Connect with us

Thị trường di động: Smartphone Việt khó tìm chỗ đứng

Tình huống thương hiệu

Thị trường di động: Smartphone Việt khó tìm chỗ đứng

Cùng với sự khó khăn chung của nền kinh tế, sức mua trên thị trường giảm sút, điện thoại di động – vốn nằm trong nhóm các mặt hàng không thiết yếu cũng chịu đà suy giảm chung. Song, theo nhận định từ các hãng di động, các dòng điện thoại thông minh (smartphone) vẫn chiếm ưu thế trên thị trường, và tiếp tục là mặt hàng chủ đạo từ nay đến cuối năm. 

Tuy nhiên, đây chủ yếu là smartphone của các hãng di động có uy tín như HTC, Samsung…, còn thị trường smartphone Việt vẫn rất ảm đạm với bài toán thương hiệu.

Sức mua sụt giảm cùng nền kinh tế

Nhận định về thị trường di động trong 6 tháng đầu năm, ông Mai Triều Nguyên, Giám đốc hệ thống cửa hàng kinh doanh điện thoại di động Mai Nguyên cho biết, do chủ yếu kinh doanh ở phân khúc cao cấp nên doanh thu tại Mai Nguyên vẫn được đảm bảo. Song, tình hình chung trên thị trường quả thật đã sụt giảm nghiêm trọng. Điều này chứng tỏ, những dòng sản phẩm cao cấp, nhất là dòng smartphone vẫn hút khách, chỉ có dòng sản phẩm phổ thông, ở phân khúc thấp và tầm trung là giảm mạnh về doanh thu, khiến nhiều cửa hàng di động lâm vào khó khăn.

Đại diện một hãng kinh doanh di động khác cũng cho biết, năm 2012 không phải là một năm sáng sủa với thị trường di động. Kinh tế khó khăn, người dân chủ động thực hiện thắt chặt chi tiêu, chỉ tập trung vào các sản phẩm thiết yếu phục vụ cuộc sống hàng ngày nên điện thoại di động nhiều khi bị người dùng “quên lãng”. Thêm nữa, đa phần người tiêu dùng hiện nay đều đã sở hữu một chiếc điện thoại di động nên sụt giảm sức mua là điều dễ hiểu. Anh Nguyễn Văn Minh, chủ một cửa hàng điện thoại trên đường Giải Phóng phàn nàn, từ đầu năm tới nay, lượng người tới mua hàng đã giảm từ 35-40%.

Sức mua sụt giảm, song riêng phân khúc smartphone vẫn được người tiêu dùng ưu ái. Lý giải điều này, theo ông Mai Triều Nguyên, trong bối cảnh mạng 3G ở Việt Nam đang được các nhà mạng phủ sóng mạnh mẽ với gói cước phù hợp, trào lưu mới tất yếu sẽ là chuyển hướng từ dòng điện thoại thông thường sang sử dụng điện thoại thông minh với đa dạng tính năng như đọc báo, check mail, lướt web, xem ti vi, chơi game… trong khi giá cả ngày một hạ nhiệt, chỉ dao động từ 2-3 triệu đồng với nhiều lựa chọn. Do đó, từ nay đến cuối năm, thị trường điện thoại di động vẫn do smartphone chiếm lĩnh. Các đơn vị, cửa hàng nào chuyên kinh doanh mặt hàng này sẽ chiếm ưu thế. Còn các dòng sản phẩm khác, có thể có giá rẻ hơn nữa, nhất là các sản phẩm có xuất xứ từ Trung Quốc đã từng làm mưa làm gió trên thị trường cách đây 2-3 năm, thì nay, sẽ càng ngày càng suy giảm.

Thương hiệu Việt vẫn loay hoay tìm chỗ đứng

Trong các dòng điện thoại thông minh, dòng smartphone sử dụng hệ điều hành Android của các thương hiệu HTC, Samsung, LG… được dự kiến sẽ càng ngày càng thu hút lượng người dùng. Nối tiếp đó là hệ điều hành IOS của Apple và Windows Phone. Tuy nhiên, thực chất, cuộc chiến chính trên dòng smartphone vẫn thuộc về Android và IOS, còn Windows Phone, thời gian qua đã phát triển khá ảm đạm và chỉ sống dậy nhờ sự xuất hiện của dòng Nokia Lumia, nhất là Nokia Lumia 900 vừa có mặt tại Việt Nam.

