Tin trong nước
VNPT chưa thoái vốn, MobiFone đã được ‘nhòm ngó’
Trong khi VNPT chưa có ý kiến chính thức thì NĐT tiềm năng tỏ ra khá hào hứng với kế hoạch mua cổ phần khi MobiFone dự kiến IPO trong năm nay.Lãnh đạo cấp cao của một doanh nghiệp lớn tại Hà Nội cho biết, ông rất quan tâm tới khả năng mua một lượng lớn cổ phần tại MobiFone khi Nhà nước yêu cầu phải thoái vốn mạnh ở hãng di động này. “Tuy nhiên, khi MobiFone chiếm tới 50% lợi nhuận của VNPT thì việc mua được cũng không hề dễ dàng bởi có rất nhiều người khác cùng nhòm ngó. Lãnh đạo VNPT cũng sẽ cân nhắc kỹ khi bán ‘cầu câu cơm’ chủ yếu của mình cho người khác”, ông này nói.
Về phương án VNPT có khả năng sẽ cho công ty con mua lại cổ phần ở mạng di động, ông này cho biết, hầu hết các công ty lớn của tập đoàn này là hạch toán phụ thuộc, trừ MobiFone. Trong khi đó, MobiFone được Credit Suisse định giá lên tới 2 tỷ USD nên việc công ty con của VNPT có đủ tiền mua cổ phần để giữ khả năng điều hành là khó xảy ra.
“Chúng tôi rất quan tâm tới cơ hội đầu tư vào MobiFone, nhất là khi quy định VNPT phải thoái vốn xuống dưới 20% được công bố. Tuy nhiên, các cơ quan chức năng cần có hướng dẫn cụ thể hơn để các nhà đầu tư tiềm năng có thể thấy rõ các bước cần thực hiện”, lãnh đạo một Tập đoàn viễn thông nước ngoài lớn, có văn phòng đại diện tại Hà Nội chia sẻ.
Theo Nghị định 25 do Chính phủ ban hành và có hiệu lực từ 1/6, một tổ chức, cá nhân đã sở hữu trên 20% vốn điều lệ hoặc cổ phần trong một doanh nghiệp viễn thông thuộc danh mục quy định thì không được sở hữu trên 20% tại một đơn vị khác cùng lĩnh vực.
VNPT đang là tập đoàn mẹ sở hữu 100% tại 2 công ty con VinaPhone và MobiFone. Theo nghị định 25, VNPT sẽ buộc phải thoái vốn tại một trong 2 đơn vị trên xuống dưới 20% hoặc hợp nhất thành một mạng di động duy nhất.
Trao đổi với VnExpress.net, ông Bùi Quốc Việt, Giám đốc Trung tâm Quan hệ công chúng VNPT cho biết, là doanh nghiệp nhà nước, VNPT chắc chắn phải tuân thủ các quy định hiện hành. Nếu Chính phủ yêu cầu bán, mua lại hay sáp nhập, VNPT dù không muốn cũng phải làm. Còn hiện tại, VinaPhone và MobiFone chưa cổ phần hoá nên VNPT vẫn thay mặt nhà nước quản lý phần vốn tại đây.
“Chỉ khi 2 doanh nghiệp này thực hiện cổ phần hóa thì các hoạt động chuyển nhượng vốn mua bán hay sáp nhập mới có thể tính đến”, ông Việt cho biết. Theo ông, việc cổ phần hóa các mạng di động lớn còn rất nhiều vấn đề tranh cãi. Bản thân MobiFone đã mất tới 4 năm vẫn chưa hoàn tất công việc cổ phần hóa. “Như vậy, việc thoái vốn hay sáp nhập, mua bán ra sao, chúng tôi còn chờ hướng dẫn và sẽ có phương án phù hợp với tình hình”, ông Việt nhấn mạnh.
Một lãnh đạo khác của tập đoàn này nhận xét, trong khi VinaPhone chưa có kế hoạch cổ phần hóa, MobiFone đã mất 4 năm mà chưa biết khi nào lên sàn. Điều này cho thấy, lộ trình thoái vốn tại một trong 2 doanh nghiệp này có thể tốn rất nhiều thời gian và phức tạp.
Trong khi đó, các lãnh đạo MobiFone không đưa ra bình luận gì về khả năng thoái vốn của VNPT tại doanh nghiệp của mình. Một lãnh đạo cấp cao của mạng này cho biết: “Những vấn đề như vậy nằm ngoài thẩm quyền của lãnh đạo MobiFone. Ngay cả kế hoạch cổ phần hóa, chúng tôi làm xong và trình lên cấp trên rồi nhưng khi nào thực hiện còn phải chờ nữa là việc thoái vốn lớn đến như vậy”.
Theo phân tích của các chuyên gia về viễn thông, việc thoái vốn VNPT xuống còn 20% tại một trong 2 mạng di động chỉ có thể thực hiện dễ dàng ở MobiFone bởi hãng viễn thông này đã có sẵn kế hoạch cổ phần hóa. Trong lần trả lời phỏng vấn báo chí gần đây, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Doãn Hợp cũng khẳng định việc MobiFone sẽ cổ phần hóa ngay trong năm 2011. Bên cạnh đó, quá trình tư vấn, định giá chuẩn bị cho phát hành lần đầu (IPO) cũng được nhà tư vấn nước ngoài là Credit Suisse thực hiện.
Còn VinaPhone là đơn vị hạch toán phụ thuộc, kế hoạch cổ phần hóa chưa có. Nếu tiến hành việc thoái vốn tại mạng di động này thì VNPT phải cho VinaPhone hạch toán độc lập rồi mới có thể tiến hành các quy trình khác. Điều này sẽ khiến cho việc thoái vốn trở nên vô cùng phức tạp.
Trước khi quy định VNPT phải thoái vốn xuống dưới 20% tại một trong hai mạng di động được công bố, ban lãnh đạo MobiFone từng có dự kiến về một cơ cấu sở hữu chuẩn trong tương lai xa. Theo đó, Nhà nước, cổ đông chiến lược nước ngoài và các cổ đông ngoài công ty ở trong nước sẽ giữ mỗi người một phần ba số cổ phiếu có quyền biểu quyết. “Đây sẽ là một cơ cấu sở hữu tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của MobiFone”, ông Lê Ngọc Minh – chủ tịch Hội đồng thành viên mạng di động này nói.
Theo vnexpress