Connect with us

Vì sao VPBank đổi tên?

Tin trong nước

Vì sao VPBank đổi tên?

Ngân hàng Ngoài quốc doanh (VPBank) đổi tên thành Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng khi tên cũ đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử, cần tái định vị thương hiệu theo bối cảnh và hướng phát triển mới.

Ngày 27/7/2010, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ban hành Quyết định số 1815/QĐ-NHNN, chấp thuận đổi tên Ngân hàng Thương mại Cổ phần Các doanh nghiệp Ngoài quốc doanh thành Ngân hàng Thương mại Cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng.

Triển khai thực hiện đổi tên này, Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng có trách nhiệm đăng ký với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, đăng báo trung ương, báo địa phương và sửa đổi các điều, khoản có liên quan trong điều lệ tổ chức và hoạt động theo những nội dung của quyết định này phù hợp với các quy định của pháp luật hiện hành.

Đồng thời, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước giao Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh thành phố Hà Nội có trách nhiệm chỉ đạo, kiểm tra, giám sát Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng thực hiện đúng nội dung của quyết định này.

Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký và là một bộ phận không thể tách rời của giấy phép hoạt động số 0042/NH-GP ngày 12/8/1993 do Ngân hàng Nhà nước cấp.

Tên cũ “đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử”

Trước quyết định trên của Ngân hàng Nhà nước, VPBank cũng đã có tờ trình gửi cổ đông về việc thay đổi tên gọi, hình ảnh logo.

Theo nội dung tờ trình, sau 17 năm hoạt động với rất nhiều giai đoạn thăng trầm, cái tên “Ngân hàng Thương mại Cổ phần Các doanh nghiệp ngoài Quốc doanh Việt Nam” đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử của nó vì khu vực tư nhân hiện nay đã chiếm đến 70% GDP; các ngân hàng đều chuyển hướng tập trung vào bán lẻ và khu vực kinh tế này, nên tên đó không còn tạo được sự khác biệt nữa.

Mặt khác, hiện nay, trên thị trường và đối với các cổ đông, đa số chỉ biết đến tên viết tắt là “VPBank”, còn tên đầy đủ nói trên là quá dài, phức tạp trong giao dịch, trong các giấy tờ chính thức của ngân hàng, khó nhớ đối với cả cổ đông, đối với khách hàng và cũng không có nhiều ý nghĩa.

Ở một lý do khác, mục tiêu hoạt động của ngân hàng đã không ngừng thay đổi theo từng thời kỳ cho phù hợp để đạt được những giá trị về thương hiệu và hiệu quả hoạt động. Vì vậy, ngân hàng này cần có một cái tên phù hợp hơn, kế thừa được những lợi thế của quá khứ và thể hiện được mục tiêu chiến lược của giai đoạn mới.

 “Ngoài ra, trong vài năm vừa qua, nhận thức được tầm quan trọng trong hiệu quả kinh doanh của những giá trị vô hình khi thương hiệu của mình được định vị trong tâm trí khách hàng, các ngân hàng bên cạnh cuộc chạy đua cạnh tranh về nội lực đó là việc nâng cao chất và lượng của sản phẩm, dịch vụ, đã ráo riết vào cuộc đua để thay đổi, nâng cấp hình ảnh, diện mạo mới”, tờ trình của VPBank giải thích thêm.

Và để bước vào giai đoạn mới, Hội đồng Quản trị VPBank cho rằng việc xây dựng thương hiệu sẽ tác động mạnh mẽ tới toàn bộ ngân hàng, từ cấu trúc, mục tiêu, thái độ cho tới tầm nhìn của mọi thành viên trực thuộc; nó sẽ đại diện cho tinh thần của toàn bộ ngân hàng trong giai đoạn mới.

Nhận diện mới

Với những lý do trên, Hội đồng Quản trị VPBank đã thống nhất tìm kiếm một đối tác chuyên nghiệp của nước ngoài tư vấn về chiến lược tái định vị thương hiệu ngân hàng, nhằm biến những giá trị trừu tượng của ý tưởng và hình ảnh thương hiệu thành những giá trị cụ thể đưa đến với công chúng, từ đó hỗ trợ cho các hoạt động kinh doanh.

Theo đó, VPBank đổi tên theo hướng: giữ nguyên tên viết tắt tiếng Anh “VPBank” – là nét đặc thù đã được xây dựng trong nhiều năm qua; thay đổi tên đầy đủ (tiếng Việt, tiếng Anh) và hình ảnh logo mới theo hướng tạo ra sự khác biệt, mới mẻ, nhưng gần gũi.

Những đổi mới đó tập trung ở tên gọi mới “Ngân hàng Thương mại Cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng”; tên tiếng Việt viết tắt đề xuất thay đổi là “Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng”; tên đầy đủ tiếng Anh là “Vietnam Prosperity Joint – Stock Commercial Bank”; và tên viết tắt tiếng Anh giữ nguyên “VPBank”.

Theo VPBank, hiện tại trên thị trường có 3 xu hướng đặt tên ngân hàng: đặt tên mang đặc trưng về địa lý, vùng miền như Ngân hàng Sài Gòn, Ngân hàng Phương Đông, Ngân hàng Miền Tây…; đặt tên dựa trên lĩnh vực chủ yếu mà ngân hàng đó phục vụ như Ngân hàng Kỹ thương, Ngân hàng Xuất nhập khẩu, Ngân hàng Nhà… (VPBank trước kia cũng đặt tên theo xu hướng này); đặt tên mang ý nghĩa biểu trưng và hàm ý rộng như Ngân hàng Đại Dương, Ngân hàng An Bình, Ngân hàng Liên Việt…

Tên mới của VPBank được đặt theo xu hướng thứ 3, vì cách này sẽ tạo ta một cái tên có tính riêng biệt, không bị ảnh hưởng bởi sự thay đổi trụ sở, mục tiêu hoạt động mà lại có hàm ý sâu xa, có thể suy rộng ra nhiều mặt của hoạt động. Tên riêng của ngân hàng “Thịnh Vượng” thể hiện mục đích mà ngân hàng mong muốn đem lại cho khách hàng và cổ đông…

Theo vneconomy

Click để bình luận

Nhập bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

twelve + 20 =

To Top