Connect with us

Thế tiến thoái lưỡng nan

Tin trong nước

Thế tiến thoái lưỡng nan

Các doanh nghiệp, cả nhỏ và lớn, đang bị dồn đến chân tường, nhưng không dễ để cứu họ bằng lãi suất.

Khó khăn tới hạn

Ở tuổi 40, nữ doanh nhân Trần Mỹ L. đã phải đưa ra một quyết định khó khăn: thôi việc. Làm đại diện thương mại cho một tập đoàn chuyên về logistics có trụ sở tại Hồng Kông, phụ trách hai công ty thuộc tập đoàn tại Hà Nội sau khi thăng tiến từ nhân viên tập sự 15 năm trước, Mỹ L. nay không thể chịu nổi sức ép.

Suốt từ cuối năm ngoái đến nay đơn hàng ngày càng ít, doanh thu mỏng đi, và yêu cầu từ tập đoàn càng lớn làm cô gầy rộc người. “Nghỉ việc ở tuổi mình thật khó khăn, nhưng mình không còn lựa chọn khác tốt hơn. Không làm được thì nên ra đi,” Mỹ L. nói.

Trường hợp của Mỹ L., một giám đốc làm thuê cho nước ngoài, còn nhẹ nhàng hơn nhiều so với các chủ doanh nghiệp khác đã bỏ bao công sức và tiền bạc vào công ty của mình. Bất ổn kinh tế vĩ mô lặp đi lặp lại trong suốt bốn năm qua và lãi suất luôn cao chót vót đã làm không ít người kiệt sức, thậm chí làm thui chột hạnh phúc cá nhân.

Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia Lê Xuân Nghĩa kể lại, ông biết nhiều trường hợp đang phải bán sản phẩm dưới giá thành để lấy tiền trả nợ ngân hàng và cứu công ty. Vì hành động như vậy, một nữ giám đốc mà ông Nghĩa quen biết đã bị chồng bỏ “ngay lập tức”. “Tôi rất xúc động về những hành động đó. Nhưng phải duy trì được doanh nghiệp, được nhân công thì họ mới có cơ hội làm lại những gì đã mất”, ông Nghĩa nói.

Hai câu chuyện trên, và còn rất nhiều câu chuyện tương tự khác chưa được kể, diễn ra ở Hà Nội. Ở TPHCM tình hình của các doanh nghiệp cũng rất khó khăn. Nhiều trong số 1.200 thành viên của Hội Doanh nghiệp trẻ TPHCM cũng vậy. Ông Lê Khánh Lâm, Phó tổng giám đốc Công ty Kiểm toán  DTL, thành viên trong hội kể lại: “Tôi gặp doanh nghiệp nào cũng thấy họ kêu ca khó khăn, có doanh nghiệp gặp khó khăn trực tiếp vì lãi suất cao, có doanh nghiệp gặp khó khăn gián tiếp vì khách hàng họ cũng rất khó khăn. Năm nay khó khăn hơn nhiều vì hầu hết doanh nghiệp có quy mô lớn hơn năm 2008. Thị trường trong nước trầm lắng, thị trường nước ngoài biến động làm phần lớn hội viên rất lo lắng, trong cuộc gặp nào tâm trạng cũng thế”.

Những câu chuyện trên mới chỉ là những nét chấm phá cho bức tranh màu xám về tình hình của các chủ doanh nghiệp, cả nhỏ lẫn lớn, thuộc nhiều lĩnh vực và thành phần kinh tế tại Việt Nam. Đó là hệ quả của nỗ lực của Chính phủ giảm tổng cầu nhằm chống lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô. Thật đáng lo, vấn đề an sinh và hệ lụy xã hội sâu sắc cũng đang ngày càng lộ diện. Nhưng, không giống như những năm đầu khủng hoảng, nhà nước không còn nhiều dư địa chính sách, và nguồn lực tài chính để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp, ngoài “lời hứa” giảm lãi suất, và miễn giảm thuế.

Tiến thoái lưỡng nan

Cách đây hai tuần, ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam, một trong những ngân hàng thương mại nhà nước lớn nhất cho triệu tập một hội nghị với 40 khách hàng là các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, và các doanh nghiệp tư nhân quy mô lớn.

