Connect with us

Thị trường phim chiếu rạp: Khi luật chỉ vỗ béo “cá lớn”

Tin trong nước

Thị trường phim chiếu rạp: Khi luật chỉ vỗ béo “cá lớn”

Nhìn dưới góc độ cạnh tranh, chính sách xã hội hoá đã đưa hoạt động điện ảnh trở thành hoạt động kinh doanh đích thực. Thị trường điện ảnh đã hình thành và vận hành tích cực ở những nơi người bán thu được lợi nhuận. Nhưng đồng thời, những hệ luỵ cũng đã lộ diện với tất cả sự khắc nghiệt.

Lỗ hổng pháp lý

Nếu như điện ảnh của nhiều quốc gia khác tách biệt các khâu sản xuất, phát hành và chiếu bóng, yêu cầu các nhà phát hành không được sở hữu rạp chiếu thì khoản 2, điều 30, luật Điện ảnh năm 2006 lại quy định “Doanh nghiệp phát hành phim, doanh nghiệp khác có đăng ký kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu phim phải có rạp chiếu phim để tham gia phổ biến phim”. Luật này đã trói buộc một cách máy móc hoạt động phát hành phim vào hoạt động phổ biến phim, đưa các doanh nghiệp trên thị trường lao vào mối quan hệ vừa là đối tác vừa là đối thủ, vừa cộng sinh lại vừa đối đầu.

Với nguồn phim nội địa yếu cả về số lượng và chất lượng thì nguồn phim để các rạp hoạt động hoàn toàn phụ thuộc vào phim nhập khẩu. 11 phim Việt ra mắt trong năm 2011 chỉ bằng một phần mười lượng phim nhập khẩu. Do vậy, chỉ cần nắm giữ phần lớn nguồn phim nhập khẩu, nhà phát hành hoàn toàn có thể khống chế hoạt động chiếu phim. Một hệ thống phát hành – chiếu bóng chiếm hơn phân nửa số màn ảnh ở Việt Nam như Megastar hay Galaxy có thể không quan tâm đến các rạp chiếu phim khác khi có thể tự tổ chức chiếu phim trong phạm vi hệ thống của mình. Trong khi đó, các doanh nghiệp khác không có nguồn phim để nhập nên hoàn toàn phụ thuộc nguồn phim của Megastar hay Galaxy. Khi nguồn cung cấp phim thuộc về số ít, chiến lược thâu tóm có thể được thực hiện dưới nhiều dạng thức.

Hai  hình ảnh trái ngược giữa hệ thống rạp lớn Galaxy (trên) và rạp chiếu độc lập Fafilm (dưới). Ảnh: Gia Tiến

Giăng mắc rào cản

Dạng thức dễ thấy nhất là từ chối chia sẻ thị trường với các đối thủ nhỏ hơn. Một khi đã có rạp chiếu, các hệ thống lớn sẽ viện nhiều lý do để không cung cấp phim, hoặc cung cấp phim với những điều kiện ngặt nghèo cho các rạp chiếu phim nhỏ hơn như định mức doanh thu, giá vé tối thiểu, giờ chiếu và ngày chiếu thuận lợi, đặt phim theo gói gồm cả “bom tấn” lẫn phim có tính thương mại thấp… Chính sách này có thể xem là sự dẫn dắt người xem phim chuyển hướng sang hệ thống rạp của họ. Với những vùng thị trường nhỏ như Đồng Nai, Hải Phòng… khả năng không chia sẻ thị trường xảy ra rất cao. Các trung tâm chiếu phim ở đây không còn nguồn phim để hoạt động và hậu quả là các rạp chiếu phim đã phải chuyển công năng hoạt động của rạp thành nhà sách hay trung tâm mua bán… Ở khía cạnh này, các hệ thống lớn thường cho rằng họ đã bỏ tiền đầu tư lớn cho phát hành và chiếu bóng, để có thể nhập được phim “bom tấn” về chiếu vòng đầu cùng thế giới cho khán giả Việt, nên có quyền yêu cầu nhiều điều kiện cho các rạp nhỏ hơn nếu muốn chiếu phim lớn. “Phải công bằng cho cả hai phía. Ví như thị trường trước đây chỉ có Toyota, nay có thêm Lexus. Vấn đề là người ta đang muốn mua Lexus với giá của Toyota”, ông Brian Hall, giám đốc hệ thống Megastar ví von với giới truyền thông. Doanh thu chiếu phim cũng là cơ sở để tạo lợi thế đàm phán với các nhà phát hành nước ngoài.

