Connect with us

“Vị ngọt” ngành bánh kẹo

Tin trong nước

“Vị ngọt” ngành bánh kẹo

Trong bối cảnh kinh tế vẫn còn khó khăn và sức mua chưa tăng mạnh, nhiều người vẫn thắt chặt tiêu dùng, thì thị trường bánh kẹo vẫn kỳ vọng sẽ có một mùa ăn nên làm ra trong Tết Trung thu 2013. 

Và triển vọng mùa ăn nên làm ra của ngành bánh kẹo không chỉ dừng lại ở Trung thu năm nay, bởi các “cửa ngõ” trên “con đường tơ lụa” của ngành bánh kẹo ngày càng nhiều và dài ra…

Không tăng trưởng quá mạnh trong những năm qua là đặc trưng của ngành bánh kẹo VN. Tuy nhiên, đây lại chính là cơ sở cho thấy ngành bánh kẹo VN vẫn chưa thực sự đạt đến đỉnh như nó có thể đạt tới trong tương lai. Sự tăng trưởng ổn định trong mức bình quân 10-12%, ở một thị trường có dân số đông đứng thứ 13 thế giới. Bên cạnh đó, cũng là một yếu tố cho thấy ngành bánh kẹo đã đi vào chu kỳ kinh doanh phát triển, tốt hơn nhiều lĩnh vực kinh doanh khác.

Miếng bánh dậy sữa

Báo cáo của BMI về ngành thực phẩm và đồ uống VN cho biết, tốc độ tăng trưởng doanh số của ngành bánh kẹo (bao gồm cả socola) trong giai đoạn 2010 – 2014 ước đạt 8 – 10%. Và thực tế là mức tăng trưởng (10 – 12%) so với mức trung bình trong khu vực (3%) và trung bình của thế giới (1 – 1,5%), thực sự rất ổn. Hiện nay, mức tiêu thụ bánh kẹo bình quân của VN vẫn khá thấp (1,8 kg/người/năm) so với trung bình của thế giới là 2,8 kg/người/năm. Vậy thử đặt ngược một câu hỏi, nếu mức tiêu thụ trung bình của người VN tăng bằng mức trung bình về tiêu thụ của thế giới xét trên đầu người, tăng trưởng của ngành ở VN sẽ còn đạt tới đâu?

Trong một hội thảo về Quy hoạch phát triển ngành kỹ nghệ thực phẩm đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 do Bộ Công Thương tổ chức ngày đầu tháng 8, ông Vũ Quang Hùng – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược – Chính sách công nghiệp (Bộ Công Thương) đã cho rằng bánh kẹo sẽ là ngành phát triển nhất. Ông Hùng dẫn các số liệu nghiên cứu để xác nhận tốc độ tăng trưởng của ngành kỹ nghệ thực phẩm thời gian qua tương đối tốt, giai đoạn 2006 – 2010 tăng trên 17%, trong đó sản xuất bánh kẹo tăng gần 35%, mỳ chính là 10% và mỳ ăn liền tăng xấp xỉ 10%. Giá trị sản xuất của ngành cũng có mức tăng khá, từ 6.000 tỉ đồng (2005) lên gần 17.000 tỉ đồng (2011). Sự thay đổi cơ cấu của ngành kỹ nghệ thực phẩm nói chung, từ mỳ ăn liền chiếm tỉ trọng lớn (và nay đã có phần bão hòa), nhường chỗ cho bánh kẹo (chiếm 40% tỉ trọng ở năm 2011) cũng là cơ sở chứng minh cho sự tăng trưởng của bánh kẹo theo thời gian. Bánh kẹo đã thực sự bắt được nhịp quay của xu hướng tăng trưởng chi tiêu tiêu dùng đang được dự báo sẽ bùng nổ tại VN trong thời gian tới.

Do đó, không lạ khi các đại gia trong nhà, ngoài nước đều đã đang muốn bành trướng trên thị trường bánh kẹo VN.

“Con đường tơ lụa” của các đại gia ngoại

Có rất nhiều con đường khác nhau dẫn các đại gia ngoại tham gia thị trường bánh kẹo VN. Đường “tơ lụa” hiểu theo nghĩa giản đơn nhất là xuất khẩu. Đơn vị nhập khẩu có thể là đối tác, nhà đại lý phân phối, nhà liên doanh…

Có hai điển hình trong cách thức khai thác “con đường tơ lụa” tới thị trường bánh kẹo VN rất hiệu quả, là trường hợp của Glico và Lotte.

