Connect with us

Thương hiệu vùng miền: Lo phá hơn giữ

Tình huống thương hiệu

Thương hiệu vùng miền: Lo phá hơn giữ

Đã có không ít câu chuyện cười ra nước mắt về việc sản phẩm của nhiều doanh nghiệp dùng chung một nhãn hiệu của địa phương. Chỉ cần một vụ làm ăn gian dối bị phát giác, nguy cơ mất giá trị nhãn hiệu chung cũng rất dễ dàng.

Rất dễ tổn thương

Đầu tháng 6, thông tin dây chuyền sản xuất sữa Ba Vì kém chất lượng của Công ty CP Sữa tươi Ba Vì xuất hiện tràn lan làm người tiêu dùng quan ngại về các sản phẩm mang nhãn hiệu “sữa Ba Vì”. Tai bay vạ gió rơi vào “đầu” các doanh nghiệp sữa lâu nay sống nhờ nhãn hiệu định danh “sữa Ba Vì”. Người tiêu dùng thì quay lưng, doanh nghiệp phải lần lượt lên tiếng cải chính, kêu oan.

Tuy nhiên, phải nửa tháng sau, kết quả điều tra của công an TP. Hà Nội mới được công bố. Theo đó, nhiều loại sữa tươi Ba Vì của Công ty CP Sữa tươi Ba Vì không đảm bảo chất lượng như công bố, mất VSATTP là sản phẩm giả nhãn hiệu sữa Ba Vì đã bị tiêu hủy, đình chỉ sản xuất… thì người tiêu dùng mới thở phào, còn doanh nghiệp như trút được gánh nặng.

Trên các diễn đàn, ban đầu, nhiều phụ huynh rất hoang mang. Một số gia đình tạm ngừng mua các loại sữa tươi mang thương hiệu Ba Vì ngay cả ở siêu thị.

“Trung bình hai đứa con ngày nào cũng uống 1 lít sữa tươi Ba Vì. Kiểu này mọi người chỉ mua sữa tươi của các công ty có uy tín trên thị trường thôi, đừng mua các nhãn hiệu gia công ngoài”, một phụ huynh nhắn nhủ.

Đáng nói là, theo cơ quan công an, trong buổi làm việc với UBND huyện Ba Vì ngày 7/6 về việc cho phép sử dụng nhãn hiệu chứng nhận cho sản phẩm Sữa mang địa danh Ba Vì, lãnh đạo huyện này khẳng định cho đến giờ chính quyền địa phương mới chỉ cấp phép cho 2 đơn vị là Công ty cổ phần Sữa Ba Vì và Công ty cổ phần Sữa Quốc tế (IDP). Ngoài ra, UBND huyện chưa cho phép đơn vị nào được sử dụng nhãn hiệu sữa Ba Vì nêu trên.

Tên tuổi của đơn vị vi phạm với công ty được cấp nhãn hiệu chứng nhận “sữa Ba Vì” cũng na ná như nhau. Địa chỉ đăng ký doanh nghiệp, theo hồ sơ của cơ quan điều tra, cũng cùng một khu vực thôn xóm. Chỉ khác là đơn vị vi phạm bị phát giác về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm bắt nguồn từ một cơ sở gia công tại huyện Chương Mỹ, Hà Nội.

Lãnh đạo Công ty cổ phần sữa Quốc tế (IDP), ông Nguyễn Tuấn Dũng, thừa nhận, các sản phẩm mang thương hiệu sữa tươi Ba Vì của IDP đã chịu ảnh hưởng không nhỏ từ việc nhãn hiệu chung bị xâm hại, các thông tin ban đầu mập mờ, thiếu chính xác khiến lượng tiêu thụ của doanh nghiệp sụt giảm.

Tự hại nhau

Trước đó, trường hợp này đã từng xảy ra với thương hiệu nước mắm nổi tiếng Phú Quốc. Trên địa bàn đảo có khoảng 100 cơ sở sản xuất nước mắm, nhưng ngoài thị trường, người tiêu dùng hoa mắt, mất niềm tin trước một rừng nước mắm mang tên Phú Quốc.

Có danh tiếng nhưng không biết cách giữ gìn, để nhiều đơn vị các tỉnh thành khác, thậm chí cả nước ngoài mượn danh trục lợi, làm giả, làm nhái, khiến cộng đồng những người sản xuất nước mắm tại Phú Quốc cũng bức xúc kêu trời. Lý do chính dẫn đến tình trạng này là sự yếu kém, lỏng lẻo trong quản lý về tiêu chuẩn chất lượng, nhãn mác sản phẩm, bảo vệ thương hiệu của chính quyền, hiệp hội.

Mặt khác, tình trạng các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất mạnh ai nấy làm, thiếu ý thức giữ gìn, bảo vệ thương hiệu cũng khiến cho nhiều chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận ở Việt Nam thường chưa hiệu quả, nếu không nói là đi ngược mục đích bảo tồn, phát triển thương hiệu vùng miền.

Thực tế việc sử dụng chỉ dẫn địa lý chè Shan tuyết Mộc Châu (Sơn La) là một ví dụ. Mặc dù đã được bảo hộ nhưng các công ty chè tại địa bàn Mộc Châu lại không kết hợp với nhau để cùng khai thác và sử dụng chỉ dẫn này một cách hiệu quả.

