ hai với 13,8% và Samsung với 9,8%. Theo TabTimes, 80% người tiêu dùng ở Trung Quốc đang xem xét chọn mua máy tính bảng đều nói rằng, iPad là chọn lựa đầu tiên của họ.

 

9. Starbuck

Thị phần: 70%

Lĩnh vực: Cà phê

Đối thủ cạnh tranh: McDonald’s, Pacific Coffee, Dunkin’ Brands

Starbucks là chuỗi cửa hàng cà phê lớn nhất thế giới về doanh thu. Tại Trung Quốc, công ty này chiếm gần 70% thị trường. Hiện Starbucks có 450 cửa hàng ở Trung Quốc và dự định sẽ tăng lên hơn 1.000 đại lý. Theo tờ Wall Street Journal, năm 2010, công ty này đã đạt được thỏa thuận với tỉnh Vân Nam xây dựng một nông trường cà phê để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của người dân Trung Quốc.

 

8. Intel

Thị phần: 14,9%

Lĩnh vực: Thiết bị bán dẫn

Đối thủ cạnh tranh: Samsung, Hynix

Intel là công ty sản xuất chip bán dẫn lớn nhất thế giới về lợi nhuận, trong khi Trung Quốc chiếm hơn 1/3 thị trường bán dẫn toàn cầu. Điều này đã giúp Intel thu được lợi lớn từ Trung Quốc. Theo PwC, thị phần năm 2010 của Intel tại Trung Quốc là 14,9%. Chỉ tính riêng trong năm này, Intel đã thu được gần 20 tỷ USD ở thị trường đông dân nhất thế giới, tăng hơn 26% so với năm 2009.

 

7. P&G

Thị phần: 55%

Lĩnh vực: Chăm sóc tóc

Đối thủ cạnh tranh: Unilever

Theo tờ China Daily, hãng hàng hóa tiêu dùng Procter & Gamble (P&G) hiện chiếm tới 55% thị phần lĩnh vực sản phẩm chăm sóc tóc ở Trung Quốc, bao gồm dầu gội đầu và dầu xả. Trong đó thương hiệu bán chạy nhất là Head & Shoulders. Năm ngoái, P&G tuyên bố sẽ đầu tư ít nhất 1 tỷ USD vào Trung Quốc trong vòng 5 năm tới và sẽ mở một trung tâm nghiên cứu tại Bắc Kinh với số vốn đầu tư khoảng 80 triệu USD.

 

6. Coca-Cola/Sprite

Thị phần: 61,5%/ 26,9%

Lĩnh vực: Nước giải khát

Đối thủ cạnh tranh: PepsiCo

Sprite là nhãn hiều đồ uống nhẹ số một hiện nay ở Trung Quốc, với thị phần lên tới 26,9%, theo số liệu mới đây của hãng phân tích Nielsen. Hãng sản xuất Sprite là Coca-Cola chiếm cả thảy 61,5% thị phần nước giải khát của Trung Quốc, trong khi đối thủ PepsiCo giành được 29%. Hiện Coca-Cola có hơn 40 nhà máy ở Trung Quốc và hãng dự định đầu tư 4 tỷ USD vào các nhà máy đóng chai và xe tải giao nhận trong vòng 3 năm tới, hãng tin tài chính Bloomberg cho hay.

 

5. Nike

Thị phần: Không rõ

Lĩnh vực: Trang phục thể thao

Đối thủ cạnh tranh: Li Ning, Adidas

Nike hiện là hãng sản xuất trang phục thể thao hàng đầu ở Trung Quốc. Đứng sau Nike là công ty Trung Quốc Li Ning, tiếp đó là Adidas. Mặc dù các công ty Trung Quốc đang nắm khá nhiều thị phần trong lĩnh vực này, nhưng theo nhiều chuyên gia quốc tế, thì các hãng quốc tế đang dần mạnh hơn và chiếm ưu thế. Báo cáo mới đây của HSBC về lĩnh vực trang phục thể thao tại Trung Quốc cho biết, các nhãn hiệu địa phương sẽ mất nhiều thị phần hơn vào tay các thương hiệu nhập khẩu trong vòng 12 tháng tới.

 

4. Boeing

Thị phần: 52%

Lĩnh vực: Máy bay thương mại

Đối thủ cạnh tranh: Airbus, Embraer, Bombardier

Theo đánh giá của tạp chí Forbes, Boeing hiện chiếm hơn 50% thị phần thị trường máy bay thương mại của Trung Quốc. Sự hiện diện của công ty này tại quốc gia đông dân nhất thế giới sẽ còn nhiều hơn nữa trong vài năm tới. Hoạt động vận tải hành khách bằng đường không ở Trung Quốc đã tăng trưởng nhiều trong thời gian qua và dự kiến tiếp tục mở rộng. Đây sẽ là cơ hội lớn cho Boeing xuất hiện nhiều hơn ở thị trường này.

 

3. Microsoft

Thị phần: 99,3%

Lĩnh vực: Hệ điều hành máy tính cá nhân

Đối thủ cạnh tranh: Không rõ

Microsoft hiện thống trị phân mảng thị trường hệ điều hành máy tính cá nhân ở Trung Quốc. Theo công ty phân tích web Baidu Tongji, thị phần của Microsoft tại Trung Quốc là 99,31%. Các hệ điều hành Mac OS và Linux chiếm không mấy thị phần tại quốc gia này. Tuy nhiên, Trung Quốc cũng là thị trường có tình trạng vi phạm bản quyền trí tuệ phần mềm rất nghiêm trọng, nên doanh số của Microsoft bị ảnh hưởng rất lớn.

 

2. General Motors

Thị phần: 12,8%

Lĩnh vực: Xe hơi

Đối thủ cạnh tranh: BYD, Toyota

Là một trong những nhà sản xuất xe hơi lớn nhất thế giới, thị phần của General Motors tại Trung Quốc đang tiếp tục được mở rộng. Trong 6 tháng đầu năm 2010, lần đầu tiên doanh số bán của công ty này tại Trung Quốc đã vượt qua Mỹ. Vào thời điểm đó, thị trường Trung Quốc chiếm tới 1/4 doanh số toàn cầu của General Motors. Tuy nhiên, hãng xe Mỹ cũng đang phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt của các đối thủ BYD và Toyota.

 

1. KFC

Thị phần: 40%

Lĩnh vực: Đồ ăn nhanh

Đối thủ cạnh tranh: McDonald’s

KFC hiện thống trị thị trường thực phẩm ăn nhanh ở Trung Quốc. Kể từ năm 1987 khi KFC mở nhà hàng đầu tiên tại quốc gia này, cho tới nay, hãng đã có hơn 3.200 đại lý tại 650 thành phố, trong khi đối thủ McDonald’s hiện chỉ có khoảng 1.100 cửa hàng. Về thị phần, KFC chiếm 40% phân khúc thực phẩm ăn nhanh ở Trung Quốc, vượt xa con số 16% của McDonald’s. KFC có dự định tăng số nhà hàng tại Trung Quốc lên 20.000 điểm.

Theo vneconomy

Click để bình luận

Nhập bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

15 − one =

To Top