Trong một hội thảo được tổ chức mới đây nhất do ông Nguyễn Văn Hiến, Giám đốc Dự án Appstore.vn (kho tải ứng dụng lớn nhất Việt Nam với hàng chục dịch vụ hấp dẫn cho điện thoại, đặc biệt là smartphone) chủ trì, ông cũng nhấn mạnh, trong tổng số 2,8 triệu người dùng của AppstoreVN, số người dùng IOS (Apple) vẫn chiếm lượng lớn với gần 2,2 triệu người, Android với khoảng 500.000 người dùng, song, trong năm 2013, Android chắc chắn sẽ thống lĩnh thị trường di động vì những tiện ích của nó cũng như mặt bằng giá cả.

Thế nhưng, trong cuộc chiến smartphone này, người dùng lại thấy thiếu vắng những tên tuổi “made in Việt Nam”. Cuối năm ngoái, Q-Mobile từng được kỳ vọng sẽ đem lại tia sáng cho điện thoại thương hiệu Việt, khi đưa ra sản phẩm smartphone S10 với giá 4 triệu đồng. Nhưng sau đó, Q-Mobile khó có thể cạnh tranh được với thương hiệu Samsung khi Samsung tung ra smartphone Galaxy Y chỉ với hơn 3,3 triệu đồng. “Nếu phải chọn lựa giữa Samsung và Q-Mobile, lẽ tất nhiên, chẳng mấy khách hàng lại đi chọn… Q-Mobile. Chưa bàn tới vấn đề giá cả, từ thương hiệu tới uy tín, người dùng vẫn cảm thấy yên tâm hơn với Samsung, vì thực chất, tâm lý nhiều người vẫn cho rằng, các sản phẩm Việt hiện nay vẫn là hàng Trung Quốc và gắn mác Việt Nam” – anh Nam, chủ một cửa hàng điện thoại trên đường Hồ Tùng Mậu thẳng thắn chia sẻ.

Quyết tâm chiếm lại thị trường, trong tháng 6 này, Q-Mobile đã cho trình làng smartphone S11, được giới thiệu là sản phẩm smartphone Android có giá tốt nhất thị trường và hoàn toàn nằm trong tầm tay của mọi tầng lớp người dùng. HKPhone, sau tuyên bố sẽ thống lĩnh thị trường smartphone giá rẻ 6 tháng cuối năm và vượt xa những hãng tên tuổi trong phân khúc này, sáng 26-6, HKPhone chính thức công bố trên hệ thống showroom toàn quốc 2 dòng sản phẩm mới là Revo S, Revo HD cùng chương trình điều chỉnh giá lớn cho Revo phiên bản đầu, với quyết tâm tạo ra tầm ảnh hưởng lớn cho phân khúc smartphone từ 3,5 – 5 triệu đồng.

Tuy nhiên, theo ông Mai Triều Nguyên, dù đây là các động thái rất tích cực và đáng hoan nghênh của các thương hiệu Việt, song, thị trường smartphone Việt vẫn khó có thể cạnh tranh được với các sản phẩm nước ngoài. “Bởi không có câu chuyện các “đại gia” tên tuổi như Iphone, HTC, Samsung, Nokia… chịu nằm yên, họ cũng luôn tung ra các dòng sản phẩm mới với cấu hình và giá cả ngày một rẻ để cạnh tranh. Trong khi, nếu phải lựa chọn, tính năng cũng như kiểu dáng của các dòng smartphone Việt chưa thể khiến người tiêu dùng an tâm hoàn toàn, nhất là đối tượng người dùng ở các đô thị lớn. Để tìm một hướng đi cho riêng mình, các thương hiệu Việt nên tập trung phát triển về nông thôn, các KCN, KCX, hướng tới đối tượng chính là học sinh, sinh viên, công nhân, người lao động thu nhập thấp” – ông nhấn mạnh.

Theo ĐĐK

Click để bình luận

Nhập bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

11 + 15 =

To Top