Sản xuất nông nghiệp chủ yếu là cá nhân, hộ gia đình nhỏ lẻ, sản xuất ít sản phẩm, tài chính yếu nên khó mà tạo dựng một nhãn hiệu riêng cho mình. Mục tiêu xây dựng một nhãn hiệu tập thể, tuy tốn công quảng bá một nhãn hiệu nhưng rất nhiều người sản xuất được hưởng chung. Tuy nhiên, việc sử dụng chỉ dẫn Mộc Châu cho sản phẩm chè Shan tuyết nói riêng thời gian qua chủ yếu dựa trên năng lực tự có, đơn lẻ của một số công ty.

Luật sư chuyên về sở hữu trí tuệ là ông Lê Xuân Thảo nhìn nhận, ý tưởng của việc ra đời nhãn hiệu tập thể là rất tốt, Việt Nam chỉ đi sau học hỏi các nước trên thế giới. Thương hiệu chung ra đời thường gắn liền với quy chế sở hữu rất chặt. Từng thành viên nắm được rồi ký cam kết thực hiện đúng. Tuy nhiên, theo ông Thảo, có quy chế nhưng không thực hiện, công tác quản lý điều hành yếu kém bắt đầu làm thoái hóa, rối ren, dẫn đến mất giá trị thương hiệu do những người cạnh tranh làm hại lẫn nhau.

Khó xử lý

Diễn giải theo cách khác, Luật sư Phạm Thanh Tuấn, Giám đốc Công ty Luật TNHH Vietin, cho rằng, hành lang pháp lý điều chỉnh các đối tượng trên còn bất cập, chủ yếu tập trung vào các quy định về điều kiện bảo hộ, chưa có quy định đủ rõ ràng về điều kiện sử dụng. Vì vậy, từ trước đến nay, các địa phương chủ yếu tập trung vào việc bảo hộ các chỉ dẫn địa lý và thờ ơ với việc kiểm soát sử dụng các chỉ dẫn này.

Trên thực tế, việc quản lý các chỉ dẫn địa lý và nhãn hiệu thường giao cho cơ quan hành chính (thường là UBND cấp huyện, cấp tỉnh) hoặc các hiệp hội sản xuất ở địa phương – nơi có sản phẩm được bảo hộ chỉ dẫn địa lý. Tuy nhiên, năng lực kiểm soát chất lượng sản phẩm của các cơ quan này còn yếu.

Bản thân các cơ quan quản lý trong nhiều trường hợp cũng chưa ban hành được một quy chế rõ ràng về điều kiện cấp và sử dụng chỉ dẫn địa lý hoặc nhãn hiệu chứng nhận cũng như quy chế “hậu kiểm” sau khi đã cho phép các chủ thể khác sử dụng, do đó dễ dẫn đến tình trạng tùy tiện trong cấp phép và buông lỏng trong quản lý để xảy ra tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng trà trộn, trục lợi.

Hơn nữa, việc phân định mức độ vi phạm, chế tài xử phạt vẫn chồng chéo, lạc hậu, chưa đủ sức răn đe cũng là khó khăn của các cơ quan thực thi pháp luật. Điển hình như vụ làm giả sữa Ba Vì vừa qua, Trung tá Hà Thế Hùng, Đội trưởng Đội chống hàng giả và xâm phạm sở hữu trí tuệ (Đội 8), phòng PC46, Công an Hà Nội chia sẻ, lực lượng chức năng rất khó trong xác định đây là hàng giả hay hàng kém chất lượng.

Việc bán ra thị trường loại sữa không đúng tiêu chuẩn như công bố, nhiễm vi sinh thì hơn ai hết thì người tiêu dùng là đối tượng chịu thiệt đầu tiên. Vậy mà, chế tài xử phạt doanh nghiệp nói trên theo khung hình phạt, cũng chỉ dừng ở mức độ hành chính.

Vụ việc “sữa Ba Vì” vừa qua, hơn ai hết trách nhiệm thuộc về đơn vị quản lý là huyện Ba Vì. Do đó, đây là dịp để huyện nhìn nhận lại việc cấp phép, sử dụng và quản lý thương hiệu trong thời gian qua, theo hướng ngày càng chặt chẽ hơn.

Trao đổi mới đây, ông Lê Văn Minh, Chủ tịch UBND huyện Ba Vì, thừa nhận, trên địa bàn vẫn có cơ sở hoặc vi phạm về sử dụng nhãn hiệu sữa Ba Vì, hoặc vi phạm về chất lượng sản phẩm. Do đó, sắp tới, huyện sẽ tăng cường công tác thanh, kiểm tra chất lượng và việc sử dụng thương hiệu sữa Ba Vì tại các cơ sở sản xuất, chế biến kinh doanh sữa trên địa bàn.

Lãnh đạo huyện cũng cho hay đã hợp tác với đơn vị luật để bổ sung các quy chế về sử dụng nhãn hiệu sữa Ba Vì, làm thủ tục đăng ký nhãn hiệu tại thị trường quốc tế. Cơ quan chức năng huyện đang dự thảo quy định tạm thời về việc thành lập và vận hành trạm thu gom, bảo quản sữa tươi trên địa bàn huyện Ba Vì để cụ thể hóa các tiêu chuẩn cho doanh nghiệp hoạt động kinh doanh sữa. Tất cả là vì mục tiêu phát triển và quản lý thương hiệu sữa Ba Vì, đồng thời đảm bảo quyền lợi cho các doanh nghiệp đã được cấp phép.

Theo Vef

Click để bình luận

Nhập bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

2 × 1 =

To Top