Connect with us

Xe đạp điện: Không dễ ăn

Tin trong nước

Xe đạp điện: Không dễ ăn

Sau một thời gian tập trung cho xe đạp điện, các nhà sản xuất Việt Nam cũng nhận ra đó không phải là một kế hoạch khả thi.

Năm 2005, sau khi bị Tổng vụ Thương mại thuộc Ủy ban châu Âu áp thuế chống bán phá giá, các công ty xe đạp Việt Nam muốn tập trung trở lại cho thị trường nội địa với dòng xe đạp điện. Nhưng đa phần họ cũng chỉ sản xuất cầm chừng.

Xứ mình nhưng đất người

Xe đạp điện được phân thành 2 dòng. Thứ nhất là xe đạp được gắn thêm ắc-quy và động cơ điện, có thể sử dụng cả 2 chức năng. Kiểu xe này phổ biến ở châu Âu và Mỹ, nơi người dân xem xe đạp là phương tiện rèn luyện sức khỏe và chỉ dùng động cơ điện để trợ lực khi leo dốc hoặc đi ngược gió. Dòng thứ 2 có kiểu dáng như xe tay ga, chủ yếu vận hành bằng động cơ điện, rất phổ biến tại Trung Quốc, Đài Loan hay Việt Nam.

Hiện nay trên thị trường Việt Nam, xe đạp điện Trung Quốc, Đài Loan chiếm tới 80% với kiểu dáng, màu sắc đa dạng, giá trung bình 4-5 triệu đồng/chiếc. Kế đến là xe của Nhật còn khoảng 80% giá trị sử dụng, giá từ 5-6 triệu đồng/chiếc; xe mới 100% thì từ 10-13 triệu đồng/chiếc. Dù có cấu tạo tương tự sản phẩm của Trung Quốc, Đài Loan, giá lại cạnh tranh (3,5-4 triệu đồng/chiếc) nhưng xe do doanh nghiệp trong nước sản xuất chỉ chiếm 5% thị phần với các thương hiệu như Thống Nhất (Công ty Thống Nhất), Delta (Công ty Cơ điện Delta), Hitasa (Công ty Sản xuất Thương mại Dịch vụ Hiệp Tân).

Một nhân viên kinh doanh của Công ty Thương mại Việt Nam Xanh (Hà Nội), chuyên phân phối các dòng xe đạp điện của Trung Quốc, Đài Loan, Nhật, cho biết xe đạp điện Trung Quốc được thiết kế theo dạng xe địa hình, dáng khỏe và chắc, lại có hai giảm xóc trước và sau, hỗ trợ tốt cho người dùng khi đi vào đường xấu. Trong khi toàn bộ càng sau của xe đạp điện Việt Nam vẫn giữ nguyên thiết kế của dòng xe đạp điện đơn giản ban đầu, không có giảm xóc sau, chỗ để chân hẹp và cao nên khi đi vào đường xấu, người điều khiển phương tiện dễ bị mỏi và đau lưng.

Và đó cũng là lý do các đơn vị nhập khẩu, phân phối xe đạp điện của Trung Quốc tiêu thụ được hơn 100 chiếc mỗi ngày, đại diện Công ty Thương mại Việt Nam Xanh cho biết thêm.

Ông Trần Xuân Minh, Trưởng phòng Kinh doanh Công ty Thống Nhất, cho biết quy trình sản xuất xe đạp điện không phức tạp nhưng hầu hết động cơ đều phải nhập từ Đài Loan (tỉ lệ nội địa hóa trong sản phẩm xe đạp của Thống Nhất lên đến 80% nhưng đối với xe đạp điện, mới chỉ sản xuất được phần khung). Một điều quan trọng nữa là mẫu mã, phải bắt mắt mới thu hút người mua.