Glico, với tư cách nhà sản xuất bánh kẹo hàng đầu Nhật Bản, đã không hổ danh là người đứng đầu ngành bánh kẹo ở một thị trường phát triển bậc nhất, khi chọn đối tác liên doanh cũng là một kẻ rất môn đăng hộ đối, có vai vế trên thị trường bánh kẹo Việt: Kinh Đô. Theo thống kê của Viện nghiên cứu chiến lược – chính sách công nghiệp thì sản xuất bánh kẹo trong nước chia làm ba nhóm chính: Nhập khẩu (chiếm 20%), DN chiếm tỉ trọng lớn (gồm Tập đoàn Kinh Đô, Cty CP bánh kẹo Hải Hà, Cty CP Bibica chiếm 42%) và DN khác (chiếm 38%). Một thống kê khác của Cty CK KIS VN cung cấp dữ liệu thị phần năm 2010 và 2012 cũng cho thấy, Kinh Đô đang chiếm 28% – cao nhất trong thị trường năm 2010, đã tiếp tục tăng thị phần dẫn đầu và đạt 29% năm 2012. Cùng với đó, Kinh Đô cũng được biết tới với tư cách DN có hệ thống phân phối lớn nhất trong ngành bánh kẹo, cũng là một trong những hệ thống phân phối lớn nhất trong ngành thực phẩm với 300 nhà phân phối và 200.000 điểm bán lẻ, đằng sau là các kênh siêu thị lớn và chuỗi Kinh Đô Bakery. Kinh Đô quả là con đường tơ lụa tuyệt hảo cho Glico đi vào thị trường Việt.

Với sự hậu thuẫn Glico, Kinh Đô sẽ củng cố vị thế của mình cũng như có thêm nguồn lực để mở rộng, phát triển sản phẩm mỳ ăn liền đã ấp ủ rất lâu. Kinh Đô chắc chắn sẽ tận dụng sâu hệ thống phân phối để tăng doanh thu và lợi nhuận. 1.000 tỉ đồng doanh thu – mục tiêu phân phối các sản phẩm Glico từ nay đến năm 2016 mà Kinh Đô đặt ra, thực sự là một tham vọng win-win cho cả 2 bên.

Khác với hình thức hợp tác chiến lược kiểu Kinh Đô, từ một liên doanh, Lotte – nhà sản xuất bánh kẹo hàng đầu Hàn Quốc nay đã “nhảy” vào ghế làm chủ Cty CP Bibica với hơn 39% cổ phần sở hữu. Quyền quyết định và chi phối Bibica trong thời gian này chính là bàn đạp để Lotte tiến sâu vào thị trường bánh kẹo Việt, thậm chí có thể xóa sổ Bibica nếu không gặp sự phản kháng. Chẳng may! “Đạo cao một tấc, ma cao một trượng”. Vẫn là… người tính chứ chưa hẳn trời tính nhưng đối thủ ngay trong chính trường Bibica bây giờ của Lotte, không phải là những nhà sáng lập mà là kẻ “thọc gậy bánh xe” SSI- một ông lớn trên thị trường đầu tư tài chính. SSI có cố thủ tư cách “thọc gậy bánh xe” trong dài lâu, hay không sớm thì muộn cùng bắt tay thật ngọt với Lotte? Ai biết được SSI sẽ chỉ muốn nếm bánh trong một mùa Trung thu này, hay còn muốn được ăn bánh trường kỳ tại Bibica qua các mùa vụ tiếp!

Dù như thế nào thì với mùa Trung thu trước mắt, Kinh Đô lẫn Bibica đều đang đặt những mục tiêu doanh thu rất lớn. Điều lạ là đến nay, chưa thấy các đại gia ngoại chọn bánh Trung thu làm sản phẩm để cung qua các cửa ngõ trên con đường tơ lụa, đi vào VN. Phải chăng, các đại gia muốn thay đổi yếu tố mùa vụ – một trong những đặc điểm của ngành bánh kẹo Việt khiến doanh thu của các DN trong ngành rất dễ dàng tăng vọt trong một thời kỳ, nhưng cũng dễ tiềm ẩn những rủi ro ngoài dự đoán nếu mùa vụ đó gặp… sự cố; mà mục đích chính của họ vẫn là muốn “gặt hái” thị trường đều đặn và an toàn hơn?

Một điều lạ nữa, chưa thấy các DN ngành bánh kẹo VN lên kế hoạch, mục tiêu doanh thu rõ ràng từ tận dụng con đường tơ lụa mà các đối tác, “người nhà khác họ” của DN đã khai thông, để “hàng đổi hàng” từ VN tới thị trường nước bạn dồi dào và… công bằng hơn? Chẳng nhẽ chỉ vì VN là miếng bánh quá hấp dẫn và bản thân các DN Việt vẫn chưa tìm được đúng khẩu vị ngon lành khi nếm bánh trên các thị trường khác, mà “con đường tơ lụa” này mãi chỉ có những nhà buôn hành tiến một chiều?

Theo DĐDN

Có thể bạn quan tâm...
Click để bình luận

Nhập bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

fifteen − 3 =

To Top