Connect with us

Thái Lan già hóa

Tin quốc tế

Thái Lan già hóa

Vào năm 2022, Thái Lan sẽ là quốc gia đang phát triển đầu tiên trở thành một “xã hội già”, với hơn 14% dân số có độ tuổi hơn 65.

Cách đây 20 năm, Thái Lan là thị trường nóng bỏng nhất trong số các thị trường mới nổi. Sau một giai đoạn tăng trưởng quá nóng và mức thâm hụt tài khoản vãng lai cao, Thái Lan đã cạn kiệt dự trữ ngoại hối và bỏ neo đồng nội tệ với USD (năm 1997). Sau dư chấn, lạm phát đã tiệm cận 10% và Ngân hàng Trung ương Thái Lan đã rất vất vả trong việc khôi phục niềm tin vào đồng baht. Trong một bài báo của Romain Rancière thuộc Đại học Nam California cùng 2 đồng tác giả, Thái Lan đã được sử dụng như một minh họa rõ nét cho sự thật rằng tính năng động và mối nguy hiểm, tăng trưởng nhanh và các cuộc khủng hoảng luôn song hành với nhau.

Một số thị trường mới nổi hiện nay vẫn có thể khiến cho nhiều nhà quan sát phập phồng lo sợ, như Thổ Nhĩ Kỳ chẳng hạn đã “gắn” tốc độ tăng trưởng thần tốc với mức lạm phát tới 2 con số và đà giảm đáng ngại của đồng lira nước này. Nhưng Thái Lan lại khiến các nhà quan sát lo ngại theo một cách khác. Có thể thấy đầu tư tư nhân ở nước này đã tăng trưởng chỉ 1,7% vào năm 2017, trong khi trái phiếu chính phủ mang lại mức sinh lời ít ỏi hơn cả trái phiếu Mỹ.

Lạm phát một lần nữa trở thành mối lo ngại, không phải bởi vì quá cao mà bởi vì lạm phát ở mức thấp quá lâu. Chỉ số giá tiêu dùng đã tăng chỉ 0,8% vào tháng 3.2018, theo các số liệu vừa được công bố. Lạm phát vẫn ở mức thấp dưới chỉ tiêu đặt ra 1,4% của Ngân hàng Trung ương Thái Lan trong 13 tháng liên tiếp. Lạm phát lõi (không bao gồm thực phẩm tươi sống và năng lượng) đã dưới mức 1% trong gần 3 năm qua.

“Đó là Nhật”, một nhà quan sát lâu năm đối với nền kinh tế Thái Lan đã đưa ra nhận xét như vậy. “Thái Lan có cơ cấu dân số của Nhật từ cách đây 25 năm và nước này đang trên con đường mà Nhật đã đi với tỉ lệ lạm phát zero, mức lãi suất rất thấp và thặng dư tài khoản vãng lai rất lớn”, vị này nói thêm.

200418 Thailand 1

Vào năm 2022, Thái Lan sẽ là quốc gia đang phát triển đầu tiên trở thành một “xã hội già”, theo Ngân hàng Trung ương nước này, với hơn 14% dân số có độ tuổi hơn 65. Tỉ lệ người già đang tăng nhanh tại Thái Lan còn hơn cả ở Trung Quốc.

Nhưng viễn cảnh về một xã hội già không phải là một cái cớ bào chữa cho thái độ “không vội vàng” của các nhà làm chính sách. Tình trạng dân số Thái Lan đáng lẽ phải khiến cho bất cứ ai đều phải khẩn trương. Theo các chuyên gia kinh tế, nước này nên đầu tư vào cơ sở hạ tầng và máy móc thiết bị để đảm bảo cho lực lượng lao động ngày càng ít đi của ngày mai được trang bị tốt để “chu cấp” đủ cho một bộ phận lớn dân số về hưu.

Thật không may, các nhà làm chính sách của nền kinh tế Thái Lan cũng cho thấy hơi hướng thụ động về mặt điều hành vĩ mô mà một thời đã làm tê liệt nước Nhật. Ngân hàng Trung ương Thái Lan đã không đả động gì đến lãi suất kể từ tháng 4.2015. Tại cuộc họp gần đây nhất của Ngân hàng Trung ương nước này, một thành viên thậm chí đã bỏ phiếu yêu cầu tăng lãi suất, vì lo ngại người dân đang quá quen thuộc và dựa dẫm vào dòng tiền dễ dãi.