Tìm về truyền thống

Như vậy, sau một thời gian khá rầm rộ, nhiều doanh nghiệp Việt Nam nhận ra rằng, xe đạp điện chỉ thích ứng với một bộ phận người tiêu dùng, chủ yếu là người già, phụ nữ và học sinh. Hơn nữa, do thói quen thích điều khiển xe ở tốc độ cao (vượt quá 35-40 km/h trong nội thành), không thực hiện đúng quy định bảo dưỡng sản phẩm của nhà sản xuất (nạp ắc-quy định kỳ, đạp mồi mỗi lần khởi động, không chở quá nặng) nên tuổi thọ của sản phẩm rất ngắn.

Theo thống kê của Hiệp hội Xe đạp Xe máy Việt Nam, trong thời gian bị áp thuế, lực lượng sản xuất xe đạp đang mỏng dần, hiện chỉ còn 5 doanh nghiệp lớn và 50 doanh nghiệp vừa và nhỏ. Do đó, nếu cứ cố cạnh tranh sản xuất xe đạp điện cũng sẽ không thể lấy lại thị phần đã mất tại thị trường EU (khoảng 11,69% vào trước năm 2005). Ông Lê Quốc Tạo, Chánh văn phòng Hiệp hội, nhận định các doanh nghiệp nên tập trung đối mặt với các đối thủ từ Trung Quốc và Đài Loan về kinh nghiệm, tài chính và thiết kế.

Công ty Thống Nhất là biểu hiện rõ nhất cho hành động tái phát triển thị trường xe đạp nội địa. Thời gian này, nhìn vào danh mục sản phẩm của Thống Nhất có thể thấy các loại xe đạp dạng cơ bản, thể thao hay dành cho trẻ em chiếm tới 80%. Cơ cấu thị trường của Thống Nhất được chia thành 2 phần: 40% xuất khẩu (chủ yếu là Mỹ, EU) và 60% nội địa (với đa phần ở thành thị). Mỗi ngày, Công ty tiêu thụ được từ 500-800 chiếc, từ loại thông thường đến chuyên dụng.

Để chuẩn bị tốt hơn cho sự cạnh tranh, Thống Nhất đã đầu tư 2 triệu USD mua các thiết bị công nghệ từ châu Âu, Nhật, Đài Loan gồm hệ thống máy ép nhựa, dây chuyền sơn bột tĩnh điện, máy hàn robot. Năm 2009, Công ty đã đưa vào hoạt động dây chuyền sản xuất hoàn chỉnh từ chế tạo khung, linh kiện đến lắp ráp thành phẩm. Hiện Thống Nhất có khả năng chế tạo, lắp ráp hơn 100 cỡ vành (bánh xe), ông Minh thuộc Công ty Thống Nhất cho biết.

Cũng theo ông, ở khu vực thành thị như Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Thống Nhất chiếm lĩnh dòng sản phẩm cao cấp (1,5-3 triệu đồng/chiếc) với các loại xe địa hình, thể thao nhắm đến đối tượng học sinh, sinh viên. Trong khi đó, dòng sản phẩm dành cho khu vực nông thôn (550.000 – 850.000 đồng/chiếc) mang đặc tính vừa di chuyển, vừa vận tải hàng hóa nên cần khung xe khỏe, chắc nhưng dáng không thô mà rất thời trang.

Riêng đối với thị trường xuất khẩu, Công ty sản xuất các dòng xe líp nhiều số, xe có đường kính bánh lớn từ 660-700 mm, thích hợp cho những người có vóc dáng cao lớn, thích đi xe đạp tập thể dục, leo núi.

Ông Minh tin rằng, với xu hướng sử dụng phương tiện giao thông rẻ, có lợi cho sức khỏe và bảo vệ môi trường ngày càng rõ, nhất là tại các nước EU, các dòng xe đạp cơ bản do Việt Nam sản xuất vẫn còn cơ hội để phát triển.

Theo NCĐT

Click để bình luận

Nhập bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

5 × four =

To Top