Connect with us

Trong hỏa mù của thị trường nước chấm

Tin trong nước

Trong hỏa mù của thị trường nước chấm

Cuộc cạnh tranh trong ngành nước chấm hiện đang có nhiều biểu hiện không lành mạnh. Bằng lợi thế quảng cáo, kênh phân phối và cả “mánh”, thị trường này rơi vào tay một vài doanh nghiệp lớn. Người tiêu dùng cũng lãnh hậu quả trong cuộc chơi không công bằng này. 

Vỡ thị trường sau 3-MCPD

Phát biểu tại hội thảo “Tiêu chuẩn chất lượng nước chấm” do Hội Lương thực Thực phẩm TP.HCM (FFA) tổ chức ngày 27/10, ông Phan Bảo Tâm, Giám đốc Công ty Sản xuất Nước tương Mê Kông, cho biết, vụ phát hiện ra chất 3-MCPD trong nước tương hồi năm 2007 đã làm chấn động ngành nước tương.

Kết cục là kể từ khi vụ việc lắng dịu dư luận thì toàn bộ hệ thống thị trường nước tương bị tan rã. Trước khi xảy ra vụ việc này, thị trường có gần 30% thị phần cung cấp ở miền Bắc, 70% thị phần cung cấp ở miền Nam và xuất khẩu, với hơn chục doanh nghiệp (DN) trên địa bàn TP.HCM và trung bình khoảng 5 – 6 DN ở các tỉnh thành khu vực phía Nam, đồng bằng Sông Cửu Long.

Nay mỗi tỉnh thành chỉ còn khoảng 1 – 2 DN hoạt động lay lắt với những sản phẩm chủ yếu là nước tương lít cung cấp cho những hàng quán bình dân, chợ nhỏ, lẻ… Riêng tại TP.HCM chỉ còn khoảng 5 – 6 DN hoạt động trong phạm vi hạn hẹp.

Lý giải cho vấn đề này, ông Tâm dẫn chứng, một phần do cạnh tranh không lành mạnh, đã làm cho những thương hiệu lớn dần mai một, điển hình như nước tương Nam Dương, Đào Tiên sau biến cố 3-MCPD mất gần hết thị phần. Từ sản lượng sản xuất 150.000 lít/ngày (tương đương 100.000 – 300.000 chai nước tương), hai hãng này hiện nay chỉ còn khoảng 30% con số trên.

Suy kiệt dần sức cạnh tranh, các DN này ngày một yếu hơn, không đủ lực để đưa sản phẩm ra thị trường cũng như phát triển, đẩy mạnh kênh tiếp thị, phân phối sản phẩm.

Bà Lưu Đường, Chủ nhiệm CLB Nước chấm (trực thuộc FFA) nói, đại đa số DN sản xuất nước tương đều sản xuất theo phương pháp cổ truyền, mang tính thủ công và ở quy mô nhỏ, siêu nhỏ.

Do đó, việc tiếp cận với quy trình sản xuất hiện đại đòi hỏi về khả năng tài chính lớn. Tuy nhiên, với tiềm lực manh mún, DN trong ngành một số phải giải thể, số còn lại phải vừa sản xuất, vừa hoàn thiện, đầu tư đổi mới quy trình sản xuất.

Đứng về phía Cục Quản lý Cạnh tranh, bà Hoàng Thị Yến, cho rằng, thực tế hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh trong ngành nước chấm đã diễn ra.

Điển hình nhất là việc quảng cáo cũng như công bố những thông tin trên sản phẩm không rõ ràng đã được xem là hành vi vi phạm Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Tính riêng năm 2011, Cục đã giải quyết hơn 130 vụ trong ở tất cả các lĩnh vực, ngành nghề.

Tuy nhiên, 100% vụ việc đều do đơn vị tự phát hiện và xử lý. Còn những vụ việc do DN yêu cầu xem xét cũng như tiến hành điều tra chỉ bằng 1/3 so với số lượng đơn vị đã thực hiện. Bởi phần lớn DN chỉ muốn tự xử lý. Điều này đã dẫn đến thực trạng, nảy sinh nhiều cạnh tranh không lành mạnh.

Nước mắm lấp lửng về chất lượng

Trên thị trường hiện đang phân phối hai loại nước mắm nguyên chất và nước mắm công nghiệp. Nước mắm công nghiệp là sản phẩm được pha chế từ một phần nước mắm nguyên chất, nước muối, phụ gia tạo mùi hương, tạo màu nâu, vàng, chất bảo quản, xử lý…

Tuy nhiên, theo DN trong ngành phân tích, giá trị dinh dưỡng trong nước mắm công nghiệp thấp hơn nhiều so với nước mắm tự nhiên, đó là chưa nói đến yếu tố độc hại. Thế nhưng, nhiều DN sản xuất mặt hàng này lại không ghi rõ trên nhãn mác về tiêu chuẩn độ đạm, protein, nitơ toàn phần…

Bởi vì, theo ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó giám đốc DNTN Chế biến Thực phẩm Hồng Hạnh, những thành phần ghi trên nhãn mác sản phẩm liên quan đến chất dinh dưỡng của người tiêu dùng.

Tuy nhiên, sự không rõ ràng của thành phần sản phẩm khiến người tiêu dùng không nắm được thông tin đâu là nước mắm nguyên chất, đâu là sản phẩm pha chế công nghiệp.

Đồng tình với ý kiến này, ông Tâm nói thêm, có không ít các “đại gia” nước chấm đã không ngại tung các chiêu quảng cáo sai sự thật, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng và khiến doanh số tiêu thụ của các DN sản xuất nhỏ giảm sút nghiêm trọng.

Theo ông Phạm Ngọc Dũng, Phó chủ nhiệm CLB Nước chấm, trong khi nhu cầu tiêu thụ của thị trường ngày càng lớn thì nguồn nguyên liệu cá sử dụng trong ngành sản xuất nước mắm đang giảm.

Do đó, các nhà sản xuất đã “đắp đổi” thiếu hụt bằng những chất phụ gia. Và việc xác định chất lượng sản phẩm có chất phụ gia thì rất khó. Bởi vì, theo ông Dũng, có quá nhiều chủng loại, chất phụ gia, đến DN trong ngành vẫn không biết hết.

Trước thực trạng này, các DN kiến nghị, cơ quan chức năng cần tăng cường quản lý việc công bố thông tin trên nhãn mác sản phẩm của DN. Quy định về sử dụng chất phụ gia trong sản xuất thực phẩm và danh mục phụ gia được phép sử dụng của Bộ Y tế có từ năm 2001, so với sự phát triển của thị trường phụ gia thì quy định này đã quá cũ.

Chưa kể, Việt Nam vẫn cho phép sử dụng một số chất phụ gia đã bị Ủy ban Tiêu chuẩn Thực phẩm Quốc tế (Codex) cấm. “Để thực hiện việc cấp phép về tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm cần có sự thống nhất giữa các địa phương.

Bởi thực tế, có không ít DN được Bộ Y tế cấp phép trực tiếp, vô hình dung tạo sự mất công bằng giữa các DN, giữa khối tư nhân, nhà nước và có vốn đầu tư nước ngoài (FDI)… trong ngành”, ông Dũng kiến nghị.

Theo DNSG

Click để bình luận

Nhập bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

14 + fourteen =

To Top