Thái độ bảo thủ này đã thâm căn cố đế. Ngân hàng Trung ương Thái đã được thành lập vào năm 1942, một thời gian không lâu trước khi mức lạm phát quá cao thời chiến đã để lại ấn tượng quá sâu sắc lên tâm trí của các nhà làm chính sách. Thống đốc đầu tiên của Ngân hàng Trung ương Thái Lan tuyên bố hậu quả sẽ rất lớn nếu không quan tâm sâu sát đến vấn đề ổn định giá cả. Còn vị Thống đốc lâu năm nhất của Ngân hàng Trung ương Thái Lan Puey Ungphakorn tin rằng nguồn cung tiền không nên tăng trưởng nhanh hơn 2-3 điểm phần trăm so với GDP. Theo quan điểm của ông, tính ổn định kinh tế còn quan trọng hơn cả tốc độ tăng trưởng nhanh, Peter Warr và Bhanupong Nidhiprabha đã viết trong “Điều kỳ diệu vĩ mô của Thái Lan”, được phát hành vào năm 1996.

200418 Thailand 2

Thái Lan có thể lo lắng về phản ứng của Mỹ đối với việc nước này nới lỏng tiền tệ thêm nữa, vốn sẽ giúp đảo ngược đà tăng gần đây của đồng baht. Trong tháng này, Mỹ sẽ đưa ra “phán quyết” đối tác thương mại nào đang thao túng tiền tệ. Thái Lan là quốc gia duy nhất tại châu Á đáp ứng tất cả 3 tiêu chí của Mỹ (thặng dự thương mại 20 tỉ USD với Mỹ, thặng dư tài khoản vãng lai lớn và tích lũy dự trữ đáng kể), theo hãng tư vấn Capital Economics. Nhưng Thái Lan có lẽ quá nhỏ khó mà thu hút sự quan tâm, huống chi là sự giận dữ từ Washington.

Khi thiếu vắng một chính sách nới lỏng tiền tệ, Thái Lan buộc phải dựa vào việc mở rộng hơn nữa chính sách tài khóa. Thật không may, chi tiêu công, vốn giảm 1,2% vào năm ngoái, đã bị “tắc nghẽn” bởi tình trạng các dự án bị trì hoãn hoặc hủy bỏ. Chỉ vào tháng 12 vừa qua, các công nhân mới động thổ một dự án đường sắt tốc độ cao được trông chờ từ lâu nối liền Thái Lan, Lào và Trung Quốc.

Thái Lan cũng đang có lối suy nghĩ khá giống Nhật trong một vấn đề khác. Đó là việc nước này đang ngày càng tỏ ra ác cảm với người nhập cư. Chính phủ Thái Lan năm ngoái đã áp những mức phạt rất nặng lên những người nhập cư bất hợp pháp, nhiều trong số này đến từ Việt Nam và Myanmar. Những đối tượng nhập cư này được cho là đánh cắp việc làm của người Thái, chứ không phải làm trẻ hóa lực lượng lao động đang già đi.

Thái Lan cũng chăm chỉ hơn trong việc mời gọi du khách đến nước này chi tiêu. Chi tiêu của các du khách nước ngoài đã tăng 11,7% trong năm 2017, giúp hỗ trợ tăng trưởng của nền kinh tế trong bối cảnh đầu tư tư vẫn trì trệ, tiêu dùng nội địa vẫn ì ạch (một phần do nợ hộ gia đình cao).

Hiện tại, xuất khẩu, vốn chiếm khoảng 2/3 nền kinh tế Thái Lan, vẫn là động lực tăng trưởng chính của nước này khi tăng gần 10% vào năm ngoái. Chính phủ đã nâng triển vọng tăng trưởng xuất khẩu năm 2018 lên 6,8% từ mức 5%. Dẫu vậy, các nhà xuất khẩu Thái Lan đang đối mặt với thách thức cam go từ chính sách bảo hộ thương mại ngày càng gia tăng của Mỹ và đồng baht mạnh, vốn ở mức cao trong 4 năm qua.

Hội đồng Phát triển kinh tế – xã hội Thái Lan (NESDB) vẫn duy trì dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2018 ở mức 3,6-4,6%, sau khi tăng trưởng 3,9% trong năm 2017. Nhưng với dân số đang già đi nhanh chóng, lạm phát vẫn ở mức thấp nhiều năm, nhu cầu nội địa vẫn yếu ớt và quan trọng hơn là thái độ “bình chân như vại” của các nhà làm chính sách, Thái Lan đang đối mặt với không ít rủi ro trong tương lai. Liệu nền kinh tế Thái Lan sẽ tái hiện lại một nước Nhật thứ hai, vốn vẫn gắng gượng đưa đất nước thoát khỏi nạn giảm phát kéo dài.

Theo NCĐT 

Có thể bạn quan tâm...
Click để bình luận

Nhập bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

16 + 14 =

To Top