Connect with us

Vinamilk là thương hiệu “hot” nhất Việt Nam

Tin trong nước

Vinamilk là thương hiệu “hot” nhất Việt Nam

Vinamilk chính thức "thống lĩnh" sức hấp dẫn ở thị trường Việt Nam và Coca Cola giữ vị trí số 1 tại thị trường toàn cầu ở góc độ phổ biến và được nhiều người tiêu dùng chọn lựa là điểm nổi bật trong báo cáo xếp hạng Mức độ Phổ biến Thương hiệu (Brand Fo

Báo cáo xếp hạng Mức độ Phổ biến Thương hiệu đã tiến hành thống kê 50 thương hiệu hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) được người tiêu dùng chọn mua nhiều nhất tại Việt Nam và trên toàn thế giới. 

Theo đó, tại Việt Nam, “ngôi vương” thuộc về Vinamilk, vốn là một công ty nội địa dẫn đầu ngành sữa với bề dày lịch sử ở thị trường trong nước. Một điều đáng lưu ý nữa là hai thương hiệu do Vinamilk sở hữu là Ngôi Sao Phương Nam và ông Thọ cũng lần lượt chiếm hai vị trí thứ 6 và thứ 10 trong top 10 thương hiệu có điểm tiếp cận cao nhất tại Việt Nam. 

Điều này có thể lý giải do hiện nay Vinamilk hầu như có mặt ở mọi gia đình người Việt (94% tổng số hộ) với tần suất mua trung bình là 27 lần một năm, đồng nghĩa với việc thương hiệu này được người tiêu dùng chọn mua tổng cộng 57 triệu lần trong một năm cho tiêu dùng trong nhà, ở 4 thành phố chính Việt Nam (TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng và Cần Thơ). 

Tuy nhiên, cũng có một điểm đáng lưu ý nếu so sánh sự tăng trưởng trong top 10 thương hiệu hàng đầu, thì Vinamilk vẫn “giữ vững phong độ” về sức hấp dẫn, trong khi nhãn hiệu Ngôi Sao Phương Nam có tốc độ tăng trưởng cao nhất lên đến 5%. Ngoài ra, nhãn hiệu Ajinomotor cũng có sự tăng trưởng 2% và Dutch Lady có sự tăng trưởng 1%, còn lại tất cả các thương hiệu đều thể hiện sự sút giảm so với cùng kỳ năm 2011. Đáng lưu ý thương hiệu Oishi giảm đến 15% .

Ở góc độ toàn cầu, Coca-Cola dẫn đầu bảng xếp hạng Brand Footprint của Kantar Worldpanel, trở thành thương hiệu được người tiêu dùng chọn mua nhiều nhất trên toàn thế giới với 5,3 tỷ lần được chọn mua. Nhà sản xuất nước giải khát này đã chiếm ngôi vị cao nhất nhờ tỷ lệ hộ mua cao ở mức 44% tổng số hộ và tần suất mua cao nhất trên toàn thế giới (trung bình 15 lần trong một năm). 

Báo cáo đồng thời nhấn mạnh những cơ hội còn để ngỏ cho sự mở rộng và phát triển của các thương hiệu, cụ thể như hiện chỉ có duy nhất một thương hiệu có mặt tại hơn một nửa số hộ gia đình trên toàn thế giới. Đó chính là thương hiệu chăm sóc răng miệng Colgate với tỷ lệ hộ mua là 65% trên toàn thế giới và 62% ở thị trường châu Á. 

Báo cáo cũng cảnh báo một xu hướng là người tiêu dùng ở các thị trường mới nổi (trong đó có Việt Nam) chuộng “thức ăn nhanh hơn”. Đây là dấu hiệu rất đáng tích cực và thể hiện phần nào xu hướng gia tăng đầu tư trên lĩnh vực này tại Việt Nam trong thời gian gần đây. 

Về phương thức tiến hành khảo sát ông Fabrice Carrasco, Giám đốc Điều hành Kantar Worldpanel Việt Nam, Phillippines và Indonesia chia sẻ, bảng xếp hạng Brand Footprint Ranking của Kantar Worldpanel cho thấy sức mạnh của các thương hiệu ở 32 quốc gia (thuộc 4 châu lục) trên toàn thế giới, từ lĩnh vực thực phẩm, đồ uống, chăm sóc sức khỏe, chăm sóc sắc đẹp cho đến chăm sóc gia đình. 

Bảng xếp hạng sử dụng Điểm tiếp cận người tiêu dùng (Consumer Reach Points) – một thước đo hoàn toàn mới cho phép đo lường bao nhiêu gia đình trên toàn thế giới đang chọn mua một thương hiệu (tỷ lệ hộ mua) và tần suất mua thường xuyên đến mức nào (số lần chọn mua thương hiệu đó). 

Với phương pháp tính toán dựa trên tỷ lệ hộ mua và tần suất mua, thước đo này giúp các nhà sản xuất hàng tiêu dùng nhanh hiểu rõ độ bao phủ của họ trên phạm vi toàn cầu ở góc độ số lần mà sản phẩm được chọn mua, qua đó cung cấp một chỉ dẫn thiết yếu cho thấy các khu vực nào mang lại cơ hội lớn nhất. 

Theo Báo Đầu Tư 

Click để bình luận

Nhập bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

20 − seven =

To Top