Kết quả của cuộc gặp này là một bản kiến nghị chung gửi lên các cơ quan quản lý nhà nước, trong đó, nội dung quan trọng nhất là yêu cầu Ngân hàng Nhà nước xác định thời điểm để “nới lỏng dần chính sách tiền tệ”. Các doanh nghiệp này cho rằng, đây chính là tiền đề tạo điều kiện cho các ngân hàng thương mại hạ lãi suất cho vay vào đầu quí 4 và dẫn dắt xu hướng giảm lãi suất vào năm 2012, giúp cho các doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, duy trì sản xuất kinh doanh, bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa trên thị trường trong nước.

“Điều quan trọng nhất hiện nay là chúng ta, cả ngân hàng và doanh nghiệp phải trụ lại được đã”, ông Hà nói.

Những động thái như trên đã tạo sức ép chưa từng có với tân Thống đốc Nguyễn Văn Bình, người ngay khi nhậm chức đã phát đi thông điệp sẽ nỗ lực giảm lãi suất cho vay với hoạt động sản xuất kinh doanh xuống còn 17-19% từ tháng 9 tới. Song cam kết đó sẽ bị thử thách lớn trong bối cảnh lạm phát vẫn còn rất cao. Ít nhất, nó đã đi ngược lại với lý thuyết kinh tế học sơ đẳng nhằm chống lạm phát. Hơn nữa, nó không đồng điệu với tư duy quản lý “chặt chẽ” của ông Bình trong bài viết hồi tháng 2 khi còn là Phó thống đốc nhằm giải thích phương hướng hoạt động của Ngân hàng Trung ương theo tinh thần Nghị quyết 11 của Chính phủ và Chỉ thị 02 của Bộ Chính trị.

Tân Thống đốc sẽ tiến hành hàng loạt các hoạt động tiếp xúc với các ngân hàng và doanh nghiệp ở Hà Nội và TPHCM với mong muốn hiện thực hóa mục tiêu đó. Ông Cao Sỹ Kiêm, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhận xét các cuộc gặp đó sẽ bàn về việc sử dụng dư địa tăng dư nợ tín dụng 13% còn lại của những tháng đầu năm nay, và phương hướng giảm lãi suất. Là người đại diện cho doanh nghiệp, ông cho rằng tân thống đốc được ủng hộ bởi bốn yếu tố bao gồm lạm phát theo tháng đang giảm dần, ngân hàng thương mại bắt đầu giảm lệ phí cho vay, các doanh nghiệp vẫn có nhu cầu vay, và Ngân hàng Nhà nước còn dư địa can thiệp như tái cấp vốn, tái chiết khấu cho ngân hàng thương mại.

Có vẻ như quan điểm giảm lãi suất có thể chống lạm phát, ít nhất trong cách tiếp cận giảm chi phí đẩy, đang lấn át trong giới hoạch định chính sách. Song, chính sách tiền tệ nới lỏng nửa cuối năm 2010, và hệ lụy của nó sẽ là một bài học không thể bỏ qua. Với kết luận của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong phiên họp với các nhà kinh tế cuối tuần trước rằng “tinh thần chính vẫn phải là kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô”, Tiến sĩ Võ Trí Thành của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, đó mới là thông điệp chính sách chính. Ông kể lại đã nói với Thủ tướng: “Rất nhiều người lo lắng rằng nhiều doanh nghiệp có khả năng chết. Nhưng vì đại cục các chính sách vẫn phải chặt chẽ. Còn vấn đề của các doanh nghiệp là họ phải tự thay đổi và điều chỉnh”.

Mỹ L. đã ở nhà được gần một tháng. Chị chuẩn bị ra quản lý công ty riêng của chồng trong ngành giao nhận, vốn cũng đang gặp rất nhiều khó khăn. Chồng chị, từ đầu năm đến giờ đã không lĩnh lương với nỗ lực không phải sa thải một nhân công nào. “Tôi sẽ phải cố gắng nhiều, không thì đến công ty này cũng hỏng mất,” chị nói, và vẫn đang ở tòa nhà Vimeco vào loại đắt nhất thủ đô. Còn với người quen là nữ giám đốc bị chồng ly dị vì công ty khủng hoảng, ông Nghĩa tin tưởng rằng, cơ hội cho doanh nghiệp của cô phát triển vẫn còn đó. Ông nói: “Họ thực sự có bản lĩnh, có chữ tín với thị trường, và trách nhiệm với những người lao động”.

Theo TBKTSG

Có thể bạn quan tâm...
Click để bình luận

Nhập bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

5 × two =

To Top