Dạng thức rào cản thứ hai từng được tổ chức Hợp tác kinh tế và phát triển (OECD) chỉ ra trong một tài liệu được công bố rộng rãi, được sử dụng như biện pháp cô lập các rạp chiếu phim nhỏ: các hệ thống lớn từ chối chiếu phim của các nhà phát hành khác nếu họ cung cấp phim cho các rạp đối thủ.

Tất cả những hiện tượng trên đều có thể dẫn đến sự thâu tóm theo chiều dọc của những hệ thống lớn, bằng cách hỗ trợ tăng trưởng cho các rạp thuộc sở hữu của mình và làm suy yếu các rạp độc lập.

Những “vùng trắng” điện ảnh

Hơn mười năm vui mừng với những thành quả xã hội hoá trong lĩnh vực chiếu bóng và phát hành, điều ngạc nhiên nhất là người ta… bỏ quên luôn những khu vực mà xã hội hoá chưa bao giờ vươn tới. Trong lúc hoạt động điện ảnh sôi nổi và cạnh tranh gay gắt ở vài đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng… thì rạp chiếu của hơn 50 tỉnh, thành sống trong tình trạng “chết lâm sàng”, tạo thành những “vùng trắng” trong hưởng thụ điện ảnh. Nếu ở thành phố lớn, khán giả thường kháo nhau về những bom tấn chuẩn bị đổ bộ vào các rạp xịn nhất; thì toàn bộ phần còn lại, người dân đang ngồi trên các mảnh đất trống chờ xem chiếu bóng lưu động, với danh mục phim xào xáo đến cũ mòn.

Mặt khác, xã hội hoá điện ảnh đã đẩy các doanh nghiệp nhà nước vốn được cưng chiều vào một đại dương bao la. Sự co cụm và tự chấp nhận số phận đang đè nặng lên tâm lý hoạt động của những nơi, những đơn vị không còn nguồn phim để hoạt động hoặc chấp nhận mọi điều kiện do các đại gia phát hành phim để tìm nguồn sống lay lắt. Hai hình ảnh cho thấy sự cách biệt quá lớn về mức độ hưởng thụ điện ảnh.

Câu hỏi đặt ra là các chính sách điện ảnh đang hướng đến phục vụ ai và đem lại hiệu quả gì cho đời sống văn hoá của dân tộc? Một khi cơ sở đánh giá hiệu quả của chính sách xã hội hoá là sự phát triển của một vài đại gia, một vài tập đoàn và một vài địa phương thì tất yếu nơi nào có cơ hội tăng trưởng, cơ hội thu lợi nhuận thì nơi đó có thị trường và phần còn lại bị lãng quên. Chúng ta không phủ nhận giá trị của chính sách xã hội hoá, chính sách kêu gọi đầu tư từ nước ngoài hoặc từ tư nhân, nhưng lẽ ra nhà quản lý phải dự liệu được các giải pháp hợp lý để khắc phục các khuyết tật của thị trường kinh doanh đặc biệt này. Điều có thể làm ngay là đánh giá một cách khách quan khả năng điều chỉnh và những tác động của luật Điện ảnh đối với thị trường, để có những quyết định sửa đổi nhằm bảo vệ nền điện ảnh nước nhà một cách cấp bách.

Theo SGTT

Có thể bạn quan tâm...
Click để bình luận

Nhập bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

nineteen + 9 =

To Top