Connect with us

Tiếp thị số ở Việt Nam đang chậm chân?

Tin trong nước

Tiếp thị số ở Việt Nam đang chậm chân?

Khi thế giới càng trở nên “phẳng” và công nghệ hóa cao thì tiếp thị số sẽ trở thành một xu hướng truyền thông mới.

Khi thế giới càng trở nên “phẳng” và công nghệ hóa cao thì tiếp thị số sẽ trở thành một xu hướng truyền thông mới, chủ đạo và tất yếu.

Trong buổi hội thảo “Tiếp thị số- Xu hướng truyền thông mới” tại Hà Nội cuối tuần trước, giáo sư Ian Fenwick – chuyên gia tiếp thị số, một trong hai tác giả của cuốn sách best seller về tiếp thị số “Tiếp thị số – Hướng dẫn thiết yếu cho truyền thông mới & Digital Marketing” đã nói như vậy.

Ông nói, tiếp thị số đang là cơ hội lớn, nó rất rẻ, thế nhưng người làm tiếp thị của Việt Nam lại đang chậm chân hơn so với nhu cầu thị trường cần có.

Tiềm năng lớn

Theo giáo sự Ian Fenwick, các doanh nghiệp Việt Nam đang có điều kiện và tiềm năng để quảng bá, giới thiệu sản phẩm, hàng hóa và dịch vụ của mình qua kênh truyền thông mới là tiếp thị số.

Vì, số người sử dụng Internet của Việt Nam đã lên hơn 20 triệu, chiếm gần một phần tư dân số cả nước. Và, số người sử dụng điên thoại di động- kênh tiếp cận mới của Internet và viễn thông còn lớn hơn gấp nhiều lần. 

Tuy nhiên, hiện các doanh nghiệp của Việt Nam vẫn chủ yếu sử dụng quảng cáo, tiếp thị qua kênh truyền thông truyền thống là ti vi và báo giấy, trong khi chi phí quảng cáo qua các kênh này cực đắt, lên tới hàng trăm triệu hoặc cả tỉ đồng để xây dựng hình ảnh quảng cáo, tiếp thị.

Mặc dù hiện nhiều doanh nghiệp cũng đang có xu hướng mở các kênh tiếp thị số, chủ yếu là qua website của doanh nghiệp nhưng hình thức, nội dung thể hiện còn hạn chế, chưa hấp dẫn và chưa tạo ra được nét độc đáo riêng, hiệu quả tiếp thị còn thấp.

Các kênh tiếp thị số như Internet, blog, mạng xã hội, qua điện thoại di động dù chi phí rẻ hơn cả trăm lần so với quảng cáo truyền thống, có “độ phủ” rất rộng và hiệu quả cao nhưng vẫn chưa được doanh nghiêp đầu tư phát triển. “Điều đó do khả năng nhận biết của doanh nghiệp về hiệu quả đầu tư cho kênh tiếp thị”, ông Ian Fenwick phân tích.

Ông Ian Fenwick kể, ở Trung Quốc có mạng xã hội được sử dụng trên điện thoại di động, trên đó người ta có thể đưa mọi sản phẩm lên và  người tiêu dùng chỉ cần click vào đó là biết được thông tin sản phẩm, ở mọi lúc, mọi nơi.

Thực tế, doanh nghiệp chỉ cần đầu tư một hai chục triệu đồng là có thể xây dựng được những hình ảnh quảng cáo, tiếp thị cho mình qua các kênh truyền thông số. Hơn nữa, khi tiếp thị, quảng cáo trên các kênh truyền thông số, doanh nghiệp sẽ đo lường được tính hiệu quả của quảng cáo, biết được có bao nhiêu người tham gia vào quảng cáo thông qua lượng người vào xem.

Bà Lê Thúy Hạnh, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tiếp Thị Số (Digimarketing.vn) nhận định, do Việt Nam có tỷ lệ dân số trẻ, số người dùng Internet, sử dụng các thiết bị đầu cuối và tham gia các mạng xã hội đã tăng trong rất nhanh trong một hai năm lại đây, vì thế trong ba đến năm năm tới sẽ là cơ hội lớn để phát triển quảng cáo trực tuyến và tiếp thị số.

Sự khác biệt của tiếp thị số

Sự khác biệt giữa tiếp thị số và các kênh tiếp thị truyền thống là có sự tương tác của khách hàng. Cụ thể, tiếp thị qua kênh này, khách hàng có thể phản hồi lại về sản phẩm, về chất lượng, giá cả, hình thức, nhu cầu… thông qua đó người làm tiếp thị, doanh nghiệp sẽ có đầy đủ thông tin của khách hàng và biết được khách hàng cần gì, muốn gì về sản phẩm của mình.

Ưu điểm lớn nhất của phương thức marketing số là ứng dụng công nghệ hiện đại để tiến hành tiếp thị, chính vì thế có thể giúp doanh nghiệp thực hiện những chiến dịch marketing trên diện rộng đến hàng triệu người dùng.

Theo giáo sư Ian Fenwick, những lời nhận xét, đánh giá trên mạng về sản phẩm nào đó là động lực rất lớn dẫn đến quyết định đến việc mua bán ngay trên mạng, vì theo thống kê 86% comment đọc nhận xét trước khi mua sản phẩm và 90% là tin tưởng vào những lời nhận xét, đánh giá về sản phẩm đó.

Theo ông, hiện tại cũng như trong tương lai, những phương thức tiếp thị số mà doanh nghiệp có thể ứng dụng và đẩy mạnh phát triển là email marketing (tiếp thị qua thư điện tử), web marketing (qua website của doanh nghiệp), blog marketing (qua blog cá nhân), SMS marketing (qua tin nhắn), mobile marketing (qua điện thoại di động), social net-working marketing (mạng xã hội)…

Mặc dù vậy quảng cáo có thành công hay không còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố khác như sức lan tỏa, ấn tượng mà những quảng cáo đó đem lại, đặc biệt là tùy thuộc vào mục đích của từng chiến dịch mà có những cách đánh giá khác nhau, trong đó mục tiêu của doanh nghiệp là muốn tăng độ nhận diện, tăng độ phủ, tăng doanh số hay lợi nhuận… cũng là yếu tố quyết định.

Theo vneconomy

Có thể bạn quan tâm...
Click để bình luận

Nhập bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

4 × four =

To Top